Các ngân hàng đang có xu hướng cơ cấu lại kỳ hạn, theo hướng đẩy mạnh tiền gửi dài hạn.

Các ngân hàng đang có xu hướng cơ cấu lại kỳ hạn, theo hướng đẩy mạnh tiền gửi dài hạn.

Cho vay dài hạn tăng, lo tiền chảy vào lĩnh vực nóng

Liên quan việc hơn chục ngân hàng giảm lãi suất huy động gần đây, các chuyên gia nhận định, đó chỉ là hiện tượng bề ngoài. Lãi suất thực ra không giảm và các nhà băng đang có dấu hiệu đẩy mạnh cho vay trung, dài hạn.

Giảm lãi suất để “hút” tiền gửi kỳ hạn dài

Tại điểm giao dịch trên đường Lạc Long Quân của một ngân hàng vừa thông báo hạ lãi suất, nhân viên giao dịch cho hay, lãi suất huy động chỉ giảm với kỳ hạn ngắn. Còn với các khoản tiền gửi dài hạn, lãi suất thậm chí tăng.

Khảo sát của Báo Đầu tư cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài hầu như không đổi, thậm chí còn tăng lên, cùng vô vàn khuyến mãi hấp dẫn. Nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài lên tới 8,5 - 8,7%/năm.

Phân tích tình trạng trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tuy thanh khoản hệ thống dồi dào hơn trước, song thực tế, ngân hàng giảm lãi suất huy động không phải do thừa tiền, mà chủ yếu là do ngân hàng đang cơ cấu lại kỳ hạn.

“Từ đầu năm 2018, theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, chỉ được sử dụng 45% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, thay vì được sử dụng 50% như trước.

Sang năm 2019, tỷ lệ này chỉ còn 40%. Chính vì vậy, các ngân hàng đang tập trung cơ cấu lại kỳ hạn, đẩy mạnh huy động tiền gửi kỳ hạn dài”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Một lý do nữa khiến nhà băng đẩy mạnh cơ cấu lại kỳ hạn là tín dụng ngắn hạn tăng chậm, trong khi tín dụng trung, dài hạn tăng nhanh. Đây là lý do khiến ngân hàng muốn giảm huy động vốn ngắn hạn, đồng thời khuyến khích người dân gửi tiền dài hạn.

Lo tiền chảy vào lĩnh vực nóng

Tỷ trọng tiền gửi trung, dài hạn tăng luôn là mơ ước của các nhà băng. Trước đây, trên 90% tiền gửi tại các ngân hàng là ngắn hạn, trong khi cho vay có tới 60 - 70% là dài hạn. Điều này tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn rất lớn, nhất là với các ngân hàng có dư nợ lớn trong lĩnh vực giao thông, bất động sản.    

Quý I/2018, tín dụng trung, dài hạn có dấu hiệu tăng trở lại (tăng tới 4,3%, trong khi tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 2,6%).

Tỷ trọng tín dụng trung, dài hạn tăng từ mức 52,8% vào cuối năm 2017 lên 53,2% tại thời điểm cuối tháng 3/2018, tương đương hơn 3,58 triệu tỷ đồng.

(Nguồn: Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)

Vài năm gần đây, với sự chấn chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, đồng thời, đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi để hút dòng vốn trung, dài hạn.

Tuy vậy, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, cho vay trung, dài hạn vẫn chiếm trên 53%, trong khi huy động vốn trung, dài hạn chỉ khoảng 15%. Điều này cho thấy, mất cân đối kỳ hạn của các nhà băng vẫn còn. Do đó, việc ngân hàng thay đổi cơ cấu huy động vốn là cần thiết.

Mặc dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một chuyên gia kinh tế cảnh báo, có nguy cơ ngân hàng tăng đổ vốn vào chứng khoán, bất động sản. Việc ồ ạt giảm lãi suất ngắn hạn, đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn cũng để nhằm mục đích này.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng với lĩnh vực xây dựng đầu năm 2018 tăng gần gấp đôi các lĩnh vực khác. Với “nghi án” ẩn nấp trong tín dụng xây dựng và tín dụng tiêu dùng, khả năng tiền từ ngân hàng đang chảy vào các lĩnh vực rủi ro như địa ốc, chứng khoán là có thật.

Mặc dù đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo về tín dụng bất động sản, song đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, đây là sự cảnh báo thường xuyên, song Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành quy định cụ thể nào về siết chặt tín dụng bất động sản.

Ở một khía cạnh khác, việc gần 3,6 triệu tỷ đồng được ngân hàng bơm vào nền kinh tế qua kênh tín dụng trung, dài hạn cho thấy, nhà băng đang lấn sân thị trường vốn.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ, nhiều chuyên gia cho rằng, ngân hàng nên giảm bớt cho vay trung, dài hạn, trả lại nhiệm vụ này cho thị trường vốn.

Việc cho vay trung, dài hạn quá nhiều không chỉ khiến ngân hàng có thể gặp rủi ro trong tương lai, mà còn có thể khiến các doanh nghiệp ngày càng lệ thuộc vào vốn ngân hàng, thiếu ý chí vươn lên, tìm các kênh huy động trên thị trường vốn.

Tin bài liên quan