Năm 2014, Vietcombank đặt mục tiêu huy động vốn từ nền kinh tế 384.493  tỷ đồng

Năm 2014, Vietcombank đặt mục tiêu huy động vốn từ nền kinh tế 384.493 tỷ đồng

Chỉ tiêu 2014, ngân hàng lớn tự tin

(ĐTCK) ĐHCĐ thường niên năm 2014 của các ngân hàng diễn ra trong các tuần qua cho thấy, mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng đưa ra chưa tương xứng với tiềm năng, nhưng cũng thể hiện nỗ lực của ngân hàng cũng như niềm tin về sự phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Tăng nhưng không đột biến

Tại ĐHCĐ ngày 23/4, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, năm 2014, tình hình kinh tế vĩ mô dù được dự báo có những dấu hiệu khả quan hơn, nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều.

Trên cơ sở phân tích môi trường hoạt động kinh doanh, bám sát định hướng điều hành của Chính phủ và NHNN, Vietcombank phấn đấu tổng tài sản đạt 520.583 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013; dư nợ cho vay khách hàng đạt 309.975 tỷ đồng, huy động vốn từ nền kinh tế 384.493 tỷ đồng, đều tăng 13%. Lợi nhuận trước thuế và dự phòng 10.500 tỷ đồng, tăng 13,35%, trong đó, lợi nhuận trước thuế khoảng 5.500 tỷ đồng trên cơ sở đảm bảo trích lập dự phòng rủi ro tín dụng ở mức khoảng 5.000 tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ thường niên VPBank, một số mục tiêu tài chính hợp nhất năm 2014 được thông qua đều tăng so với năm 2013 như sau: tổng tài sản 155.000 tỷ đồng so với 121.264 tỷ đồng năm 2013; huy động từ khách hàng 106.603 tỷ đồng so với 83.844 tỷ đồng năm 2013; dư nợ tín dụng 84.454 tỷ đồng so với 52.474 tỷ đồng năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 1.890 tỷ đồng so với 1.355 tỷ đồng của năm 2012.

Đối với LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT chia sẻ, dự kiến năm 2014, tổng tài sản của Ngân hàng tăng lên 95.000 tỷ đồng so với con số 79.000 tỷ đồng năm 2013; vốn điều lệ 6.600 tỷ đồng so với 6.400 tỷ đồng của năm trước, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3% và tỷ lệ chi trả cổ tức 10%.

ĐHCĐ MBB cũng đã thông qua kế hoạch nâng tổng tài sản của Ngân hàng năm 2014 lên 195.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2013; huy động tiền gửi từ khách hàng tăng 10% lên 150.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng tăng 14% lên 103.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 2014 dự kiến đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 2% so với 2013; thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 11.256 tỷ đồng lên 15.500 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phần phổ thông.

Lạc quan thận trọng

Ông Nguyễn Đức Hưởng chia sẻ: “Hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2014 vẫn phải đối đầu với những khó khăn là hậu quả của nợ xấu, áp lực giảm lãi suất huy động, áp lực giải ngân tín dụng tránh ứ đọng vốn, nhưng ngược lại rất có thể phải đối đầu với bẫy thanh khoản vào cuối năm 2015. Nguyên nhân ở đây cũng là do các ngân hàng khoán cho vay và có quá nhiều dự án được ký kết cũng như giải ngân vào cùng một thời điểm”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hòa Bình nhận định, năm 2014, tình hình kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục cải thiện, nhưng sẽ còn diễn biến phức tạp. Kinh tế vĩ mô trong nước dù được dự báo có những dấu hiệu khả quan hơn nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Do đó, Vietcombank đặt ra phương châm hoạt động thận trọng nhưng linh hoạt với thị trường. Ví dụ như, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank đã tăng từ 3.500 tỷ đồng năm 2013 lên khoảng 5.000 tỷ đồng trong năm nay.

“Dự đoán trong năm 2014, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục trong xu hướng tái cấu trúc và chuyển đổi mạnh mẽ. Lợi nhuận và quy mô có thể không phải là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng, mà thay vào đó là các hệ thống nền tảng, công tác quản trị rủi ro và vận hành, hoàn thiện mô hình kinh doanh để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển bứt phá thời kỳ hậu tái cấu trúc”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nói.

Cùng trong xu hướng phát triển chất lượng, ổn định, bền vững, bà Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc OceanBank cho biết, năm 2014, Ngân hàng tiếp tục tập trung giải quyết nợ xấu tồn đọng, nâng cao công tác quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel 2. Bên cạnh đó, OceanBank cũng sẽ triển khai các chương trình xúc tiến tài chính cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, chung tay tháo gỡ những khó khăn về vốn cho DN.

Tín hiệu kinh tế phục hồi?

Theo nhận định của Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC, áp lực lạm phát ở Việt Nam trong năm nay khá thấp, phản ánh cả nhu cầu nội địa yếu và giá cả hàng hoá giảm. Lạm phát toàn phần tháng 4 đã tăng nhẹ, nhưng HSBC kỳ vọng giá cả sẽ vẫn giữ mức tương đối ổn định trong năm nay. Ngay cả khi các loại chi phí xã hội như y tế, nước sạch... tăng, lạm phát toàn phần của cả năm cũng sẽ ở mức thấp trong 10 năm qua.

“Với áp lực giá cả được kiềm chế, NHNN có cơ hội để giữ lãi suất thị trường mở (OMO) ở mức 5%/năm từ nay cho đến hết năm 2014”, báo cáo của HSBC nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc lãi suất OMO được dự báo giữ ở mức 5%/năm đến hết năm sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho các ngân hàng trong việc tăng trưởng dư nợ tín dụng, một hoạt động truyền thống mang lại lợi nhuận cho hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đều có một bộ phận phân tích, dự báo về tình hình kinh tế, hỗ trợ việc lên kế hoạch kinh doanh trong năm. Do đó, với những con số tăng trưởng đưa ra đều tăng, phần nào thể hiện các ngân hàng đã tự tin hơn với tình hình kinh tế năm 2014.

“6 tháng cuối năm sẽ là thời gian VPBank tập trung nguồn lực phát triển kinh doanh đột phá trong các khu vực kinh doanh chủ đạo để hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2014 khoảng 1.890 tỷ đồng, sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gần 1.400 tỷ đồng để đảm bảo an toàn hoạt động của Ngân hàng trong mọi điều kiện kinh doanh”, ông Nguyễn Đức Vinh nói.

Tin bài liên quan