Cẩn trọng với rủi ro hợp đồng vô hiệu

Cẩn trọng với rủi ro hợp đồng vô hiệu

(ĐTCK) Từ một bản án tuyên hoạt động chuyển nhượng cổ phần là kinh doanh trái phép, nghĩ về rủi ro trong giao dịch…

Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật

Vừa qua, trong một phiên tòa dân sự, một doanh nghiệp đã xin tòa tuyên giao dịch chuyển nhượng cổ phần với doanh nghiệp khác vô hiệu. Lý do được đưa ra, vì doanh nghiệp này cho rằng trong đăng ký kinh doanh của mình không có ngành nghề “Đầu tư tài chính”.

Theo doanh nghiệp, giấy đăng ký doanh nghiệp không ghi nhận thông tin ngành nghề kinh doanh đầu tư tài chính, nên việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần được xác định là kinh doanh trái phép. Đồng nghĩa, giao dịch chuyển nhượng cổ phần đã vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.

Kết quả phiên tòa, tòa án đã tuyên giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Tòa án căn cứ vào một bản án hình sự năm 2014, trong đó có nội dung tranh cãi về việc xác định hoạt động chuyển nhượng cổ phần của các doanh nghiệp không có đăng ký kinh doanh ngành “đầu tư tài chính” là kinh doanh trái phép.

Điều này sẽ tác động ra sao đối với rủi ro tín dụng của ngân hàng? Hãy thử hình dung một trường hợp sau để thấy sự liên hệ.

Doanh nghiệp A chuyển nhượng một khối lượng cổ phần tại một doanh nghiệp mục tiêu cho doanh nghiệp B. Ngân hàng tài trợ cho một khách hàng doanh nghiệp trong phương án mua lại từ doanh nghiệp B khối cổ phần mà doanh nghiệp này mua của doanh nghiệp A. Sẽ ra sao nếu phát sinh một tranh chấp dân sự liên quan, trong đó doanh nghiệp B lại bị chính doanh nghiệp A xin tòa tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trước đây?

Nếu như hợp đồng giữa doanh nghiệp A và doanh nghiệp B bị tuyên vô hiệu, đương nhiên giao dịch chuyển nhượng cổ phần giữa doanh nghiệp B với khách hàng của ngân hàng cũng không còn hiệu lực. Vậy là toàn bộ phương án vay vốn đang hiệu quả từng ngày của khách hàng sẽ biến thành không khả thi, còn ngân hàng đối mặt với rủi ro nợ khó đòi. Tình huống trên có thể xảy ra không? Hoàn toàn có thể, như phiên tòa dân sự vừa qua.

Đâu mới là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật?

Thực tiễn muôn màu muôn vẻ với những rủi ro không lường trước được, đang buộc các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là người làm nghề tín dụng, phải trở thành các “chuyên gia pháp lý” bất đắc dĩ về những trường hợp giao dịch vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật.

Đi từ quy định chung, Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, giao dịch dân sự chỉ vô hiệu khi có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội. Điều cấm của luật được hiểu là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện một hành vi nhất định.

Như vậy, phải có chính xác một điều luật, nằm trong một đạo luật cụ thể (không phải trong nghị định, thông tư hay quy trình nội bộ của ngân hàng), quy định các cá nhân, tổ chức nhất định không được làm những việc nào đó mà các chủ thể này vẫn làm thì mới xem là đã vi phạm điều cấm của luật.

Với cách hiểu như vậy, trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, Luật Đầu tư năm 2014 đã chỉ rõ các hoạt động bị cấm gồm: Kinh doanh các chất ma túy; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người và hai, ba ngành nghề khác nghe qua đã biết đương nhiên bị cấm.

Nhìn lại quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, có thể khẳng định một điều: Không có bất kỳ quy định nào của đạo luật này cấm doanh nghiệp hoạt động chuyển nhượng cổ phần. Theo Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần có thể phát hành cổ phần cho mọi tổ chức, cá nhân. Khi đã sở hữu cổ phần, theo Điều 114 Luật này, ngoại trừ một số trường hợp hạn chế cụ thể, cổ đông phổ thông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho bất kỳ ai.

Như thế đã rõ đâu là lằn ranh mang tên điều cấm của luật. Tuy vậy, thực tế đã xảy ra việc có tòa án tuyên giao dịch chuyển nhượng cổ phần vô hiệu, với lý do là một trong các bên mua bán, chuyển nhượng cổ phần không đăng ký ngành “kinh doanh, đầu tư tài chính”. Nội dung các điều khoản trong luật đôi khi được hiểu   và vận dụng qua góc nhìn của thẩm phán tại những phiên tòa có sự biến đổi vô cùng khác biệt.

Với thực tế này, sản phẩm cho vay mua cổ phần của các ngân hàng không thể bỏ qua khâu kiểm soát các ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký doanh nghiệp của khách hàng. Điều nan giản đối với ngân hàng là, đến giờ không rõ doanh nghiệp có đăng ký được vào giấy chứng nhận ngành nghề “đầu tư tài chính” không? Bởi dường như ngành nghề này chưa từng tồn tại trong các mã ngành có thể đăng ký kinh doanh.

Tin bài liên quan