Các quy định tại Quy chế 1627 đã lạc hậu và gây bất cập đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính

Các quy định tại Quy chế 1627 đã lạc hậu và gây bất cập đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính

Cần quy định riêng cho tín dụng tiêu dùng

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ thường niên 2016 tổ chức đầu tuần này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, lãi sau thuế của Ngân hàng đạt 2.396 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty Tài chính VPBank (FE Credit) đóng góp gần 960 tỷ đồng nhờ hoạt động cho vay tiêu dùng.

Trong 2 năm gần đây, VPBank đẩy mạnh cho vay tín chấp với mảng tài chính tiêu dùng và điều này được thể hiện trong Báo cáo thường niên 2015 với dư nợ các khoản vay tín chấp của VPBank tăng 136%. Chính nhờ hoạt động tài chính tiêu dùng khởi sắc mà số nhân sự tại VPBank tăng gần 3.500 người trong năm 2015, trong đó ngân hàng mẹ tuyển thêm 1.000 người, còn lại phần lớn là từ công ty tài chính.

Lý giải về sự thành công của FE Credit không khó, bởi thực tế nhu cầu vay vốn trên thị trường tài chính rất đa dạng, bao gồm nhu cầu của doanh nghiệp, cá nhân, trung-dài hạn với mục đích kinh doanh, tiêu dùng…

Song trên thực tế, không phải lúc nào hệ thống ngân hàng cũng đáp ứng đủ mọi nhu cầu. Đặc biệt đối với cho vay tiêu dùng, loại hình tín dụng đặc thù với yêu cầu nhanh trong giải ngân, thoáng về điều kiện và gọn nhẹ về thủ tục, trong khi những vấn đề này lại khó thực hiện với ngân hàng bởi các khoản vay phải qua nhiều quá trình thẩm định ngặt nghèo…

Nhu cầu vay vốn là lớn, trong khi việc đáp ứng lại thấp nên thời gian qua, sự xuất hiện của các công ty tài chính với việc cho vay tiêu dùng đã đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, khi mà trước đây phải tìm đến tiệm cầm đồ hoặc tín dụng đen, đã tạo ra những bước ngoặt cho cả công ty tài chính lẫn người đi vay. Thực tế đã chứng minh sự tăng trưởng nhanh của các công ty tài chính thời gian qua, với điển hình là FE Credit, cũng như một loạt các công ty tài chính chuẩn bị đi vào hoạt động trong thời gian tới. Rõ ràng, đây là loại hình cho vay rất đáng khuyến khích phát triển.

Mặc dù không đề cập trực diện, nhưng dưới các hình thức khác nhau, các công ty tài chính đang “vật vã” về đường hướng phát triển, bởi cho vay tiêu dùng là một trong các hoạt động cho vay nằm chung trong khuôn khổ các hoạt động tín dụng được tiến hành bởi các TCTD.

Theo đó, hoạt động này được thực hiện trên cơ sở các khung pháp lý như: Luật Các TCTD, hoạt động cho vay đặc thù căn cứ vào quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001. Ngoài ra, trên thực tế, để vận hành được các hoạt động cho vay này, các công ty tài chính, TCTD ban hành một số quy trình nghiệp vụ, điều kiện nội bộ để áp dụng trên cơ sở khung pháp lý, tuy nhiên trọng tâm vẫn là Quy chế cho vay 1627 của TCTD đối với khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định 1627.

“Tuy nhiên, Quy chế 1627 chỉ là quy định cho vay sản xuất kinh doanh, mà gần như không có quy định nào dành cho việc cho vay tiêu dùng. Thậm chí sau này, NHNN còn hướng dẫn việc cho vay, cầm cố bằng giấy tờ có giá cũng phải xác định mục đích vay vốn như đối với cho vay sản xuất kinh doanh”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico nói.

Đương nhiên, Luật Các TCTD đề cập đến vấn đề chung, còn các quy định nội bộ của ngân hàng không phải quy định pháp lý và gốc của khung pháp lý vẫn là Quy chế 1627, nhưng quy định này lại dành cho tất cả các hoạt động vay trong lĩnh vực ngân hàng của các TCTD nói chung và công ty tài chính nói riêng.

Điều này có nghĩa rằng, công ty tài chính và TCTD đều phụ thuộc vào Quy chế 1627, cho dù hoạt động cho vay của công ty tài chính và TCTD là khác nhau. Bên cạnh đó, hoạt động cho vay tiêu dùng chỉ mới bùng phát trong vài năm gần đây, trong khi Quy chế 1627 đã ban hành từ năm 2001 cho thấy tính chất của các quy định đã lỗi thời, bất cập và lạc hậu so với hoạt động thực tế.

Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, công ty tài chính cho vay tiêu dùng sẽ phải thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Dân sự và Quy chế 1627 về các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục cho vay chứ không thể khác. Hiển nhiên, điều này sẽ làm tăng thêm khó khăn, phức tạp không cần thiết, gây tốn kém thời gian, chi phí.

“Tuy nhiên, trong trường hợp làm không thật đúng với quy định, thì cơ quan thanh-kiểm tra cũng ‘tặc lưỡi’ dễ dàng bỏ qua hơn so với cho vay sản xuất kinh doanh”, Luật sư Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối nhất cần chỉnh sửa đó là cơ chế lãi suất xoay quanh hoạt động cho vay tiêu dùng. Nếu theo quy định hiện nay, rào cản thực tế cho mọi hoạt động cho vay nằm ở Bộ luật Dân sự, lĩnh vực ngoài ngành ngân hàng. Bộ luật Dân sự hiện hành quy định mức lãi suất cho vay không quá 150% lãi suất cơ bản, trong khi Bộ luật Dân sự mới sẽ có hiệu lực vào năm 2017 cũng đưa ra mức lãi suất kịch trần lên tới 20%/năm và lưu ý cho phép trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều đó có nghĩa rằng, lại phải trông chờ vào ngân hàng. Nên về cơ bản, Luật Các TCTD nên chú ý tạo ra hành lang pháp lý an toàn về lãi suất cho lĩnh vực này, nếu không hoạt động của các công ty tài chính lại vi phạm luật.

Tin bài liên quan