Thời gian qua, không nhiều ngân hàng thực hiện việc giảm tỷ lệ sở hữu, cũng như thoái vốn tại các TCTD khác theo đúng lộ trình

Thời gian qua, không nhiều ngân hàng thực hiện việc giảm tỷ lệ sở hữu, cũng như thoái vốn tại các TCTD khác theo đúng lộ trình

Cấm cho vay vốn để thâu tóm ngân hàng

(ĐTCK) Tại dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu vừa được công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, sẽ tiếp tục xử lý quyết liệt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Theo NHNN, trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng để góp vốn mua cổ phần cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng sở hữu chéo. Điều này không phản ánh thực chất cơ cấu, năng lực cổ đông tại các TCTD và tiềm ẩn rủi ro lớn.

Vì vậy, NHNN cho biết, sẽ quy định khắt khe hơn nữa đối với người mua cổ phần và tham gia điều hành ngân hàng để hạn chế rủi ro, chẳng hạn cổ đông lớn ngân hàng sẽ phải chứng minh nguồn tiền mua cổ phiếu.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch của ngành ngân hàng năm 2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng cho rằng, cần phải có những quy định rõ ràng để ngăn ngừa việc thao túng, sử dụng tài sản của ngân hàng cho một nhóm công ty liên quan, có như vậy hệ thống ngân hàng mới lành mạnh, an toàn và bền vững hơn.

Thông điệp trên được đưa ra trong bối cảnh quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu, cũng như thoái vốn tại các tổ chức tín dụng đã rõ ràng, cụ thể là tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN (trước đó là Thông tư 36/2014/TT-NHNN), nhưng chỉ có một vài trường hợp thoái được vốn sau khi tiến hành sáp nhập, hay mua lại các công ty tài chính (công ty con trực thuộc ngân hàng) của chính những đơn vị mà các ngân hàng đang giữ vốn.

Đơn cử, Maritime Bank sáp nhập cả MDBank và Công ty Tài chính cổ phần Dệt may, hai đơn vị mà Maritime Bank đang sở hữu 10% và 11% cổ phần, đồng thời Maritime Bank đã thoái bớt vốn tại Ngân hàng MB và hiện còn nắm dưới 5% vốn từ mức 8,96% trước đó; VietinBank thoái vốn tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn; SouthernBank sáp nhập vào Sacombank, MHB sáp nhập vào BIDV để hợp thức hóa sở hữu của cổ đông lớn...

Trong khi đó, hiện còn không ít ngân hàng đứng trước khả năng không thể thoái vốn theo quy định. Chẳng hạn, Vietcombank đang sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính, trong đó 3 trên 5 tổ chức có tỷ lệ sở hữu vượt 5%.

Cụ thể, Vietcombank nắm hơn 7% cổ phần MB; 8,24% cổ phần Eximbank và 5,07% tại OCB và 4,37% của Saigonbank. Tuy nhiên, NHNN cho phép Vietcombank giữ nguyên tỷ lệ tại MB, vì đây là ngân hàng hoạt động hiệu quả, do đó, Vietcombank sẽ phải nghiên cứu và chỉ giữ lại cổ phần ở 1 ngân hàng trong số còn lại.

Eximbank cũng chưa thoái 8,76% vốn đang nắm giữ tại Sacombank theo kế hoạch trước đó. Trước đó, tháng 4/2016, MobiFone đăng ký bán toàn bộ cổ phần nắm giữ tại SeABank và TPBank, nhưng chỉ TPBank thu hút được 6 nhà đầu tư đăng ký mua 8,7 triệu cổ phần. VNPT là đơn vị viễn thông chưa thoái vốn khỏi Maritime Bank...

Vấn đề sở hữu chéo tại hệ thống ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm của thị trường, cũng như cổ đông ngân hàng. Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu của NHNN cho thấy, vẫn còn tình trạng tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của TCTD.

Trong khi đó, trên thực tế, “tử huyệt” của ngành ngân hàng không chỉ nằm ở những ngân hàng yếu kém, mà còn ở nhiều vấn đề khác như sở hữu chéo, vốn ảo… Theo các chuyên gia tài chính, đây là những nguyên nhân hàng đầu gây mất an toàn hệ thống, nên quy định trong Luật Các TCTD cần phải cụ thể và khắt khe hơn.

Tuy nhiên, theo TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, có nhiều khó khăn dẫn tới việc các ngân hàng gặp trở ngại trong việc xử lý dứt điểm sở hữu chéo, chẳng hạn như vấn đề định giá lại giá trị của cổ phiếu ngân hàng… 

Điều 20 của Thông tư 36 quy định giới hạn về việc ngân hàng thương mại mua và nắm giữ cổ phần của các TCTD khác. Theo đó, NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng thương mại tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng.

Theo lộ trình, các ngân hàng thương mại đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm. Trước ngày 1/2/2016, các ngân hàng phải xây dựng phương án xử lý, biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc giảm tỷ lệ sở hữu cũng như thoái vốn tại các ngân hàng theo quy định chưa được thực hiện triệt để.

Tin bài liên quan