Cảnh báo công ty tín dụng tiêu dùng quấy nhiễu, đe dọa để thu nợ

Cảnh báo công ty tín dụng tiêu dùng quấy nhiễu, đe dọa để thu nợ

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương (VCA) vừa ra văn bản khuyến cáo với người tiêu dùng về dịch vụ tín dụng tiêu dùng. 

Dựa trên những vụ việc đang được giải quyết, VCA khẳng định, có tình trạng nhân viên thu hồi nợ có dấu hiệu đe dọa, quấy nhiễu người tiêu dùng và người thân của người tiêu dùng trong quá trình thu hồi nợ. VCA cũng khẳng định, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. 

Phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) cho biết, thời gian gần đây, đơn vị này liên tiếp nhận được các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng dùng liên quan đến dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Dựa trên các trường hợp đã và đang xem xét, giải quyết, Phòng Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho người tiêu dùng.  

Quấy nhiễu, đe dọa người vay

Tại Việt Nam, hoạt động tín dụng tiêu dùng thường được thực hiện dưới dạng các khoản vay để mua tài sản tiêu dùng như xe máy, máy tính, điện thoại…

Do lợi thế giải quyết nhanh, không cần tài sản thế chấp  một bộ phận rất lớn người tiêu dùng đang sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, đi cùng sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của các lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được ghi nhận và đang tạo ra rất nhiều bức xúc cho người dân.

Qua công tác thống kê từ hoạt động tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, Cục Quản lý cạnh tranh đã phát hiện thấy một số hành vi của các công ty tài chính tiêu dùng có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Thứ nhất, các công ty cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (nhân viên tư vấn không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng; về cách thức tính lãi phạt; về thời hạn phải trả tiền hàng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng tín dụng tiêu dùng).

Thứ hai, sau khi ký kết hợp đồng, bản chính của hợp đồng không được cung cấp kịp thời cho người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng không tiếp cận được với các điều khoản quy định điều chỉnh món tiền vay của mình, do đó, rất dễ mắc phải các lỗi phạt trong quá trình trả nợ hàng tháng.

Thứ ba, không thông báo rõ ràng mục đích thu thập thông tin. Cụ thể, trong quá trình thu thập thông tin để làm hồ sơ vay tiền, người tiêu dùng không được thông báo là các số điện thoại của người thân sẽ được sử dụng trong quá trình thu hồi nợ (nếu có) phát sinh về sau. Người tiêu dùng được thông báo là việc thu thập số điện thoại của người thân nhằm mục đích xác minh khoản vay, tuy nhiên, thực tế thì nhân viên thu hồi nợ thường xuyên và liên tục liên hệ với người thân để tác động kèm theo đe dọa và quấy nhiễu nhằm thu hồi nợ của khách hàng.

Thứ tư, các nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính tiêu dùng có dấu hiệu đe dọa, quấy nhiễu người tiêu dùng và người thân của người tiêu dùng trong quá trình thu hồi nợ.

Trong tất cả các vụ việc hiện đang được Cục QLCT xem xét, giải quyết, tất cả người tiêu dùng và cả người thân của người tiêu dùng thường xuyên và liên tục bị các cuộc điện thoại, tin nhắn liên hệ với mục đích thu hồi nợ. Những cuộc điện thoại và tin nhắn này liên tục kèm theo nội dung đe dọa với lời lẽ thiếu tôn trọng người nghe. Thậm chí, rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn được thực hiện lúc tối muộn và tần suất liên hệ trên dưới 10 cuộc/ngày.

Từ những nội dung trên có thể thấy, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Siết quản lý hợp đồng tín dụng tiêu dùng

Để phòng trách rủi ro do từ tín dụng tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo, người tiêu dùng trước khi ký hợp đồng cần đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản vể lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. Đồng thời, cần lưu ý và cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người khác cho bên cung cấp dịch vụ.

Sau khi ký hợp đồng, người tiêu dùng nên đề nghị nhân viên tư vấn hoặc công ty cung cấp một bản sao có giá trị pháp lý của hợp đồng đã ký kết. Trường hợp hợp đồng được gửi sau bằng đường bưu điện cần lưu ý nhân viên tư vấn có hình thức xác nhận về việc sẽ gửi hợp đồng cho người tiêu dùng và thời gian hoàn thành gửi hợp đồng.

Được biết, nhằm loại bỏ các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng trong các hợp đồng tín dụng tiêu dùng, vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung  dịch vụ vay vốn cá nhân vào danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung theo Quyết định 02/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2012 về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Tiếp đó, ngày 20 tháng 8 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 02/2012/QĐ-TTg. Theo đó, dịch vụ vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) được bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Như vậy, thời gian tới, trước khi áp dụng các hợp đồng vay vốn cá nhân, các tổ chức liên quan phải đăng ký và được cơ quan bảo vệ người tiêu dùng ở trung ương hoặc địa phương chấp nhận mới được áp dụng ký kết với người tiêu dùng.

Tin bài liên quan