NamA Bank xin tăng room tín dụng gấp đôi để có thêm dư địa cho vay những tháng cuối năm

NamA Bank xin tăng room tín dụng gấp đôi để có thêm dư địa cho vay những tháng cuối năm

Cầu vốn đang dần cải thiện

(ĐTCK) Mặc dù không tăng trưởng như kỳ vọng, song lãnh đạo các nhà băng cho biết, cầu vốn của khách hàng đang dần được cải thiện trong mùa cao điểm cuối năm. Vì thế, các nhà băng tranh thủ đưa ra nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh dư nợ.

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank cho biết, Ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và kinh doanh cuối năm. Với đối tượng khách hàng cá nhân vay mua, sửa chữa nhà, vay tiêu dùng…, lãi suất cho vay dao động từ 9 - 10%/năm. Còn đối với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất cho vay được áp dụng chỉ từ 7 - 8%/năm.

Theo ông Nhung, khả năng nhu cầu vốn sẽ cải thiện dần trong những tháng tới, khi mặt bằng lãi suất giảm dần. Thanh khoản của ngân hàng dôi dư cũng sẽ là điều kiện tốt để cung ứng vốn ra thị trường. Tuy nhiên, để hạn chế được rủi ro nợ xấu, chất lượng tín dụng vẫn được các ngân hàng đặt lên hàng đầu.

Phó tổng giám đốc VietA Bank Phạm Linh cũng cho hay, tăng trưởng dư nợ của VietA Bank được cải thiện trong những tháng cuối năm. Lãi suất huy động tại VietA Bank hiện không còn chênh so với các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, theo ông Linh, là điều kiện tốt để giảm lãi suất cho vay, kích thích nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng như của khách hàng cá nhân.

Hiện tại, VietABank đang triển khai gói tín dụng “Bình ổn giá Tết”, với lãi suất ưu đãi: 7%/năm, cố định trong suốt thời gian vay cho doanh nghiệp, với tổng giá trị gói vốn lên đến 1.000 tỷ đồng; 8,5%/năm, cố định suốt thời gian vay cho cá nhân là các hộ kinh doanh, tiểu thương…

NamA Bank xin tăng room tín dụng lên gấp đôi so với chỉ tiêu nhận được đầu năm để có thêm dư địa cho vay trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, do con số dư nợ tuyệt đối của Ngân hàng còn ở mức thấp, nên dù tỷ lệ tăng trưởng cao, nhưng nguồn vốn cung ứng cho khách hàng chưa đáng kể. Trong khi đó, lãnh đạo Nam A Bank cho biết, nguồn tiết kiệm vào ngân hàng vẫn khá dồi dào, dù lãi suất điều chỉnh nhẹ mới đây.

Tại Sacombank, dư nợ tín dụng 11 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng khá ấn tượng, với mức tăng 11% và kế hoạch từ nay đến cuối năm, Ngân hàng tiếp tục đẩy vốn cho vay. Trong đó, với khách hàng doanh nghiệp, Sacombank tham gia chương trình bình ổn do UBND TP. HCM phát động, với mức lãi suất cho vay chỉ 5,5%/năm vốn ngắn hạn.

Theo nhận định của ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB, tín dụng giai đoạn cuối năm đang có mức tăng trưởng tốt hơn. Ngoài yếu tố lãi suất giảm dần, thị trường bất động sản bắt đầu ấm lên khi các chính sách liên quan đến thị trường thông thoáng hơn. Chính sách tín dụng bất động sản dần được nới lỏng. NHNN kiểm soát tốt thị trường vàng và ngoại tệ, nên sẽ khó có chuyện dòng tiền chảy qua các lĩnh vực khác của giới đầu cơ. Thêm vào đó, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã có chiều hướng khởi sắc trở lại khi giai đoạn suy thoái đã qua.

Trả lời ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố 11 tháng đầu năm nay là trên 9% và ước cả năm 2014 đạt mức tăng trưởng khoảng 11% so với chỉ tiêu đưa ra ban đầu là 12%. Tuy nhiên, theo ông Minh, với mức tăng trưởng dư nợ tín dụng trên 9% trong 11 tháng đầu năm là cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng quan tâm là tín dụng đã đi vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

Đánh giá về nhu cầu vốn của khách hàng trong năm sau, ông Minh cho rằng, nhiều khả năng sẽ cải thiện khi lãi suất giảm và sức khỏe doanh nghiệp dần hồi phục.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đến cuối tháng 11/2014 là 10,22% và theo lãnh đạo NHNN, đủ cơ sở đạt chỉ tiêu đưa ra cả năm nay là 12-13%. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế - tài chính, không cần thiết phải chạy theo chỉ tiêu tín dụng, mà quan trọng hơn vẫn là chất lượng tín dụng, kiểm soát được rủi ro nợ xấu phát sinh.

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế được các chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, sẽ tốt hơn trong năm 2015. Thế nhưng, không kỳ vọng có sự thay đổi đột biến do sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Hiện các ngân hàng vẫn phải giải quyết bài toán thanh khoản dư thừa ngắn hạn, dẫn đến việc cạnh tranh khốc liệt trong việc cho vay bằng việc hạ lãi suất vay, trong khi tốc độ giảm lãi suất huy động chậm hơn rất nhiều.

“Các ngân hàng vẫn hết sức thận trọng, vì việc cạnh tranh bằng mọi giá sẽ đẩy nợ xấu tăng”, một lãnh đạo trong ngành nói.

Tin bài liên quan