Trong đó, 60% nợ xấu được các tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý bằng thu hồi tiền mặt, phát mãi tài sản và chủ yếu tăng trích dự phòng rủi ro. Đây cũng là lý do khiến lợi nhuận nhà băng sụt giảm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 30/9, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu của các TCTD đạt 91.314 tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 82.155 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm là mua 80.000 tỷ đồng nợ xấu trên sổ sách trong năm 2015.
Trong công tác thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo, VAMC đã chủ động phối hợp với các TCTD để cùng tổ chức thực hiện hoặc ủy quyền thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo. Vì vậy, cùng với sự hồi phục nền kinh tế và thị trường bất động sản ấm lên, trong hơn 9 tháng qua, VAMC đã thu hồi nợ, bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt tổng giá trị 9.827 tỷ đồng, hơn gấp đôi số nợ thu hồi được trong năm 2014. Tổng cộng, số nợ đã thu hồi được từ năm 2013 đến nay là 14.847 tỷ đồng.
Trong khi đó, tính đến nay, VAMC đã “gom” về tổng cộng khoảng 224.869 tỷ đồng nợ xấu trên sổ sách từ hệ thống TCTD. Như vậy, với tổng nợ xấu VAMC đã gom từ các TCTD nếu trừ đi phần tự xử lý gần 15.000 tỷ đồng, thì khoản dự phòng các TCTD phải trích vẫn hơn 44.000 tỷ đồng (nếu tính theo tỷ lệ trích dự phòng 20% trái phiếu đặc biệt).
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tổng nợ xấu các NHTM trên địa bàn Thành phố đã bán cho VAMC trong 8 tháng đầu năm nay là 21.400 tỷ đồng so với tổng chỉ tiêu nợ xấu phải bán cho VAMC được NHNN giao là 22.200 tỷ đồng, hoàn thành 96,7%.
Nợ xấu tự xử lý của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố tính từ đầu năm đến nay là 5.731 tỷ đồng, so với chỉ tiêu NHNN phân giao là 3.100 tỷ đồng, đạt 182%. Tuy nhiên, theo ông Minh, nợ xấu tự xử lý của các ngân hàng vẫn chủ yếu từ tăng trích dự phòng rủi ro.
Phần thu nợ bằng tiền mặt có cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khăn do sức khỏe doanh nghiệp chưa thực sự hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng. Bên cạnh đó, quá trình phát mãi tài sản chưa như kỳ vọng dù thị trường bất động sản đang có tín hiệu khởi sắc hơn.
Vì vậy, với những ngân hàng đã bán nợ xấu lớn cho VAMC khó có thể kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận, nhất là với những nhà băng đang trong giai đoạn tái cấu trúc như SCB, VietA Bank...
Năm 2014, Eximbank đã bán 4.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. 6 tháng đầu năm 2015, Eximbank bán tiếp gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu và kế hoạch từ nay đến hết năm, Ngân hàng sẽ bán hơn 500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.
Đây cũng chính là lý do khiến lợi nhuận của Eximbank giảm trong quý II, khi tăng khoản trích lập dự phòng cho khoản nợ đã bán. Theo lãnh đạo nhà băng này, mục tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay cũng là áp lực lớn đối với Ngân hàng.
Trong gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2014, Eximbank đã xử lý thu hồi được khoảng 500 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2015, sẽ xử lý thu hồi khoảng 2.000 tỷ đồng nợ xấu.
SCB đã xử lý thu hồi được khoảng 700 - 800 tỷ đồng nợ xấu trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng kỳ vọng sẽ xử lý thu hồi được 2.500 tỷ đồng nợ xấu năm nay so với kế hoạch 1.600 tỷ đồng đưa ra. Tuy nhiên, với tình hình thị trường hiện nay, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng khó có thể đẩy nhanh.
Kinh nghiệm tại nhiều nước, để xử lý nợ xấu, trước tiên, các ngân hàng phải tự lực xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu thông qua công ty xử lý nợ của ngân hàng. Thứ hai là xử lý nợ xấu thông qua VAMC.
Hiện Việt Nam đã có VAMC, nhưng VAMC vẫn còn hạn chế về quyền lực. Với Thông tư 14/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC vừa được NHNN ban hành sẽ có thêm lựa chọn và lợi ích mới trong xử lý nợ xấu. Theo đó, trái phiếu VAMC phát hành dùng để thanh toán cho TCTD bán lại nợ xấu, được chuyển nhượng giữa NHNN với các TCTD và giữa các TCTD với nhau.
Sau khi bán lại nợ xấu và TCTD sở hữu trái phiếu thì không phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đó. Ngoài ra, các TCTD được xác định hệ số rủi ro của trái phiếu là 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong khi với trái phiếu đặc biệt là 20%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tiền tệ, quan trọng hơn vẫn cần thiết lập thị trường mua - bán nợ, để giải quyết tận gốc nợ xấu ngành ngân hàng, còn không vẫn phải tăng trích lập dự phòng.