CEO Standard Chartered Việt Nam: "Chúng tôi vẫn đang chờ đợi cam kết nới room ngân hàng"

(ĐTCK) Dù còn nhiều quan ngại về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu, chúng tôi vẫn duy trì cái nhìn tích cực đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn, dựa trên sự phục hồi và phát triển của lĩnh vực sản xuất và xây dựng. 
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam

Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng và đạt mức 6,9% trong năm 2016. Với kết quả này, Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai tại châu Á, chỉ sau Ấn Độ.

Vào tháng 1/2016, nhóm nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered đã có buổi thuyết trình thường niên tại 5 thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, tại TP. HCM, chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát và kết quả cho thấy, khách hàng của chúng tôi rất lạc quan với thị trường Việt Nam, bởi đây là quốc gia được hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra ngoài Trung Quốc trong thời gian qua. Xu hướng này hiện đang tiếp diễn, thể hiện qua việc mặt hàng điện tử đang chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của Việt Nam. Sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản cũng đang hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Trong lĩnh vực ngân hàng, một thông tin đáng chú ý trong năm 2015, đó là việc Moody’s nâng bậc xếp hạng hệ thống tài chính Việt Nam từ “Tiêu cực” lên “Ổn định”.

Vào tháng 4/2015, Chính phủ cho biết sẽ sớm ban hành nghị định về việc tăng trần sở hữu của NĐT nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ đợi sự ra đời của nghị định này.

Sự cải thiện này thể hiện môi trường hoạt động của các ngân hàng đang ngày càng ổn định và áp lực thanh khoản của hệ thống dần suy giảm. Lạm phát và lãi suất của Việt Nam đã được quản lý chặt chẽ từ năm 2012, giảm từ mức 2 con số xuống mức khá bền vững và ổn định. Đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng, tài khoản vãng lai chuyển từ trạng thái thâm hụt sang thặng dư và Chính phủ đưa ra nhiều chính sách mới nhằm thúc đẩy sự ổn định kinh tế. Tất cả những yếu tố này đã góp phần mang đến cho Việt Nam một triển vọng tươi sáng hơn.

Mặc dù có nhiều thông tin tích cực, song chúng tôi vẫn ghi nhận một số vấn đề quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách, cũng như hệ thống ngân hàng Việt Nam cần chú ý.

Củng cố hệ thống ngân hàng

Trong bối cảnh hiện có khoảng 40 ngân hàng nội địa đang hoạt động, NHNN coi việc củng cố lĩnh vực ngân hàng là mục tiêu trọng yếu. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hiệu quả của hệ thống thông qua việc tăng cường khai thác lợi thế kinh tế theo quy mô (economies of scale) và cải thiện năng lực quản trị. Nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng đã được thực hiện trong năm 2015, trong đó, có một số thương vụ do chính NHNN thực hiện.

Việc tiếp tục củng cố hệ thống ngân hàng sẽ mang đến thêm nhiều lợi ích cho hệ thống và chúng tôi hy vọng NHNN sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này.

Tuy nhiên, việc sáp nhập hai ngân hàng yếu không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc tạo ra một ngân hàng khỏe và NHNN nên xem xét cho phép một số ngân hàng được giải thể theo đúng trình tự. Việc này sẽ giúp hệ thống ngân hàng có khả năng phục hồi tốt  hơn.

Cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính

Theo số liệu của NHNN, chỉ khoảng 20% trong số 90 triệu người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, dịch vụ ngân hàng cho khu vực DN vừa và nhỏ vẫn chưa thực sự phát triển. Các DN trong lĩnh vực này gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay khi không thể cung cấp tài sản đảm bảo. Hệ thống ngân hàng cần nỗ lực hơn nữa để phục vụ các phân khúc có tỷ lệ tiếp cận thấp hoặc chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính. Các công nghệ mới mang tính sáng tạo có thể đóng một vai trò chủ chốt trong việc giải quyết vấn đề này. 

Tăng sở hữu NĐT nước ngoài

Ngành ngân hàng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc tái vốn hóa (re-capitalization). Việc này có thể được thực hiện theo 2 cách: huy động nguồn vốn từ thị trường nội địa hoặc nới mức trần sở hữu của NĐT nước ngoài.

Chúng tôi tin rằng, việc nới room cho NĐT nước ngoài không chỉ giúp thúc đẩy đầu tư vào ngành ngân hàng, mà nguốn đầu tư này còn hỗ trợ cho mục tiêu củng cố hệ thống, cải thiện năng lực quản trị và cải thiện hiệu quả kinh tế theo quy mô. Ngoài ra, ngành ngân hàng có thể có thêm kinh nghiệm và chuyên môn thông qua việc thu hút các NĐT chiến lược.

Hiện tại, mức trần sở hữu của NĐT nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam là 30%. Trong đó, NĐT chiến lược có thể sở hữu tối đa 20% cổ phần, NĐT không phải chiến lược có thể nắm giữ tối đa 15% cổ phần.

Vào tháng 4/2015, Chính phủ cho biết sẽ sớm ban hành nghị định về việc tăng trần sở hữu của NĐT nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ đợi sự ra đời của nghị định này. 

Tăng cường hội nhập khu vực

Theo Hiệp định khung về hội nhập ngành ngân hàng trong ASEAN (ASEAN Banking Integration Framework agreement), đến năm 2020, mỗi quốc gia ASEAN cần có thỏa thuận song phương với quốc gia láng giềng để cung cấp dịch vụ ngân hàng trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó. Việc này sẽ mở cửa cho dòng vốn, dòng chảy lao động, hàng hóa và dịch vụ, trong đó có cả dịch vụ tài chính. Điều này sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, không nên coi đây là vấn đề tiêu cực. Gia tăng sự cạnh tranh sẽ giúp tăng cường tính hiệu quả trong lĩnh vực ngân hàng và mang đến nhiều giá trị hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam.

Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam
Tin bài liên quan