CEO các ngân hàng nói gì về những mục tiêu cho năm 2016?

CEO các ngân hàng nói gì về những mục tiêu cho năm 2016?

(ĐTCK) Chia sẻ với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng, các nhà lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng, những kết quả đã đạt được trong quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống trong năm 2015 là tiền đề quan trọng để các ngân hàng tiếp tục nỗ lực giải quyết vấn đề còn tồn đọng, đưa hoạt động kinh doanh phát triển đúng hướng và ổn định trong năm 2016 và giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank 

Xây dựng VietinBank trở thành ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất

Ban lãnh đạo VietinBank đã đặt ra chiến lược hoạt động trọng tâm trong năm 2016 với các mục tiêu cụ thể:

Thứ nhất, nghiêm túc trong việc thực thi các chính sách tiền tệ và tuân thủ định hướng chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, thúc đẩy tăng trưởng quy mô, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng tài sản; tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, góp phần cùng ngành ngân hàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong năm 2016.

Thứ hai, triển khai mạnh mẽ chiến lược kinh doanh trung hạn, tiến tới thực hiện mục tiêu chung xây dựng VietinBank trở thành ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất với hiệu quả hoạt động hàng đầu ngành ngân hàng Việt Nam vào năm 2017.

Thứ ba, tiếp tục khẳng định là ngân hàng số 1 về khách hàng DN và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán lẻ, đưa VietinBank trở thành thương hiệu số 1 về hoạt động bán lẻ. Đồng thời, VietinBank triển khai Đề án Ngân hàng thanh toán, qua đó từng bước cải thiện thu nhập theo hướng nâng tỷ trọng thu nhập từ phí trong tổng thu nhập.

Thứ tư, hoàn thành chuẩn hóa mô hình tổ chức, văn hóa DN, công tác quản trị nguồn nhân lực theo chuẩn ngân hàng hiện đại, xây dựng VietinBank trở thành môi trường làm việc hàng đầu Việt Nam.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện vai trò và vị trí trụ cột trong hệ thống ngân hàng thông qua việc chủ động, tích cực tham gia quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD theo chủ trương của NHNN, góp phần lành mạnh hóa hoạt động hệ thống, nâng cao uy tín ngành ngân hàng.

Thứ sáu, triển khai mạnh mẽ các giải pháp nâng cao năng lực quản trị rủi ro, triển khai thành công Dự án Basel II tại VietinBank. Triển khai thành công dự án chuyển đổi Core Banking và một số dự án CNTT lớn.

Cuối cùng, tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng, góp phần duy trì, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành ngân hàng và VietinBank.

Sẽ sớm đưa cổ phiếu EIB ra khỏi diện cảnh báo

CEO các ngân hàng nói gì về những mục tiêu cho năm 2016? ảnh 2

Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank 

Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank ở mức 1,85%. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 802 tỷ đồng, giảm 40% so với 1.343 tỷ đồng năm 2014. Eximbank hiện đang nắm giữ 5.251 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành với mệnh giá 6.230 tỷ đồng. Đây cũng là lý do khiến Eximbank mạnh tay trích lập dự phòng. Thực tế, Eximbank đều báo lỗ lớn vào quý cuối năm do khoản dự phòng rủi ro tăng đột biến. 

Do Eximbank lỗ lũy kế 2 năm vừa qua nên HOSE đã đưa cổ phiếu EIB vào diện kiểm soát đặc biệt. Còn lý do khiến EIB bị đưa vào diện cảnh báo là thực hiện theo kết luận thanh tra do NHNN ban hành ngày 19/10/2015, Eximbank phải ghi giảm thu nhập do bán các tài sản sai quy định và ghi giảm các khoản lợi nhuận này cùng các chi phí liên quan khác để khôi phục giá trị tài sản về giá trị ban đầu. Do đó, Eximbank đã thực hiện điều chỉnh hồi tố đối với số liệu so sánh cho năm kết thúc ngày 31/12/2014.

Để khắc phục và đưa cổ phiếu EIB ra khỏi diện cảnh báo, Eximbank đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2016. Cụ thể, Ngân hàng đặt lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 576 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản thu nhập đã hạch toán từ việc bán bất động sản trước đây và đã phân phối (831,8 tỷ đồng) có khả năng thu được năm 2016 với số tiền khoảng 298 tỷ đồng. Tính đến cuối quý I/2016, tổng tài sản của Eximbank đạt 123.263 tỷ đồng, huy động vốn 101.165 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ước đạt 500 tỷ đồng.

Tình hình của Eximbank hiện nay tuy có tạo áp lực đối với vai trò của CEO, nhưng với chủ trương và quyết tâm của HĐQT Eximbank trong việc minh bạch, tôi tin, từng bước Ngân hàng sẽ đi vào quỹ đạo mới. Tất nhiên, để có thể xử lý được những khó khăn cần có thời gian, bởi quá trình tái cơ cấu có nhiều vấn đề phải giải quyết. Mặt khác, xử lý nợ xấu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường như tình hình của nền kinh tế.

Triển vọng chung cho ngành ngân hàng năm 2016 là lạc quan 

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB 

Triển vọng chung cho ngành ngân hàng Việt Nam năm 2016 là lạc quan. Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện và ổn định, với các yếu tố chính như chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá,  cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN đều được điều chỉnh theo hướng linh hoạt và hoàn thiện hơn. Thực tế trong mấy năm gần đây cho thấy, tuy có những khó khăn do ảnh hưởng biến động của thị trường tài chính thế giới, NHNN vẫn luôn giữ được sự chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, các cam kết và mục tiêu đề ra đều cơ bản được hoàn thành. Sự quản lý hiệu quả và những chỉ đạo, những gói giải pháp kịp thời của NHNN và các cơ quan quản lý khác chắc chắn sẽ tạo ra một hành lang pháp lý cho sự phục hồi và phát triển của các TCTD trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tuy mỗi TCTD, nhất là các TCTD trải qua quá trình tái cấu trúc, có những mục tiêu và hoàn cảnh rất khác nhau, kết quả kinh doanh trong quý I/2016 cho thấy, xét trên toàn hệ thống ngân hàng, thì các chỉ số tài chính thể hiện những kết quả rất tích cực: thanh khoản dồi dào, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng và rủi ro của các nhóm khách hàng tiếp tục xu hướng giảm. Các TCTD điều chỉnh kỳ vọng đối với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, huy động vốn và tín dụng về mức hợp lý hơn, nhưng vẫn cao hơn các mức kỳ vọng và tăng trưởng thực tế của năm 2015. Điều này cho thấy, từ góc nhìn của các thành viên tham gia thị trường, năm 2016 sẽ là năm ngành ngân hàng được kỳ vọng có những biến chuyển mạnh mẽ xét trên phương diện kết quả tài chính, các chỉ số an toàn và chỉ số lợi nhuận, tăng trưởng của ngành đều tăng cao.

Bên cạnh các yếu tố bên ngoài từ phía quản lý, điều hành của NHNN, các TCTD kỳ vọng cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD và điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Đây chính là những cơ sở cho tăng trưởng bền vững của ngành ngân hàng sau giai đoạn suy thoái vừa qua.

Sự cạnh tranh giữa các TCTD nội địa và ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ tiếp tục là động lực để các TCTD Việt Nam cải tiến chất lượng dịch vụ và mở rộng quy mô kinh doanh. Việc Việt Nam tham gia vào TPP và các hiệp định thương mại tự do khác trong khu vực và thế giới vừa tạo sức ép, vừa mở ra những cơ hội cho ngành ngân hàng, đòi hỏi các TCTD Việt Nam phải tự nâng cấp bản thân, nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh song song với chất lượng quản lý rủi ro tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế...

Về tổng thể, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn được kỳ vọng và tin tưởng sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại, an toàn, hướng tới các chuẩn mực kinh doanh quốc tế với sự hiện diện và cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài.

Tăng tốc để bù lại những chậm trễ trước đó

CEO các ngân hàng nói gì về những mục tiêu cho năm 2016? ảnh 4

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB 

Dư nợ cho vay cá nhân năm 2015 của ACB tăng 25%; dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa là 14%, trong khi dư nợ cho vay đối với nhóm khách hàng lớn là âm. ACB đang từng bước tái cơ cấu lại danh mục cho vay và đẩy mạnh tăng trưởng ở mảng bán lẻ. Đây cũng là lý do vì sao dư nợ ACB năm qua chỉ tăng 15%. Năm nay, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 18%. Trong đó, khách hàng cá nhân tăng 25%; DN nhỏ và vừa là 15%, khách hàng DN lớn tăng trưởng khoảng 5%.

Tính đến hết quý I/2016, tín dụng của Ngân hàng tăng 6%; huy động tăng 5%; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ACB đã trích lập dự phòng 200 tỷ đồng, lợi nhuận còn lại khoảng 400 tỷ đồng trước thuế so với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra năm nay là 1.530 tỷ đồng.

ACB đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 cao hơn so với bình quân ngành, cũng như cao hơn so với các năm trước, nhằm lấy lại những mất mát do chưa đẩy mạnh mảng bán lẻ trong các năm trước đó. Việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng 35% mỗi năm đối với lĩnh vực bán lẻ đã thể hiện khát vọng tăng trưởng của ACB. Theo đó, nếu đẩy mạnh tăng trưởng bán lẻ được ở mức 30 – 35%, ACB sẽ nhanh chóng khôi phục hoạt động và có được thị phần tốt.

Chưa kể, truyền thống của ACB trong hơn 20 năm qua là chú trọng vào phân khúc khách hàng cá nhân và DN vừa và nhỏ. Kết hợp yếu tố thị trường và khả năng nội tại, ACB đạt ra mục tiêu tham vọng như trên.

Để hoàn thành mục tiêu, chúng tôi đã định hình và lập kế hoạch kinh doanh cụ thể. Ngoài việc nâng cấp ACB Leasing lên công ty tài chính tổng hợp, Ngân hàng còn có kế hoạch mua lại để khai thác phân khúc tín dụng tiềm năng này. Hiện tại, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại ACB vào khoảng 18.000 tỷ đồng. Đây được xem là mảng tín dụng tiềm năng tốt của ACB. Do đó, dù chưa có công ty tài chính, nhưng chúng tôi đã và đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Trong năm 2016, ACB xác định những rủi ro mà Ngân hàng phải đối mặt đó là rủi ro tín dụng, thanh khoản và vận hành. Tất cả những yếu tố này đã được ACB kiểm soát chặt chẽ, cụ thể, tỷ lệ cho vay trên huy động được đảm bảo 75%. Tổng nợ xấu ACB đã bán cho VAMC năm 2014-2015 là hơn 2.000 tỷ đồng và đã thu hồi được 140 tỷ đồng, trả lại trái phiếu đặc biệt để hoàn nhập dự phòng rủi ro. Kế hoạch 2016, ACB không bán thêm nợ cho VAMC do nhận thấy tự xử lý hiệu quả hơn. Thời điểm tháng 4/2015, ACB đã đánh giá cao thị trường và dự kiến đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận 3.000 tỷ đồng trước thuế. Tuy nhiên, tình hình xử lý nợ xấu nhóm 6 công ty liên quan đến "bầu" Kiên không được nhanh như kỳ vọng, do có những vướng mắc về thủ tục. Vì thế, nếu xử lý hết tồn đọng của nhóm 6 công ty này, lợi nhuận ACB sẽ đạt mức 3.000 tỷ đồng trước thuế, do giảm dự phòng.

Sẽ hoàn thành sứ mệnh vì tam nông 

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank 

Năm 2016 đánh dấu hành trình 65 năm xây dựng và phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam. Những chặng đường đã qua của đất nước đều in đậm dấu ấn hoạt động của ngành ngân hàng, đặc biệt là trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế những giai đoạn gần đây. Trong hành trình đó, Agribank vinh dự được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó đảm trách những nhiệm vụ chính trị trọng yếu trên thị trường tín dụng nông nghiệp nông thôn, khẳng định vai trò chủ đạo trong đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, vốn được xác định là “mặt trận” hàng đầu có nhiều đóng góp tích cực đối với thành tựu đổi mới kinh tế Việt Nam.

Hoạt động năm 2016 và những năm tiếp theo, tiếp nối thành công có tính đột phá trong triển khai Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015, Agribank xác định 2016 là năm bản lề trong triển khai Chiến lược phát triển kinh doanh 2016 - 2020, tầm nhìn 2030, giữ vững vai trò đầu tàu của TCTD chủ lực trong đầu tư cho “tam nông”, với dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm tỷ trọng tối thiểu 70%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và tiến tới phấn đấu đạt tỷ lệ 80%. Tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Theo dự báo, năm 2016 có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, với bề dày truyền thống, nguồn lực, sức mạnh của Agribank, cùng sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, nỗ lực của tập thể Hội đồng Thành viên, Ban điều hành và cán bộ viên chức, người lao động trên toàn hệ thống, Agribank sẽ hoàn thành sứ mệnh vì “tam nông”, cùng ngành ngân hàng tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước.

Chào đón thử thách như những cơ hội để vượt lên

đại diện Lãnh đạo VPBank 

Với những định hướng đúng đắn trong phương châm hành động và nhạy bén trong chỉ đạo điều hành, VPBank đã có một năm tăng trưởng hiệu quả và vững chắc, hoàn thành vượt mức kế hoạch đối với các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu của năm 2015. Các chỉ tiêu về khả năng sinh lời, hiệu quả sử dụng vốn cũng như các chỉ tiêu về an toàn đều được nâng cao, đưa VPBank gần hơn với mục tiêu trở thành một trong những NHTM cổ phần hàng đầu Việt Nam.

Tính đến ngày 31/12/2015, huy động tăng hơn 20%, lợi nhuận trước thuế đạt 3.096 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 49%, chi phí trích lập dự phòng rủi ro ở mức 3.277 tỷ đồng, đảm bảo phản ánh đúng thực tế chất lượng hoạt động, cũng như sự an toàn của Ngân hàng. VPBank tiếp tục phát triển hai mảng kinh doanh trọng tâm phục vụ phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng DN vừa và nhỏ, đồng thời nhanh chóng thiết lập mảng kinh doanh phục vụ phân khúc hộ gia đình tiểu thương.

Môi trường kinh tế vĩ mô năm 2016 dự báo còn nhiều biến động phức tạp, nhưng xu hướng phục hồi vẫn là chủ đạo, tạo điều kiện cho bức tranh ngành ngân hàng trở nên sáng hơn sau thời kỳ tái cấu trúc. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng đang lấy lại tư thế, sẵn sàng đẩy mạnh tăng trưởng, tạo ra áp lực cạnh tranh rất cao trên thị trường, đặc biệt là trong phân khúc bán lẻ. VPBank sẽ bước vào năm 2016 với nhiều thử thách lớn hơn các năm trước. Tuy nhiên, VPBank sẽ chào đón những thử thách này như những cơ hội để đưa Ngân hàng đến một sức mạnh mới, tầm cao mới.

Đẩy mạnh việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế để hỗ trợ DN trong nước 

Ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank 

Chiến lược của HDBank trong năm nay là tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế để hỗ trợ DN trong nước với lãi suất ưu đãi như Ngân hàng đã thực hiện trong năm qua. Mục tiêu của HDBank trong năm 2016 là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng... Bởi mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế trong năm nay cao nên cầu về tín dụng cũng tăng, trong đó, có lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Thực tế, việc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ đã được đề cập đến nhiều, nhưng vẫn chưa được thực hiện tới nơi tới chốn. Trong thời gian qua, về cơ bản, các ngân hàng đã tiếp cận các DN lĩnh vực này, tuy nhiên, quy mô vốn vẫn chưa nhiều. Trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ xây dựng các gói tín dụng ưu đãi dành cho DN thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Một phân khúc khách hàng khác HDBank quan tâm cung ứng vốn trong thời gian tới là các DN công nghiệp có sử dụng công nghệ tiên tiến. Các DN hiện nay muốn tạo ra hiệu suất lao động tốt bắt buộc phải có khoa học, công nghệ với chi phí lớn. Thấu hiểu được điều đó, HDBank đặt mục tiêu cung ứng vốn cho các DN lĩnh vực này. Một mảng cho vay khác đó chính là tập trung đẩy mạnh phát triển tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Ngoài ra, chiến lược của HDBank sắp tới là phát triển các dịch vụ đến người dân, DN một cách an toàn và hiệu quả.

Đối với tín dụng bất động sản, HDBank chú trọng đối tượng khách hàng vay mua nhà để ở. Đây là một định hướng rất rõ ràng và an toàn. Bên cạnh đó, HDBank cũng tập trung đẩy mạnh việc bảo lãnh các dự án bất động sản.

Trong hoạt động ngân hàng, công tác quản trị rủi ro rất quan trọng và luôn được HDBank chú trọng. Mọi hoạt động của Ngân hàng sẽ được vận hành, hoạt động trên một nền tảng công nghệ hiện đại… Đó là những chủ trương và chiến lược xuyên suốt của HDBank trong những năm qua cũng như các năm tiếp theo, với mục tiêu ổn định, hiệu quả và bền vững.

Nhấn mạnh tính an toàn, bền vững trong tăng trưởng

CEO các ngân hàng nói gì về những mục tiêu cho năm 2016? ảnh 7

Bà Lương Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Nam A Bank 

Tính đến thời điểm 31/12/2015, tình hình kinh doanh của Nam A Bank đạt được những kết quả khả quan: huy động vốn tăng 20% so với cùng kỳ và hoàn thành 104% kế hoạch năm 2015; cho vay tăng 25%, hoàn thành 99,4% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hoàn thành 105% kế hoạch năm 2015. Tổng số nợ xấu đến cuối năm 2015 còn 189 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ, chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay.

Điểm sáng năm 2015 vừa qua phải kể đến chính là việc Nam A Bank trở thành một trong những ngân hàng đầu tiên được sự chấp thuận của NHNN về việc mở mới 9 chi nhánh/phòng giao dịch trên cả nước. Điều này đã khẳng định sự tín nhiệm của NHNN đối với hoạt động của Nam A Bank. ĐHCĐ thường niên Nam A Bank ngày 15/4 đã thông qua định hướng, chỉ tiêu kế hoạch năm 2016.

Năm 2016, với mục tiêu đề ra là “Tăng trưởng quy mô - Chiếm lĩnh thị phần”, Nam A Bank sẽ nỗ lực hơn nữa để đạt các chỉ tiêu đề ra, phấn đấu tổng tài sản trên 40.000 tỷ đồng; huy động vốn trên 28.500 tỷ đồng; cho vay trên 25.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên 300 tỷ đồng; kiểm soát nợ xấu và đầu tư công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng để gia tăng tiện ích và phục vụ tốt cho khách hàng. Để đạt được mục tiêu đó, Nam A Bank sẽ triển khai các giải pháp điều hành triệt để, hữu hiệu, khả thi, phù hợp với xu thế thị trường và năng lực hiện tại.

Năm 2016, với tiêu chí “Ngân hàng đẹp – dịch vụ tốt”, Nam A Bank tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất và lượng đội ngũ cán bộ nhân viên nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Vì thế, Nam A Bank đã cho triển khai kế hoạch thay đổi chuẩn nhận diện thương hiệu trên toàn hệ thống. Các trụ sở của ngân hàng đều được xây dựng, sửa sang, thiết kế khang trang, bắt mắt với không gian thoáng mát, vị trí thuận tiện. Chúng tôi còn chú trọng đầu tư và áp dụng triệt để hệ thống máy móc, công nghệ thông tin hiện đại nhằm đem đến sự tiện lợi tối ưu nhất cho các khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh đó, Nam A Bank đã, đang và sẽ tập trung tất cả các nguồn lực cho công tác kinh doanh, đặc biệt nhấn mạnh đến tính an toàn và bền vững trong tăng trưởng với sự chuẩn bị kỹ càng về chủ trương, đường lối hoạt động, đội ngũ cán bộ được tuyển dụng, đào tạo bài bản, hệ thống máy móc hiện đại, những dịch vụ ngày càng tiện ích. Tăng trưởng nhưng an toàn, bền vững là tôn chỉ hoạt động của Nam A Bank vì một hệ thống ngân hàng Việt Nam vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và chinh phục sự tín nhiệm của cổ đông, đối tác và khách hàng.

Hồng Dung - Thùy Vinh
Tin bài liên quan