FE Credit dưới sự dẫn dắt của CEO ngoại là một trong những đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất của VPBank

FE Credit dưới sự dẫn dắt của CEO ngoại là một trong những đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất của VPBank

CEO ngoại hái “quả ngọt” tại thị trường tài chính Việt Nam

(ĐTCK) Với kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tại các thị trường phát triển, các CEO ngoại có nhiều cơ hội để thi triển năng lực tại thị trường mới nổi như Việt Nam.

Thành công từ tài chính tiêu dùng…

Ông Kalidas Ghose, quyền Tổng giám đốc Công ty tài chính FE Credit, trực thuộc VPBank là một điển hình khi đã và đang từng bước gây dựng thương hiệu tín dụng tiêu dùng cá nhân FE Credit sau hơn 2 năm nắm giữ vị trí Phó tổng giám đốc tại nhà băng này. Được biết, trước khi đến với VPBank, ông Kalidas Ghose là Giám đốc Ngân hàng Bán lẻ và quản lý tài chính và đầu tư cá nhân khu vực Mekong của Ngân hàng ANZ (từ tháng 1/2010). Ông cũng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tài chính Prudential Việt Nam. Nhưng kinh nghiệm ở lĩnh vực tài chính mà Kalidas Ghose đã trải qua nhiều nhất phải kể đến là tại Citibank khi ông kinh qua các vị trí Chủ tịch và Giám đốc điều hành của CitiFinancial tại Phillippines và Giám đốc nghiệp vụ, hỗ trợ của Ngân hàng TNHH Dịch vụ bán lẻ CitiFinancial tại Ấn Độ.

Thế nhưng, Ghose đã quyết định về đầu quân cho ngân hàng nội khi VPBank đẩy mạnh chiến lược phát triển các sản phẩm tài chính tiêu dùng kể từ năm 2012. Với kinh nghiệm dày dặn trong quản lý cũng như phát triển các sản phẩm tài chính tiêu dùng tại Citibank, ANZ và cả Prudential Finance, ông Kalidas Ghose từng bước xây dựng thương hiệu FE Credit và gặt hái được thành công trong hơn 4 năm qua.

“FE Credit thành lập cách đây 4 năm và có thể nói, chúng tôi đã xây dựng mọi thứ từ con số 0. Nhưng hiện tỷ lệ tăng trưởng khách hàng của Công ty cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng khách hàng trung bình 20 - 30% của thị trường và là một trong những đơn vị có mức tăng trưởng cao nhất của VPBank. Mỗi tháng, chúng tôi thu hút trên 70.000 khách hàng cá nhân vay tiêu dùng”, ông Kalidas nói và cho rằng, đến cuối năm 2014, FE Credit đạt kết quả cao hơn 140 - 150% so với cuối năm ngoái.

Theo đánh giá của ông Kalidas, tỷ lệ tăng trưởng ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam sẽ mạnh hơn trong tương lai.

“Với cơ cấu dân số trẻ, mỗi năm, một lượng lớn người Việt Nam gia nhập thị trường lao động và thu nhập của họ cũng theo đà tăng trưởng mỗi năm. Chúng tôi gọi họ là tầng lớp trung lưu mới nổi. Trong vài ba năm tới, theo dự đoán của tôi, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ gia tăng từ 20 – 30% mỗi năm. Ngay tại thời điểm nền kinh tế chưa hồi phục hoàn toàn như hiện nay, ngành tài chính tiêu dùng vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ và có tỷ lệ tăng trưởng đều đặn mỗi năm. Vì thế, khi tình hình kinh tế tốt hơn, tỷ lệ tăng trưởng sẽ còn gia tăng ấn tượng. Tuy nhiên, để thành công thì vấn đề đặt ra là liệu ngân hàng có thể tập trung vào những yếu tố then chốt của ngành như: con người, công nghệ, quản trị rủi ro… hay không?”, ông Kaladis nói.

Ông Igor Prerovsky, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam cũng là một trường hợp được nhắc đến. Trong năm qua, với sự dẫn dắt của Igor, Home Credit tiếp tục mở rộng thêm ngành hàng cho vay cũng như phát triển thêm các kênh trực tuyến, nhằm mang đến sự thuận tiện nhất cho khách hàng khi có nhu cầu về tín dụng tiêu dùng, mua sắm… Chính vì thế, doanh thu của Công ty ngày càng gia tăng. Còn nhớ, năm 2013, Home Credit đạt mức lợi nhuận sau thuế 529 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với một ngân hàng thương mại tầm trung của Việt Nam. Con số ấn tượng đó đi kèm sự mở rộng rất nhanh mạng lưới POS (điểm bán hàng với sự cho vay của Home Credit) lên mức 5.000 và trên 7.000 nhân viên. Với bề dày kinh nghiệm 25 năm tích lũy từ tập đoàn đầu tư và tài chính lớn nhất Trung và Đông Âu, Igor đã dẫn dắt Home Credit trở thành công ty tài chính nước ngoài hoạt động thành công nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay.

Với hơn 6 năm gắn bó với Tập đoàn Home Credit, trong đó có 3 năm kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam, ông Igor thấu hiểu sự cạnh tranh về tín dụng tiêu dùng giữa các NHTM và để có thể chiếm lĩnh được thị phần tín dụng tiêu dùng đối với công ty tài chính là không dễ. Thế nhưng, Home Credit đã làm được điều đó khi đem đến cho khách hàng những sản phẩm tín dụng tiêu dùng mà thị trường còn thiếu cũng như đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng cần, đó là các khoản vay tiêu dùng khá nhỏ chỉ từ 1-2 triệu đồng. Nợ xấu luôn được kiểm soát ở ngưỡng an toàn, chỉ khoảng vài phần trăm. 

… đến dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Không riêng các công ty tài chính, mà hiện có không ít ngân hàng thương mại trong nước đang trọng dụng nhân tài là người ngoại quốc. Trong đó, phải kể đến các vị trí chủ chốt trong quá trình đẩy mạnh bán lẻ. Chẳng hạn tại VIB, vị trí Giám đốc Ngân hàng bán lẻ hiện do ông Rahn Wood đảm trách. Ông Rahn Wood là một giám đốc điều hành có uy tín quốc tế với hơn 26 năm hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng thương mại, kinh doanh điện tử và ngân hàng đầu tư, trong đó có HSBC.

Trong 10 năm làm việc tại HSBC, ông đã đảm nhận các cương vị điều hành tại    Singapore, Việt Nam (biệt phái tại Techcombank), Hồng Kông, Ả-rập (Ngân hàng Saudi British) và Úc. Đồng thời, ông cũng từng cộng tác với nhiều định chế tài chính danh tiếng như Ngân hàng Macquarie, MasterCard International, ANZ và chính thức được bổ nhiệm làm Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của VIB kể từ tháng 10/2013. VIB chiêu mộ ông Rahn với kỳ vọng sẽ đẩy mạnh chiến lược bán lẻ khi tập trung vào phân khúc tín dụng cho khách hàng cá nhân.

Theo ông Rahn Wood, cho vay bất động sản đã, đang và sẽ là một trong những sản phẩm bán lẻ trọng tâm và là thế mạnh của VIB bên cạnh cho vay mua xe hơi và cho vay cá nhân kinh doanh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung phát triển toàn diện dòng sản phẩm này, sử dụng công nghệ để đẩy mạnh các kênh bán hàng, tăng dư nợ”, ông Rahn nói.

Sở dĩ ngân hàng Việt đang có xu hướng gọi mời chuyên gia tài chính nước ngoài tham gia vào hoạt động là do họ có kinh nghiệm và bề dày về bán lẻ. Các vị trí mà CEO ngoại từng kinh qua đều là những ngân hàng bán lẻ hàng lâu năm như ANZ, HSBC...

Trên thực tế, với nhiều năm kinh nghiệm tại các thị trường tài chính trên thế giới khi tham gia điều hành ngân hàng tại thị trường Việt Nam, trong đó có cả ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, các CEO ngoại có rất nhiều lợi thế để khám phá và chứng minh năng lực tại thị trường mới nổi. Cựu CEO ANZ Tareq Muhmood từng chia sẻ, dù Việt Nam vẫn còn một số mặt hạn chế như môi trường, giao thông, nhưng tiềm năng ở Việt Nam là rất lớn và ông thật sự phấn khích với những cơ hội tại thị trường mới nổi này. Vì thế, dù từng trải qua nhiều vị trí cấp cao tại HSBC tại Brunei, Iraq, Mỹ, Anh, Lebanon…, nhưng ông vẫn chọn “đầu quân” cho ANZ Việt Nam.

Tareq Muhmood là một trong những lãnh đạo trẻ tuổi và năng động, chỉ sau một thời gian ngắn, ông đã cho ra mắt sản phẩm mới, thẻ tín dụng Visa Platinum dành cho đối tượng khách hàng cao cấp đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Với Tareq Muhmood, thành công được đo bằng nhiều cách, nhưng được làm việc mình thích mới là điều quan trọng nhất. Cuối năm 2014, Tareq Muhmood được cất nhắc vào vị trí mới Giám đốc toàn cầu của Ngân hàng ANZ, phân khúc các ngành công nghiệp từ tháng 11/2014 và người kế nhiệm ông tại ANZ Việt Nam là ông Dennis Hussey.

Dennis Hussey sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí CEO ANZ Việt Nam vào tháng 3/2015. Trước khi về ANZ, ông Dennis từng giữ chức vụ Tổng giám đốc Citibank Việt Nam. Có kinh nghiệm ở cả phân khúc dịch vụ tài chính cá nhân và dịch vụ tài chính doanh nghiệp trong 19 năm qua và đã từng làm việc tại Việt Nam từ năm 2000 - 2002, ông Dennis đảm nhiệm chức vụ Giám đốc bộ phận tài chính doanh nghiệp. Ông cũng từng dẫn dắt mảng dịch vụ tài chính cá nhân của Citibank tại Tây Ban Nha, Nhật và phụ trách mảng dịch vụ tài chính doanh nghiệp tại Citibank Sri Lanka và CTCK Citibank Thái Lan.

ANZ Việt Nam được xem là ngân hàng nước ngoài bán lẻ có dịch vụ đa dạng và chất lượng tại thị trường Việt Nam hiện nay. Vì thế, sự tham gia của ông Dennis ở cương vị  CEO hứa hẹn sẽ giúp nhà băng này tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ tài chính cá nhân, mở rộng thị phần.

Tin bài liên quan