Nâng lãi suất tiền gửi USD sẽ hút nguồn vốn nước ngoài, đồng thời kéo USD đang được cất giữ của người dân vào ngân hàng

Nâng lãi suất tiền gửi USD sẽ hút nguồn vốn nước ngoài, đồng thời kéo USD đang được cất giữ của người dân vào ngân hàng

Cần nâng lãi suất USD lên khỏi “mặt đất“

(ĐTCK) Các chuyên gia đã khuyến nghị như vậy để đồng USD "chia lửa" với đồng nội tệ.

Thực tế cho thấy, quy định không trả lãi trên tiền gửi USD được áp dụng hơn một năm nay đã phần nào giúp giảm thiểu tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế và khuyến khích người dân sở hữu USD chuyển sang tiền đồng để gửi ngân hàng, hưởng lãi suất cao.

Quy định này cũng góp phần ổn định thị trường ngoại hối khi việc găm giữ đô la không còn được khuyến khích. Thị trường ngoại hối đã chứng tỏ sự ổn định trong năm 2016 với tỷ giá USD/VND chỉ tăng hơn 1%. 

Đã tới lúc nâng lãi suất tiền gửi USD

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, kiều hối đã giảm mạnh trong năm 2016.

Mặc dù cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về nguyên nhân đưa đến tình trạng suy giảm này, nhưng không loại bỏ khả năng việc áp dụng lãi suất bằng 0% cho tiền gửi USD đã tác động phần nào đến dòng kiều hối chảy về nước.

Lãi suất cho tiền gửi USD ở Việt Nam có thể áp dụng như sau: tiền gửi cho đến 6 tháng là 0,5%/năm, cho đến 12 tháng là 0,75%/năm và từ 1 năm trở lên là 1%/năm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Cụ thể, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 2 lần vào cuối năm 2015 và cuối năm 2016, nhiều khả năng sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ năm 2017, các ngân hàng của Mỹ đã liên tục tăng lãi suất huy động trong năm 2016. Trong khi đó, lãi suất gửi USD tại thị trường Việt Nam lại bằng 0%/năm, dẫn tới nguồn tiền gửi về nước giảm đi.

“Hiện nay, các ngân hàng Mỹ trả lãi suất bình quân trong khoảng 0,5 - 1% cho một số loại tiền gửi, với số tiền từ 100.000 USD trở lên. Mặt bằng lãi suất tiền gửi tại Mỹ tuy còn thấp nhưng vẫn cao hơn so với mức 0%/năm tại Việt Nam, do đó, một phần dòng kiều hối từ Mỹ thay vì chuyển về Việt Nam đã được giữ lại ở Mỹ để hưởng lãi. Chưa kể, trong năm 2016, đã có hiện tượng một lượng ngoại tệ chảy ra nước ngoài để hưởng lãi suất tại các ngân hàng quốc tế”, ông Hiếu cho biết.

TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực LienVietPostBank nêu quan điểm, lãi suất huy động USD 0%/năm đã hoàn thành sứ mệnh. Đến nay cần nghĩ tới một phương án khác để tìm kiếm nguồn vốn cho vay.

Theo ông Hiếu, nhìn vào thị trường ngân hàng trong nước, việc cấm không trả lãi cho tiền gửi USD đã gây khó khăn cho một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng thương mại cổ phần, trong việc huy động tiền gửi USD để giữ thanh khoản và đáp ứng nhu cầu cho vay ngoại tệ. Đây là những bất lợi đi kèm với các tác động tích cực mà chính sách ngoại hối đạt được trong năm qua nhờ áp dụng lãi suất 0%/năm cho tiền gửi USD.

Năm 2017, nền kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thử thách hơn, trong khi kiều hối vẫn đóng một vai trò quan trọng đối với cán cân thanh toán và phát triển kinh tế nói chung.

Chính vì vậy, việc cho phép các ngân hàng trả lãi trên tiền gửi USD có thể góp phần chặn đà suy giảm dòng kiều hối, hỗ trợ các ngân hàng huy động USD để đáp ứng nhu cầu thanh khoản và nhu cầu cho vay ngoại tệ, giúp ngăn chặn hiện tượng “chảy máu ngoại tệ” qua việc cân bằng mặt bằng lãi suất USD trong nước và trên thị trường tài chính quốc tế.

“Năm 2017 đã bắt đầu với rất nhiều dự báo khó lường cho nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, việc áp dụng ngay lãi suất cho tiền gửi USD là cần thiết. Dòng kiều hối đổ về Việt Nam tăng cao trong những ngày trước Tết âm lịch, chúng ta nên tận dụng cơ hội này bỏ quy định áp lãi suất 0% cho tiền gửi USD để khuyến khích các thành phần kinh tế giữ USD trong những tài khoản ngân hàng”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho rằng: “Trong bối cảnh Fed bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất và dự báo tiếp tục tăng 3 lần nữa trong năm 2017, NHNN nên xem xét nâng mức trần lãi suất huy động USD để giúp các ngân hàng thương mại giữ dòng vốn huy động tốt hơn, tạo điều kiện có nguồn vốn ngoại tệ cho vay và hỗ trợ thanh khoản bằng ngoại tệ”.

“Cần nâng lãi suất USD lên khỏi “mặt đất” để chia lửa cho đồng nội tệ. Điều này có 2 ý nghĩa: thứ nhất, hút nguồn vốn nước ngoài; thứ hai, kéo USD đang được cất giữ của người dân vào ngân hàng”, ông Hưởng cho biết. 

Lãi suất bao nhiêu là hợp lý?

Vậy mức lãi suất huy động USD quay trở lại nên ở mức nào là hợp lý? TS. Hưởng khuyến nghị, mức lãi suất nên ở khoảng từ 0,25% - 0,5%/năm cho kỳ hạn trên 1 năm.

“Nếu làm được như vậy, trong 6 tháng đầu năm, tôi tin tưởng sẽ giảm nhiệt cho áp lực lãi suất nội tệ và thị trường ngoại hối vì nguồn vốn lớn, đầu ra nội tệ, ngoại tệ tốt”, ông Hưởng nói.

Trong khi đó, ông Hiếu gợi ý: “Hiện nay mức lãi suất cho tiền gửi các loại tại các ngân hàng Mỹ cho khoản tiền từ 100.000 USD trở lên dao động trong khoảng 0,5 - 1%/năm. Theo tôi, lãi suất cho tiền gửi USD ở Việt Nam có thể áp dụng như sau: tiền gửi cho đến 6 tháng là 0,5%/năm, cho đến 12 tháng là 0,75%/năm và từ 1 năm trở lên là 1%/năm”.

Ông Hiếu dự báo, bỏ quy định trả lãi suất 0% cho tiền gửi USD có thể bất lợi cho chính sách tỷ giá của NHNN và cho chủ trương chống đô la hóa, chênh lệch lãi suất cho tiền gửi USD và VND có thể bị thu hẹp và kích thích người gửi tiền giữ USD và dịch chuyển tiền tiết kiệm bằng VND sang tiết kiệm USD.

Để đối phó với những bất lợi này và duy trì sự ổn định VND, NHNN cần tăng dự trữ ngoại hối để có khả năng can thiệp thị trường khi cần thiết, đồng thời cho phép các ngân hàng ứng xử linh hoạt cho lãi suất VND để ngăn chặn hiện tượng chuyển dịch dòng vốn VND sang tiết kiệm USD. Bởi điều này chắc chắn ảnh hưởng đến chủ trương của chính phủ là hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

“Đi tìm sự cân bằng giữa nhu cầu tăng cường dòng vốn ngoại tệ và duy trì sự ổn định tiền đồng, tạo đà phát triển kinh tế trong bền vững vẫn luôn là bài toán đau đầu của các nhà hoạch định chính sách và quản lý, nhất là khi đã bước sang năm 2017, một năm dự báo có nhiều biến động khôn lường trong nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam”, ông Hiếu nói.              

Tin bài liên quan