Cụ thể, mặt bằng lãi suất đã tăng khoảng 0,4-0,5%/năm so với cuối năm trước, cả năm dao động quanh biên độ 1,2-1,6%/năm với kỳ hạn qua đêm-1 tuần. Bình quân lãi suất ở mức 1,4%/năm với kỳ hạn 1 tuần, cao hơn 0,7%/năm so với mức bình quân năm 2016. Thanh khoản thị trường sôi động, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 14.000 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ 2016.
Các yếu tố tạo áp lực tăng lên lãi suất có xu hướng mạnh lên trong năm 2017 được Nhóm Nghiên cứu cho biết, đó là tín dụng ngoại tệ đã tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm 2017 và cả năm đạt khoảng 18% do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ trong năm 2017 theo Thông tư số 31/2016/TT-NHNN, cộng với diễn biến thuận lợi của thị trường ngoại hối khi cả năm 2017 tỷ giá có xu hướng khá ổn định.
Trong khi đó, huy động vốn ngoại tệ tăng trưởng khiêm tốn hơn, chỉ khoảng dưới 5% và dao động khá mạnh theo thời gian. Theo đó, chênh lệch huy động vốn - tín dụng ngoại tệ đã thu hẹp khoảng 3 tỷ USD trong năm 2017.
“Một yếu tố tác động đến từ bên ngoài, đó là mặt bằng lãi suất LIBOR trên thị trường quốc tế đã tăng khoảng 0,6-0,7%/năm với kỳ hạn 1 tuần-3 tháng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 3 lần nâng lãi suất trong năm 2017, từ mức 0,5-0,75%/năm lên mức 1,25- 1,5%/năm”, một lãnh đạo BIDV chia sẻ.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, nguyên nhân tín dụng ngoại tệ tăng đột biến trong năm 2017 là do nhu cầu nhập khẩu tăng cao so với năm 2016.
Cơ quan này cũng liên tục đưa ra cảnh báo về tốc độ tăng vọt của tín dụng ngoại tệ và song song với đó, NHNN cũng ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, đồng thời kiểm soát tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng ngoại tệ ở mức phù hợp, đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay, tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ…
Dự báo trong năm 2018, Nhóm Nghiên cứu cho rằng, thanh khoản thị trường USD liên ngân hàng sẽ tiếp tục xu hướng co hẹp, bởi thanh khoản USD liên ngân hàng dự báo sẽ bớt dồi dào hơn so với năm 2017. Lãi suất giao dịch dự kiến tăng thêm khoảng 0,5-0,6%/năm so với cuối năm 2017, lên mức 2-2,1%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Các yếu tố tạo áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục mạnh lên trong năm 2018 là: Thứ nhất, chênh lệch huy động vốn - tín dụng ngoại tệ dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng thu hẹp trong năm 2018 khi tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng trưởng thêm 8-10%, trong bối cảnh tỷ giá không có nhiều biến động và NHNN tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; trong khi đó, huy động vốn ngoại tệ dự kiến chỉ tăng nhẹ khoảng 3-5% trong bối cảnh NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ trần lãi suất huy động USD là 0%/năm trong năm 2018.
Thứ hai, mặt bằng lãi suất USD trên thị trường quốc tế kỳ vọng tăng thêm khoảng 0,6-0,7%/năm trong năm 2018 do Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất thêm 3 lần nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tích cực như kỳ vọng.
Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của NHNN cũng thừa nhận: “Cần phải lưu ý đến vấn đề thanh khoản bằng ngoại tệ, do tín dụng bằng ngoại tệ đang tăng khá nhanh trong khi huy động vốn tăng chậm hơn”.
Dù vậy, các lãnh đạo ngân hàng thương mại đều bày tỏ sự kỳ vọng bức tranh lạc quan của thị trường ngoại hối trong năm 2018, bởi có các điều kiện thuận lợi để duy trì trạng thái tích cực đã đạt được trong các năm 2016, 2017. Xu hướng chủ đạo của tỷ giá VND/USD vẫn là ổn định, dù dự kiến có thể tăng nhẹ khoảng 0,5-1%, dao động trong khoảng 22.710-22.950 đồng/USD.
Cán cân thương mại hàng hóa được cho rằng sẽ ở mức cân bằng, kiều hối tăng trưởng nhẹ khoảng 5%, lên mức 10,5 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh trong bối cảnh môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện, thu hút các nhà đầu tư và chủ trương đẩy mạnh thoái vốn nhà nước.
Giải ngân đầu tư trực tiếp và gián tiếp ước đạt 21-23 tỷ USD, trong đó giá trị giao dịch cổ phần chiến lược, hợp nhất và sáp nhập dự kiến vẫn duy trì ở mức lớn…
“Theo đó, cán cân thanh toán tổng thể có thể duy trì trạng thái thặng dư tốt, khoảng 8-10 tỷ USD. Đây tiếp tục là yếu tố hỗ trợ quan trọng nhất cho sự ổn định của thị trường ngoại hối”, vị lãnh đạo BIDV nhấn mạnh.