Cần có cơ chế đặc thù để xử lý 3 ngân hàng được mua lại

(ĐTCK) Chia sẻ với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng 2018, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, để xử lý rốt ráo 3 ngân hàng 0 đồng cần phải có một cơ chế đặc thù. Đặc biệt, cần phải có quy định miễn trách nhiệm pháp lý cho các cán bộ tham gia vào quá trình xử lý ngân hàng yếu kém. Nếu không, giải pháp tốt nhất là nên bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài để họ xử lý. 

Câu chuyện mua lại ngân hàng “nóng” lên sau vụ xử OceanBank gần đây. Ông đánh giá thế nào về 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại thời gian trước?

Qua theo dõi, thanh khoản 3 ngân hàng này đã có sự ổn định sau khi được NHNN hỗ trợ. Không có hiện tượng rút tiền ồ ạt và đã lấy lại được niềm tin của khách hàng, thể hiện qua việc khách hàng tiếp tục gửi tiền vào các ngân hàng này. Theo đó, các ngân hàng đã quay trở lại hoạt động bình thường.

Cần có cơ chế đặc thù để xử lý 3 ngân hàng được mua lại ảnh 1

 TS. Lê Xuân Nghĩa

Theo thông tin tôi được biết, trong số 3 ngân hàng này, đã có ngân hàng có lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng rủi ro. Điều này còn cho thấy, từ ngày được tái cấu trúc đến nay, 3 ngân hàng đã kiểm soát được nợ xấu phát sinh mới theo chỉ đạo của NHNN.

Thực tế, sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng này khá tốt, phát triển cho vay tiêu dùng với một số sản phẩm cho vay mua nhà, ô tô… có kết quả cao. Tuy nhiên, khả năng phát triển sản phẩm rộng hơn đối với 3 ngân hàng là không dễ vì đang nằm trong diện kiềm tỏa của NHNN với tốc độ tăng trưởng tín dụng bị khống chế.

Đặc biệt, hệ thống quản trị hiện tại có tính chất chắp vá, bởi ngân hàng là của một người, nhưng do người khác quản lý, nên sự gắn kết quyền lợi và trách nhiệm bị hạn chế. Nhân sự quản lý đứng trước khó khăn lớn là không có quyền quyết định gì về tài sản, kể cả bán tài sản để xử lý nợ, nhưng lại phải chịu trách nhiệm về hoạt động của ngân hàng, nên rủi ro về mặt pháp lý là rất lớn. Điều này hạn chế khả năng xử lý nợ xấu, khả năng phát triển sản phẩm, chấn chỉnh căn bản tổ chức để ổn định dần hoạt động của ngân hàng.

Vậy theo ông, đâu là bất cập lớn nhất trong việc tái cơ cấu các ngân hàng này?

Nhìn chung, các ngân hàng này đều có một tổ giám sát đặc biệt, nhưng tổ giám sát này lại không phải là tổ có quyền tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc tổ chức nhân sự, các đơn vị nghiệp vụ, đặc biệt là đơn vị về quản lý rủi ro và thu hồi nợ; không có quyền tái cấu trúc tài sản, bán tài sản nợ, bán cổ phần cho nhà đầu tư mới…, mà chỉ làm mỗi nhiệm vụ thu thập, thông tin, có điểm gì sai trái thì ngăn cản và báo cáo.

Bên cạnh đó, cũng không có một tổ tái cấu trúc nào có chức năng rõ ràng và được bảo hộ bởi Ngân hàng Trung ương. Đây là khâu bí nhất trong việc tái cấu trúc lại các ngân hàng thương mại Việt Nam. 

Ngoài những điều trên, còn có những bất cập nào nữa về cơ chế, thưa ông?

Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng tái cơ cấu này và đặc biệt là quy định liên quan đến tái cấu trúc tài sản và giám sát tài chính. Tuy nhiên, để thực thi được cần phải có bộ máy quản lý có trách nhiệm và quyền lực thực sự, mà không phải lo ngại những rủi ro về mặt pháp lý liên quan đến việc xử lý các ngân hàng yếu kém này.

Vấn đề này mặc dù NHNN đã đưa ra, nhưng chưa có hướng xử lý rõ ràng, nên đội ngũ quản lý hiện tại chưa phát huy được tối đa tác dụng.

Hoạt động tại 3 ngân hàng 0 đồng đã tương đối ổn định 

Ví dụ, có trường hợp cán bộ tín dụng ngân hàng lợi dụng ngân hàng đang rối ren, bắt tay với khách hàng. Theo đó, giá trị tài sản đáng giá chỉ 1 tỷ đồng, nhưng định giá thành 6 tỷ đồng, rồi cho khách hàng vay 3 tỷ đồng. Thực tế, tiền giải ngân từ ngân hàng ra, khách hàng và nhân viên tín dụng ngân hàng chia nhau. Đến khi không trả được nợ, nhân viên tín dụng thì nghỉ việc, ngân hàng đến siết nợ thì mới "té ngửa" giá trị tài sản đảm bảo không đến 6 tỷ đồng.

Vì vậy, theo tôi, cần phải có những cơ chế trong trường hợp này như: Khoanh nợ để tính sau, để cán bộ cho niêm phong tài sản, phát mại để bán, thu hồi vốn, còn khoảng chênh lệch cứ để đó chứ không quy trách nhiệm làm thất thoát, bởi nếu cứ để như vậy còn thất thoát lớn hơn.

Hay như, tài sản đảm bảo của một ngân hàng yếu tôi được biết không thu hồi được, chủ nhà tiếp tục đem cho thuê 10 năm nay, mỗi năm cho thuê thu về khoảng 5-6 tỷ đồng, đủ để trả toàn bộ nợ, thế nhưng ngân hàng vẫn không thu về được đồng nào.

Nếu thu hồi về rồi đem bán cũng được thêm khoảng 50 tỷ đồng, bằng đúng khoản vay nợ tại ngân hàng, nhưng điều này cũng không làm được. Vì cứ để vậy thì ngân hàng vẫn hạch toán là có lãi dự thu, nhưng bán đi lại trở thành khoản lỗ.

Rõ ràng là cần một cơ chế đặc thù xử lý nợ gắn liền với câu chuyện lãi dự thu, một cơ chế rõ ràng để người có trách nhiệm có quyền xử lý. Vì vậy, khả năng xử lý nhanh của 3 ngân hàng được mua lại là khó.

Để có thể xử lý được những bất cập này, ông có đề xuất gì?

Theo tôi, nên tìm một ngân hàng khác, có nguồn tiền rõ ràng để sáp nhập vào. Hoặc gộp 3 ngân hàng thành 1, thiết lập 1 hội đồng quản lý mới để điều hành, với những cơ chế đặc thù trong thời hạn nhất định.

Đó cũng chính là lý do trong Dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu, NHNN muốn đưa vấn đề miễn trừ trách nhiệm cho cán bộ tham gia vào quá trình xử lý ngân hàng yếu kém, bởi để xử lý những ngân hàng này cần phải có hành động rất quyết liệt. Việc miễn trừ trách nhiệm với điều kiện là người tham gia hành động cẩn trọng, hết trách nhiệm của mình, kết quả là khách quan. Điều khoản này sẽ giúp miễn trừ trách nhiệm về hình sự, dân sự đã được đưa vào dự thảo của Luật Các TCTD, nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng tình và nhất trí của các đại biểu Quốc hội.

 Cần có cơ chế “bảo hiểm” cho các cán bộ tham gia xử lý ngân hàng 0 đồng

Đây là điều cần phải quan tâm, bởi tại các quốc gia khác trên thế giới, để tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, họ trực tiếp đưa người của ủy ban giám sát tài chính vào như Hàn Quốc, hành động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cơ quan này, nên những cán bộ tham gia xử lý ngân hàng yếu kém không có điều gì lo ngại.

Những người này có quyền quyết định nhanh chóng bán tài sản để thu hồi nợ, hoặc bán bớt chi nhánh hay mảng, lĩnh vực kinh doanh để tái cơ cấu, cũng như việc toàn quyền quyết định khoản nợ nào phải thu hồi, tái cơ cấu, khoản nợ nào được xóa.

Tuy nhiên, Việt Nam không có cơ chế này nên hoạt động rất khó khăn.

Vậy các ngân hàng yếu kém này là cơ hội dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?

Nếu Việt Nam không có cơ chế xử lý những ngân hàng yếu kém một cách nhanh chóng, đặc biệt là cơ chế quản lý, thì tốt nhất là nên bán cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn để họ toàn quyền xử lý.

Tôi cho rằng, NHNN đang không gặp bất cứ khó khăn nào để xử lý 3 ngân hàng yếu kém đã mua lại 0 đồng. Tuy nhiên, vấn đề là phải có cơ chế để xử lý những ngân hàng này. Thực tế, có một số nhà đầu tư nước ngoài muốn mua những ngân hàng này, nhưng đang gặp nhiều vướng mắc như: Các nhà đầu tư đó có được phép mua từ 51-100% ngân hàng không? Nhà đầu tư nước ngoài có thể là tổ chức tài chính phi ngân hàng (như quỹ tài chính, công ty bảo hiểm, ngân hàng đầu tư) được không?

Các tổ chức này có nhất thiết phải đảm bảo tổng tài sản từ 20 tỷ USD trở lên không hay ở một mức thấp hơn, nhưng đủ sức tái cơ cấu lại ngân hàng Việt Nam…, đặc biệt là bán ngân hàng với giá nào cho hợp lý? Tất cả đều chưa có phương án khả dĩ.

Bên cạnh đó, còn là hàng loạt quy định liên quan tới ngân hàng yếu kém, chẳng hạn: Khi nhà đầu tư muốn mua lại ngân hàng yếu kém thì muốn những ngân hàng này được hoạt động một cách bình thường, rồi tìm cách tái cấu trúc dần.

Không có chuyện không có cách nào để xử lý 3 ngân hàng này, cũng như các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam và cũng không cần quỹ nào cả. Vấn đề hiện nay chỉ là Chính phủ, NHNN muốn có tiền thật, vì thế, đây là cơ hội dành cho các nhà đầu tư nước ngoài - những đối tượng có tiền thật và không phải kiểm tra xem tiền ấy chạy vòng vèo từ đâu.

Tin bài liên quan