Vốn ngân hàng vẫn được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế

Vốn ngân hàng vẫn được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế

Cần lưu tâm hơn đối với cơ chế “chuyển tải” chính sách tiền tệ

(ĐTCK) Để “cơ chế chuyển tải” chính sách tiền tệ hiệu quả hơn, qua đó hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế mạnh mẽ hơn đòi hỏi cải tổ quan trọng từ chính hệ thống ngân hàng.

Trong buổi chia sẻ Báo cáo dự báo tình hình kinh tế khu vực châu Á -Thái Bình Dương mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cuối tuần trước tại Hà Nội, ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam chia sẻ nhận định rằng, một chính sách tiền tệ được ban hành sẽ phát huy hiệu quả đến mức độ nào đối với nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc, thiết kế của hệ thống ngân hàng của nước đó.

Trong ngành tài chính ngân hàng có khái niệm “cơ chế chuyển tải” của chính sách tiền tệ, nếu những nước có hệ thống ngân hàng tốt, hoạt động hiệu quả, chính sách tiền tệ chuyển tải rất nhanh và ngược lại

Ông Sanjay cho biết, ngay tại châu Âu vẫn có tình trạng này thể hiện ở việc châu Âu đang thay đổi chính sách lãi suất, nhưng lãi suất thực tế của các ngân hàng thương mại không thay đổi, khiến tác động của ngân hàng trung ương không có mấy rõ rệt đến nền kinh tế.

 “Quốc gia nào muốn cải thiện nền kinh tế thông qua chính sách tiền tệ cần phải chú ý hơn nữa tới cải thiện khu vực ngân hàng làm sao để việc chuyển tải chính sách tiền tệ nhanh chóng và hiệu quả nhất”, ông Sanjay nói.

Không phải ngẫu nhiên vị Trưởng đại diện IMF lại đề cập câu chuyện “cơ chế chuyển tải” bởi điều này được IMF coi là một điểm quan trọng cần lưu ý với Việt Nam. Thực tế trong điều kiện thị trường vốn chưa thực sự phát triển, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng. Hệ thống này vẫn được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống trung gian tài chính.

Hệ thống chuyển tải này của Việt Nam trên thực tế được coi là “vận hành khá tốt”. Minh chứng rõ nét nhất là thông qua việc giảm trần lãi suất huy động và các mức lãi suất chính sách, NHNN Việt Nam đã kéo giảm lãi suất huy động từ khoảng 20%/năm trong năm 2011 xuống chỉ còn khoảng 5 - 7%/năm (tùy kỳ hạn) như hiện nay, qua đó tạo điều kiện cho các NHTM hạ thấp lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển tải chính sách tiền tệ tại Việt Nam không phải lúc nào cũng được "xuôi chèo mát mái" mà nhiều khi NHNN phải dùng đến "mệnh lệnh hành chính". Việc NHNN phải sử dụng trần lãi suất với các chế tài nghiêm khắc là một ví dụ. Nguyên nhân của vấn đề này, theo một chuyên gia ngân hàng là do hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện phát triển không đồng đều, cả về quy mô lẫn chất lượng hoạt động.

Sự bùng nổ hoạt động cả về quy mô và mức độ đa dạng của hệ thống ngân hàng trong thời gian trước đây tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ lớn tác động đến sự an toàn và lành mạnh của cả hệ thống. Đặc biệt, từ năm 2011, hệ thống ngân hàng bắt đầu bộc lộ nhiều dấu hiệu căng thẳng và tích tụ những yếu tố dễ bị tổn thương, nợ xấu có xu hướng tăng mạnh sau một quá trình tăng mạnh tốc độ mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, cùng với những yếu kém của khu vực doanh nghiệp, khu vực bất động sản và tình trạng suy giảm chung của nền kinh tế.

“Mặc dù tốc độ tăng trưởng hiện tại của khu vực (trong đó có Việt Nam) là tốt so với các nền kinh tế khác trên thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong tương lai thì ngày càng đi xuống. Chính vì vậy, để đảm bảo một tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong tương lai tốt cần phải có những cải cách về cơ cấu”, ông Sanjay chia sẻ.

Tin bài liên quan