Cho vay trung, dài hạn  có thực sự kịch trần?

Cho vay trung, dài hạn có thực sự kịch trần?

(ĐTCK) Các ngân hàng rậm rịch kêu kịch trần cho vay trung, dài hạn bằng vốn ngắn hạn và muốn nới quy định. Dọn dần đường để thay đổi một quy định là chuyện không mới, nhưng có lẽ các ngân hàng không nên chỉ vì lợi ích của mình mà cần nhìn toàn cục.

Ngân hàng “kêu” nới

Chia sẻ với báo giới, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, cho vay trung, dài hạn trên vốn huy động ngắn hạn của Ngân hàng đã kịch trần và cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem xét nới tỷ lệ cho phép sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Tuy nhiên, tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, cho vay trung, dài hạn trong hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm hiện nay đã đạt 50% tổng dư nợ, cao hơn so với thời điểm này năm 2013 - khoảng 45%. Trong đó, cho vay trung, dài hạn trên vốn huy động ngắn hạn chiếm khoảng 19%, chưa vượt ngưỡng cho phép 30% theo quy định tại Thông tư 15/2009/TT-NHNN.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng mạnh nên có thể đã kịch trần nhưng không ít ngân hàng nhỏ hơn, tốc độ tăng trưởng yếu nên vẫn còn nhiều “room”.

Về vấn đề này, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho biết, một số ngân hàng TMCP với mục tiêu giảm chi phí đầu vào đã chủ động hạn chế huy động trung, dài hạn. Do đó, việc kịch trần cho vay trung, dài hạn trên vốn huy động ngắn hạn là bởi chính sách của ngân hàng đó chứ không phải do thị trường. 

Không thể để ngoại lệ biến thành thông lệ

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Không thể chỉ vì một vài ngoại lệ mà tăng ‘room’ để trở thành thông lệ và tiến tới là quy định mới cho toàn hệ thống. Các quy định cần phải tuân thủ chặt chẽ”.

“NHNN không cần thiết phải nới tỷ lệ này hơn nữa, các ngân hàng nên dừng ở mức 30% dù nhu cầu về tăng trưởng tín dụng có vượt mức; còn những ngân hàng nào nếu đã vượt trần thì kéo xuống, kịch trần thì duy trì ở trạng thái đó để đảm bảo an toàn”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Liên quan đến quy định về tỷ lệ tối đa các ngân hàng được phép sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng giám đốc OCB nhận định, các ngân hàng xin thay đổi tỷ lệ là chưa hợp lý vào thời điểm hiện nay, bởi bản chất của hoạt động kinh doanh này luôn chứa đựng rủi ro thanh khoản cho chính các ngân hàng. Ở các quốc gia khác, khi nhà điều hành không đưa ra một tỷ lệ cụ thể thì chính nội bộ các ngân hàng phải có tỷ lệ quy định riêng.

“Thanh khoản của cả hệ thống đã tốt hơn nhiều, lãi suất giảm, tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động ở mức thấp hơn các năm trước, nhưng vẫn chưa phải thời điểm xóa bỏ các chốt chặn kiểm soát. Do vậy, các ngân hàng muốn tăng trưởng cho vay trung, dài hạn thì phải chủ động đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn ở mức chi phí hợp lý bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt huy động ngắn hạn.”, ông Đinh Đức Quang nói.

Vị tổng giám đốc trên chia sẻ, không có một mực thước nào để định mức 20% hay 30% là hợp lý nhất mà chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm của mỗi một hệ thống và thời điểm hiện nay ở Việt Nam 30% là mức an toàn.

“Rủi ro cho hệ thống khi thị trường khác trở nên hấp dẫn hơn khiến người dân tập trung rút tiền gửi nhiều sẽ gây nguy hiểm thanh khoản trong toàn hệ thống ngân hàng”, vị tổng giám đốc trên nói.

Ông Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng giám đốc BIDV cho rằng, chỉ có một vài ngân hàng kịch trần giới hạn nhưng tỷ lệ trong toàn hệ thống vẫn thấp nên không cần thiết nới trần. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, NHNN có thể nới trần cho một vài ngân hàng với điều kiện có thời hạn phải lùi về quy định dưới 30%, cụ thể ở đây là đến 31/12/2014.

“Việc nới trần kèm điều kiện về thời gian nhằm hỗ trợ các ngân hàng tích cực huy động vốn trung, dài hạn để đảm bảo thanh khoản và tránh rủi ro về kỳ hạn”, ông Lực nói.       

Tin bài liên quan