Lãi suất huy động được duy trì khá ổn định trong 9 tháng đầu năm nay

Lãi suất huy động được duy trì khá ổn định trong 9 tháng đầu năm nay

Cạnh tranh huy động “vào mùa”

(ĐTCK) Nhu cầu vốn của doanh nghiệp thường tăng trong những tháng cuối năm. Đây cũng là mùa cao điểm kinh doanh vốn của các ngân hàng. Bởi vậy, nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng tầm trung và nhỏ, đang phải cạnh tranh để huy động tiền nhàn rỗi trong dân.

Chị Nguyễn Kim Ánh (Quận 3, TP.HCM) cho biết, cuối tuần qua, chị có cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 1 tỷ đồng đến kỳ đáo hạn và được nhân viên của Ngân hàng S gọi điện báo chị đến ngân hàng tái tục, với lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.

Trên thị trường, nhiều ngân hàng cũng đưa ra mức lãi suất cao dành cho tiền gửi kỳ hạn dài. Chẳng hạn, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất 8,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng khi gửi tiền tại Viet Capital Bank, hay mức 8%/năm cho kỳ hạn 24 tháng tại VietA Bank…

Bên cạnh đó, để thu hút khách hàng, ngoài mức lãi suất cao, các ngân hàng còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Đơn cử, HDBank có chương trình “Gửi tiền như ý – Rinh cúp vàng ký – Nội trợ hết ý”, với tổng giá trị giải thưởng lên tới gần 14,5 tỷ đồng, dành cho các khách hàng gửi tiết kiệm chỉ từ 60 triệu đồng với kỳ hạn tối thiểu 1 tháng... Kienlongbank đang thu hút vốn bằng chương trình “Gửi tiền Kiên Long - Nhận quà thả ga - Trúng 3 xế hộp” dành cho khách hàng gửi tiết kiệm trên toàn quốc, tổng giá trị giải thưởng hơn 6,8 tỷ đồng. Tại Viet Capital Bank là chương trình “Gửi 1 - Nhân 3” với tổng giá trị giải thưởng 2 tỷ đồng.

Ngoài các kỳ hạn dài, một số ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất từ 0,2-0,4%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng. Chẳng hạn, tại PVcombank, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất là 7,9%/năm và khi gửi tiền tối thiểu 30 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất cộng thêm 0,4%/năm…

Tại các nhà băng quy mô lớn hơn, cạnh tranh trong huy động tiết kiệm cũng khá gay gắt, với mức lãi suất bình quân là 5,5-6%/năm cho kỳ hạn từ 1-6 tháng và từ 7-7,8%/năm cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Đơn cử, tại một phòng giao dịch của Vietcombank trên địa bàn TP.HCM, khi khách hàng rút tiền với số lượng lớn, lãnh đạo phòng giao dịch nhanh chóng đưa ra lời mời gửi tiết kiệm với lãi suất có thể tính theo ngày.

Một ngân hàng lớn khác lại tạo điều kiện cho khách hàng được rút một phần gốc khi cần vốn đột xuất được hưởng hưởng lãi suất không kỳ hạn, phần còn lại trong sổ tiết kiệm vẫn được hưởng lãi suất có kỳ hạn…

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Hiện tại, nhiều ngân hàng đang có mức lãi suất huy động cao, nhất là các ngân hàng nhỏ. Để chuẩn bị tốt thanh khoản, đáp ứng cầu vốn tăng cao trong những tháng cuối năm, đồng thời giữ chân khách hàng cũ, chúng tôi buộc phải tăng lãi suất huy động. Mặt khác, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được nới thêm cũng là điều kiện tốt để cho vay”.

Theo kế hoạch ban đầu, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm nay được giao ở mức 16 - 18%. Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được nâng lên 21 - 22%.

Thực tế, do tăng trưởng tín dụng đã được đẩy mạnh ngay từ đầu năm, nên nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng chỉ sau 6 tháng. Việc hạn mức tín dụng được nâng lên đã tạo ra cơ hội cho các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng dư nợ.

Theo đó, thời gian qua, một loạt ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cho nới thêm room tín dụng như LienVietPostBank được nâng từ 16% lên 21% và kỳ vọng nới lên 31% vào tháng 11 tới. ACB và VIB được tăng từ 16% lên 24%; VietinBank, Vietcomank từ 16% lên 18%; OCB được cho phép nới lên 21%...

Bên cạnh đó, với việc thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào như hiện nay, các ngân hàng kỳ vọng, dư nợ cho nền kinh tế sẽ tăng tốc trong quý cuối năm, với tăng trưởng bình quân khoảng 6,07%. Lãi suất cho vay cũng được dự báo sẽ tiếp tục giảm khoảng 0,22%/năm toàn hệ thống.

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, quý cuối năm là thời điểm rất tốt để các ngân hàng cải thiện dư nợ, khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp luôn tăng cao trong thời gian này. Tuy nhiên, các ngân hàng cần thận trọng với rủi ro nợ xấu khi tín dụng tăng trưởng cao.

Tính đến ngày 20/9/2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (tăng 15,36% so cùng kỳ 2016), hỗ trợ kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, trong bối cảnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý được điều chỉnh. Tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017 và tăng đều qua các tháng. Đến ngày 20/9/2017, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%).

Tin bài liên quan