Lãi suất trần phải đảm bảo tính linh hoạt, có thể sửa đổi, bổ sung kịp thời trước những biến động kinh tế - xã hội

Lãi suất trần phải đảm bảo tính linh hoạt, có thể sửa đổi, bổ sung kịp thời trước những biến động kinh tế - xã hội

Cách quy định lãi suất trần phải bảo đảm tính linh hoạt

(ĐTCK) “Bộ Luật dân sự (BLDS) cần bảo đảm được tính linh hoạt trong điều chỉnh lãi suất, nhất là khi áp dụng lãi suất cố định trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội của nước ta phát triển chưa thực sự ổn định, bền vững”. 

Đây là quan điểm của ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp chia sẻ với ĐTCK xung quanh câu chuyện trần lãi suất. 

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện BLDS vẫn quy định về trần lãi suất là không còn phù hợp với thực tiễn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, việc quy định về trần lãi suất trong luật là cần thiết. Điều này không chỉ có riêng ở Việt Nam mà còn khá phổ biến trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới. Có nhiều lý do để nhà làm luật các quốc gia quy định mức lãi suất này, nhưng tựu chung là, dựa trên cơ sở trần lãi suất, nhà nước có thể điều tiết thị trường vay trong trường hợp cần có sự ổn định của kinh tế - xã hội. Mặt khác, quy định này còn có thể giúp định hướng chuẩn mực ứng xử trong các quan hệ cho vay, thực hiện chính sách cấm hoặc hạn chế việc cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên vấn đề quan trọng cần bàn đến là quy định mức lãi suất trần như thế nào là hợp lý. Theo đó, việc quy định lãi suất trần cần có hai điều kiện cơ bản:

Thứ nhất, bảo đảm không biến lãi suất trần trở thành công cụ pháp lý để hành chính hóa quan hệ dân sự, mà là xây dựng chuẩn mực pháp lý để các bên trong hợp đồng vay căn cứ vào đó thỏa thuận về lãi và lãi suất cho phù hợp, bảo đảm hai bên cùng có lợi.

Thứ hai, lãi suất trần phải bảo đảm tính linh hoạt, có thể được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu của những biến động về kinh tế - xã hội. 

Cách quy định lãi suất trần phải bảo đảm tính linh hoạt ảnh 1

Ông Nguyễn Hồng Hải
 

Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất nên để các bên tự cân đối, tiến hành thỏa thuận phù hợp với cung-cầu... Liệu có phải vẫn còn những quan ngại về "tín dụng đen", "lãi suất cắt cổ" khiến việc "cởi trói" trần trở nên khó khăn?

Tự do thỏa thuận, tự do định đoạt là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự trong nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường, nhưng điều đó không có nghĩa là Nhà nước “thả nổi”, vô can trước những rủi ro pháp lý mà các chủ thể phải gánh chịu khi tham gia quan hệ dân sự.

Những quan ngại như đề cập ở trên cũng có cơ sở thực tiễn, đó là trong giao lưu dân sự ở nước ta, cũng như ở nhiều quốc gia khác, vì những tác động khách quan, chủ quan khác nhau mà không thiếu các trường hợp một chủ thể phải chấp nhận đi vay với lãi suất rất cao, dẫn đến bên cho vay được hưởng lợi ích quá lớn, không bảo đảm tính hợp lý, lẽ công bằng đối với bên vay.

Có nhiều giải pháp cho vấn đề này, chẳng hạn Nhà nước bằng các giải pháp pháp lý, kinh tế - xã hội để các cá nhân, tổ chức có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vay hợp lý với mình hơn; áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự để truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể lạm dụng sự khó khăn, yếu thế của chủ thể khác để trục lợi và việc BLDS quy định lãi suất trần có tính linh hoạt cao cũng là giải pháp cần được cân nhắc. 

Tuy nhiên, có vấn đề là lãi suất thỏa thuận dựa trên cơ sở thương mại thuộc về Luật Dân sự, Luật Thương mại…vậy Bộ Tư pháp đã có động thái gì để luật theo kịp với thị trường?

Về vấn đề này, một trong những mục tiêu, quan điểm cơ bản khi sửa đổi BLDS lần này là xây dựng BLDS trở thành luật của nền kinh tế thị trường, bảo vệ bên thiện chí, ngay tình và yếu thế trong quan hệ dân sự.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, Cơ quan soạn thảo đã có cách tiếp cận theo hướng, quy định một lãi suất trần dựa trên lãi suất tham chiếu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố công khai, minh bạch; người dân có thể dễ dàng có thông tin về lãi suất tham chiếu đó và bảo đảm tính linh hoạt cao khi có sự biến động của phát triển kinh tế - xã hội.

Tính linh hoạt này thể hiện ở hai khía cạnh, khi có sự biến động của phát triển kinh tế - xã hội thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh lãi suất tham chiếu cho phù hợp dẫn tới lãi suất trần cũng được điều chỉnh và trong quan hệ dân sự đặc thù cần áp dụng lãi suất trần phù hợp hơn thì luật chuyên ngành sẽ quy định một lãi suất trần riêng phù hợp với đặc thù của quan hệ dân sự đó.

Có quan điểm cho rằng, vì một lý do nào đó, trong ngắn hạn buộc phải áp trần và tỷ lệ 15% hoặc 20%/năm là mức tham khảo để kiểm soát cho vay nặng lãi. Quan điểm của ông như thế nào?

Cách quy định lãi suất trần theo cách tiếp cận nào cũng đều có những ưu và nhược điểm riêng. Do đó, bên cạnh việc nhà làm luật cần lựa chọn cách tiếp cận nào có thể giảm nhiều chi phí hoặc rủi ro nhất cho người dân thì cũng cần phải bảo đảm tính linh hoạt về điều chỉnh lãi suất, nhất là khi áp dụng một lãi suất cố định.

Chẳng hạn, không được vượt quá 15% hay 20%/năm của khoản tiền vay trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội của nước ta phát triển còn chưa thực sự ổn định, bền vững.

Ở những nước đã có nền kinh tế - xã hội phát triển, ổn định, bền vững thì việc họ quy định mức lãi suất cố định thường có tính khả thi cao.

Tin bài liên quan