Đây là một trong số những vấn đề được các luật sư thẳng thắn đề cập đến tại Tọa đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập” do Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức đầu tuần này tại Hà Nội.
Chuyển nhượng bắt buộc phải theo yêu cầu của NHNN
Luật sư Đặng Dung, Công ty Luật Đặng Dung cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 2 Điều 5 Quyết định 48/2013/QĐ-TTg, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định việc chỉ định TCTD tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc trực tiếp tham gia góp vốn mua cổ phần; Thống đốc NHNN quyết định số vốn mà TCTD được chỉ định hoặc NHNN cần tham gia góp vốn, mua cổ phần, các hình thức góp vốn, mua cổ phần. Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, các TCTD đã được kiểm toán độc lập, kết quả kiểm toán cho thấy giá trị thực của vốn điều lệ bị âm, NHNN được quyền mua lại cổ phần của các chủ sở hữu TCTD được kiểm soát đặc biệt nếu như các chủ sở hữu không thực hiện việc tăng vốn theo yêu cầu.
“Do đó, NHNN sẽ thực hiện quyền yêu cầu các chủ sở hữu phải chấp nhận kết quả kiểm toán độc lập và chuyển nhượng bắt buộc đối với toàn bộ cổ phần của mình tại TCTD đó với giá 0 đồng/1 cổ phần, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của TCTD kể từ ngày quyết định mua cổ phần bắt buộc có hiệu lực”, luật sư Đặng Dung chia sẻ.
Theo khoản 2, Điều 197 Luật Doanh nghiệp năm 2014, việc chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn đầu tư bằng cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty TNHH một thành viên phải thực hiện theo giá thị trường, giá được định theo phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu hoặc phương pháp khác.
“Đối chiếu với quy định trên đây, giá chuyển nhượng cổ phần được xác định theo phương pháp nào trong các phương pháp luật định nêu trên cũng đều có cơ sở để thực hiện việc mua cổ phần bắt buộc đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, với giá 0 đồng/1 cổ phần”, luật sư Đặng Dung nhận định.
Thêm vào đó, tại Điều 13, Quyết định 48/2013 về “Quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu, các thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD được kiểm soát đặc biệt” có quy định, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của TCTD được kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm: chấp nhận kết quả đánh giá của kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; chuyển nhượng cổ phần, phần góp vốn cho NHNN hoặc TCTD được chỉ định theo yêu cầu của NHNN.
Luật sư Đặng Dung phân tích: “Như vậy, đã là chuyển nhượng bắt buộc thì phải chuyển nhượng theo yêu cầu của NHNN, dựa trên kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ, đây là kết quả mà chủ sở hữu có trách nhiệm phải “chấp nhận”.
NHNN không thể không quyết định
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, theo đúng bản chất pháp lý của Luật Các TCTD năm 2010 cũng như Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014, không có giao dịch mua bán, mà chỉ có giao dịch chuyển nhượng cổ phần của cổ đông (giống như Điều 54 Hiến pháp và Luật Đất đai năm 2013 không gọi là mua bán, mà là chuyển quyền sử dụng đất). Trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường, việc mua bán cổ phần cũng thường được sử dụng tương tự như việc mua bán cổ phiếu.
“Tuy nhiên, sẽ là không chính xác nếu như gọi các giao dịch đang được đề cập là mua ngân hàng hay mua cổ phần của ngân hàng. NHNN có thể mua số cổ phần của NHTM, nhưng chỉ có thể mua lại cổ phần khi NHTM phát hành lần đầu khi mới thành lập hoặc khi tăng vốn điều lệ (ngoài trường hợp đặc biệt là mua bán cổ phiếu quỹ). NHNN không thể mua số cổ phần thẳng từ 3 NHTM khi cổ phần đã được bán cho cổ đông. Vì số cổ phần đã phát hành và bán cho cổ đông là thuộc quyền sở hữu của cổ đông, chỉ cổ đông mới có quyền định đoạt”, luật sư Đức nói.
Còn theo quy định của Luật Các TCTD năm 2010 và Luật Chứng khoán năm 2010, NHNN có thể mua bán cổ phiếu của cổ đông NHTM. Một vấn đề pháp lý đặt ra, dù là giao dịch mua bán cổ phiếu hoặc chuyển nhượng cổ phần thì cũng phải có đủ hai bên là bên mua hoặc bên nhận chuyển nhượng và bên bán hoặc bên chuyển nhượng. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ thấy xuất hiện một bên mua hoặc chuyển nhượng là NHNN, mà không có bên bán hoặc chuyển nhượng là các cổ đông của NHTM.
Luật sư Đức đề cập: “Vậy, việc mua bán hoặc chuyển nhượng bắt buộc trong trường hợp này, liệu có được áp dụng tương tự như đối với việc trưng mua tài sản, mà không nhất thiết phải có sự đồng ý của bên bán hoặc bên chuyển nhượng, hay phải được hiểu như thế nào? Phải chăng, đây là một điểm mờ của pháp luật nên buộc NHNN phải quyết định hành động như đã diễn ra trên thực tế?”
Theo quy định tại khoản 3, Điều 59 về “Đại hội đồng cổ đông”, Luật Các TCTD năm 2010, chỉ cần đạt tỷ lệ biểu quyết từ 65% trở lên, là có thể quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ và quyết định mọi vấn đề của NHTM cổ phần. Luật sư Đức phân tích, vì giá mỗi cổ phiếu là 0 đồng, nên việc mua lại bao nhiêu phần trăm cũng không khác nhau nhiều.
Việc mua lại 100% sẽ đơn giản, dễ dàng, thuận tiện hơn nhiều cho NHNN, trong đó có việc chuyển đổi loại hình DN từ NHTM cổ phần sang NHTM TNHH một thành viên. Đây cũng là một trường hợp đặc biệt, vì pháp luật hiện hành chỉ có quy định về việc chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần hoặc loại hình khác, chứ không có quy định việc chuyển đổi công ty cổ phần sang công ty TNHH 100% vốn nhà nước.
Và những kiến nghị…
Theo luật sư Đức, quá trình xử lý 3 ngân hàng nói trên là một việc làm vô cùng đặc biệt, ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư nói chung, của các cổ đông ngân hàng nói riêng, vì vậy cần thiết phải công bố thông tin một cách cụ thể, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và giải thích rõ ràng, chính xác về cơ sở pháp lý, cũng như thực trạng của các ngân hàng bị mua với giá 0 đồng.
Trong trường hợp này, Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ là văn bản mật, không được công khai nội dung, nhưng cũng cần thiết phải công khai sớm tên gọi, số và ngày, tháng của văn bản trong quá trình xử lý 3 ngân hàng trên.
Để bảo đảm chắc chắn và rõ ràng về cơ sở pháp lý cho việc xử lý đối với các trường hợp tương tự nêu trên, cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD năm 2010 theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện, biện pháp và thủ tục xử lý. Hoặc cần phải sửa Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008 theo hướng cho phép nhận chuyển nhượng bắt buộc phần vốn góp hoặc cổ phần, cổ phiếu của các TCTD trong các trường hợp cần thiết.
Luật sư Đức cho rằng, cần xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg, theo đó, ngoài việc cho phép NHNN trực tiếp góp vốn và mua cổ phần của các TCTD (mua của chính công ty), còn cần phải cho phép việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên công ty TNHH và mua bán cổ phiếu, nhận chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông công ty cổ phần thì mới bảo đảm khớp đúng hoàn toàn quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Các TCTD và Luật Chứng khoán.
Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Luật NHNN, Luật Các TCTD và các văn bản pháp luật liên quan đã quy định khung pháp lý cơ bản cho tổ chức và hoạt động của NHNN và các TCTD.
Trong giai đoạn tái cấu trúc ngân hàng 2011-2015, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành một số văn bản tạo điều kiện cho quá trình này diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều bất cập khi triển khai thực thi các quy định pháp luật như về đăng ký thành lập và hoạt động ngân hàng, tiến độ tăng vốn, điều lệ, thanh tra, giám sát, quản lý rủi ro hệ thống, quản trị nhân lực…
“Đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện các quy định về tái cấu trúc ngân hàng, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ quá trình này, hỗ trợ kịp thời cho NHNN và NHTM”, bà Nga nói.