Chờ đón các thương vụ M&A ngân hàng trong 2016

Chờ đón các thương vụ M&A ngân hàng trong 2016

(ĐTCK) Mùa ĐHCĐ ngân hàng gần kề cũng là thời điểm để thị trường, nhà đầu tư, cổ đông nghe ngóng về các thương vụ sáp nhập, hợp nhất (M&A) trong lĩnh vực này.

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho hay là sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo, nhằm lành mạnh hệ thống. Đồng thời, các ngân hàng phải nâng cao năng lực tài chính mới có thể cạnh tranh trên thị trường, còn không sẽ phải M&A.

Do đó, tâm điểm các thương vụ M&A năm nay vẫn là việc nhà băng lớn sáp nhập thêm ngân hàng nhỏ. Trong đó, phải kể đến những nhà băng có cùng dáng dấp chủ sở hữu. Vì thế, dù tại kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2015, HĐQT Saigonbank đã trả lời cổ đông rằng không có việc sáp nhập vào một ngân hàng khác mà cụ thể là Vietcombank như thông tin lan truyền, nhưng với kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng thất bại năm qua và nợ xấu vẫn là một thách thức khiến nhà băng này phải đối mặt với bài toán M&A thời gian tới.

Hiện vốn điều lệ của Saigonbank chỉ ở mức hơn 3.000 tỷ đồng. Nhà băng này chưa công bố kết quả hoạt động cả năm 2015, song chỉ tiêu lợi nhuận năm qua khá thấp.

Một trong những cổ đông lớn của Saigonbank chính là Vietcombank và cả hai nhà băng này đã từng có đề nghị lên NHNN về việc sáp nhập.

Một lãnh đạo NHNN cũng từng cho biết, cơ quan này đã đồng ý về mặt chủ trương, nhưng quyền quyết định vẫn từ hai bên ngân hàng. Nhưng sau đó, các nguồn tin đưa ra, do cổ đông lớn của Saigonbank chính là Thành ủy (UBND TP. HCM) không đồng ý cho Saigonbank sáp nhập Vietcombank.

Cùng với thương vụ Saigonbank - Vietcombank chưa thành, cặp đôi ABBank - DongA Bank cũng từng dấy lên thông tin sẽ về chung một nhà trước khi DongA Bank rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của NHNN trong tháng 8/2015. Đến nay, ABBank vẫn chưa có động tĩnh nào cho kế hoạch M&A.

Trong khi trước đó, lãnh đạo DongA Bank cho hay, ABBank đã có lời đề nghị với DongA Bank về việc M&A và giữ lại thương hiệu. Còn Tập đoàn Kinh Đô (dự kiến rót 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank) cũng âm thầm rút lui khỏi DongA Bank sau khi nhà băng này rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Ngoài Saigonbank, hiện thị trường có ít nhất 5 NHTM vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng (Kienlongbank, VietA Bank, Viet Capital Bank, Nam A Bank, VietBank). Nhưng trong số này chưa có nhà băng này đề cập đến chuyện sẽ sáp nhập, hợp nhất vào nhà băng khác, trừ Nam A Bank đã không thành trong thương vụ sáp nhập Eximbank như đồn đoán. Tuy nhiên, ông Phan Đình Tân, Chủ tịch HĐQT Nam A Bank từng lên tiếng khẳng định, Nam A Bank không nắm cổ phiếu nào của Eximbank và Ngân hàng không có chủ trương M&A, đồng thời đang từng bước đẩy mạnh quá trình tự tái cấu trúc bằng nội lực.

Năm 2015, Nam A Bank đã nỗ lực tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng, song do thị trường khó khăn, nên chưa thể đạt mức kỳ vọng. Tuy nhiên, lợi nhuận Nam A Bank trong 2 năm gần đây tăng trưởng khá bền vững khi đạt 242 tỷ đồng trước thuế trong năm 2014 và ước đạt 360 tỷ đồng trong 2015 theo như kế hoạch ĐHCĐ đưa ra.

VietA Bank cũng chưa thể hoàn thành kế hoạch nâng cao năng lực tài chính từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 3.500 - 4.000 tỷ đồng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhà băng này đang trong quá trình tái cấu trúc bằng chính nội lực, củng cố và đẩy mạnh xử lý nợ…

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, năm 2016 các NHTM phải nâng cao năng lực tài chính, nhất là các NHTM quy mô vốn còn thấp. Bởi các thông lệ quốc tế đã được đưa ra nên bắt buộc các NHTM nhỏ phải tăng cường tiềm lực mới có thể đáp ứng được và tạo sức mạnh cho mình trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày một khó khăn hơn. Tuy nhiên, để phát triển lành mạnh thì nguồn vốn tăng thêm cũng phải thực chất, còn nếu tăng vốn bằng vốn ảo thì sớm muộn cũng sẽ gặp khó khăn. Điều đó có nghĩa, vấn đề sở hữu chéo trong thời gian tới sẽ được kiểm soát rốt ráo hơn.

Lộ trình thoái vốn theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã chấm dứt từ ngày 1/2/2016, nhưng đến nay vẫn còn nhiều nhà băng chưa thể thoái vốn và NHNN cũng chưa gia hạn. Các thông tin đang hướng về mùa ĐHCĐ ngân hàng chuẩn bị được triển khai và một số thương vụ M&A cũng bắt đầu lộ diện trong kỳ ĐHCĐ năm nay.

Năm 2015, một số thương vụ sáp nhập chính thức được NHNN thông qua và tiến hành nhanh chóng như: MHB sáp nhập vào BIDV; MDB sáp nhập vào MaritimeBank; PG Bank vào VietinBank; SouthernBank sáp nhập vào Sacombank. Có thể nói, đây là những thương vụ M&A được tiến hành nhanh nhất kể từ đề án tái cơ cấu ngành được triển khai.        

Tin bài liên quan