Các ngân hàng không có nhiều lựa chọn

Các ngân hàng không có nhiều lựa chọn

(ĐTCK) Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) cho rằng, các ngân hàng sẽ không có nhiều lựa chọn trong hoàn cảnh hiện nay, khi vẫn phải tăng trưởng tín dụng cho nhóm khách hàng để tạo lợi nhuận, mặt khác phải nâng cao quản trị rủi ro và làm “sạch” sổ sách.

Nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng Việt Nam khá bối rối trước việc khó cho DN vay trong khi nguồn vốn dư thừa. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?

Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 8/2014 ở mức 5,85% so với cuối năm 2013 là một mức tăng trưởng chấp nhận được, chứ không quá thấp. Nhìn lại 5 năm gần đây, chỉ có năm 2009 có tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đầu năm là 2 con số, chủ yếu do nền kinh tế trong nước và thế giới bật dậy nhanh ngay sau năm khủng hoảng sâu sắc 2008.

Còn trong 4 năm còn lại, tốc độ tăng trưởng tín dụng của 8 tháng đầu năm nay chỉ thua cùng kỳ năm ngoái vào khoảng 0,63% (5,82% so với 6,45%). Thêm vào đó, đặc thù của tín dụng là cuối quý III và quý IV có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm. Do đó, không loại trừ khả năng năm nay hệ thống ngân hàng sẽ chạm đến mức tăng trưởng tín dụng 12% như NHNN đã đề ra.

Hiện các ngân hàng đang rất muốn đưa vốn vào nền kinh tế để dòng tiền được lưu thông. Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ tập trung vào những khách hàng vay vốn có chất lượng tín dụng tốt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn còn gặp khó khăn, vì lo ngại nợ xấu tăng cao.

Thực tế cho thấy, hiện có hai nhóm khách hàng. Nhóm 1 bao gồm các khách hàng có chất lượng tín dụng tốt, được các ngân hàng chào mời vay vốn rất quyết liệt, tuy nhiên các DN này vay rất thận trọng, phù hợp với nhu cầu vốn vay thực tế của DN. Nhóm 2 gồm các DN có sức khỏe tài chính chưa mạnh có nhu cầu vay lớn, nhưng các ngân hàng ngần ngại không dám cho vay. Để khơi thông được dòng vốn cho nhóm thứ hai, các DN cần phải đảm bảo thông tin tài chính minh bạch, có báo cáo kiểm toán của các công ty kiểm toán có uy tín và chứng minh khả năng trả được nợ.

Đặc thù của tín dụng là cuối quý III và quý IV có tốc độ tăng trưởng cao   

Một số ngân hàng có động thái hạ chuẩn cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, NHNN phần nào khuyến khích việc cho vay tín chấp so với trước kia. Ông có bình luận gì về hai động thái trên?

Thống đốc NHNN đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng trong buổi họp với các ngân hàng hồi giữa năm nay là các ngân hàng cần quyết liệt đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhưng nhất quyết không được hạ chuẩn tín dụng. Bản thân việc cho vay tín chấp không đồng nghĩa với việc hạ chuẩn tín dụng.

Khi cho vay tín chấp, các ngân hàng phải tìm hiểu rất kỹ về sức khỏe tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng. Các ngân hàng khi đó sẽ thận trọng hơn so với cho vay thế chấp và tập trung vào các khách hàng có chất lượng tín dụng tốt. Như vậy, về thực chất, các ngân hàng đang nâng chuẩn tín dụng để cho vay tín chấp và tránh rơi vào trường hợp nghiệp vụ chính của ngân hàng là xử lý tài sản thế chấp.

Một số DN tốt tranh thủ vay tiền kỳ hạn ngắn tại ngân hàng A rồi mang sang ngân hàng B gửi tiết kiệm lấy lợi nhuận. Theo ông, hiện tượng này có rủi ro gì đối với hệ thống, nền kinh tế?

Các DN cần lưu ý về rủi ro lãi suất khi các DN vay ngắn hạn và gửi dài hạn. Nếu lãi suất ngắn hạn tăng trong tương lai, bản thân DN sẽ chịu rủi ro. Ngoài ra, các DN cũng cần lưu ý đến rủi ro khi gửi tiền ở các ngân hàng khác nhau. Chênh lệch lãi suất gửi tiền tại các ngân hàng khác nhau cũng phản ánh một phần sức mạnh tài chính của các ngân hàng.

Việc cho vay khó khăn, nợ xấu tăng cao do thực hiện Thông tư 09/2004/TT-NHNN của NHNN đang được nhìn nhận sẽ làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng. Theo ông, các ngân hàng nên làm gì để lợi nhuận khả quan hơn vào cuối năm?

Việc xử lý nợ xấu luôn đòi hỏi nhiều thời gian và các giải pháp đồng bộ từ nhiều bộ, ngành. Ví dụ, để xử lý những khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản, cơ chế mua bán nợ và những thủ tục pháp lý liên quan đến bất động sản và tài sản đảm bảo phải được đơn giản hóa. Bản thân VAMC cũng cần được trang bị một nguồn vốn lớn để có thể chủ động thúc đẩy tiến độ mua bán nợ xấu.

Việc áp dụng quy định mới về trích lập dự phòng của NHNN chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các NHTM. Tuy nhiên, đây là nền tảng trong việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ở các NHTM, cũng như góp phần tạo ra một hệ thống đánh giá rủi ro tín dụng bài bản.

Theo tôi, trong bối cảnh cầu tín dụng vẫn còn khó khăn, các ngân hàng sẽ cạnh tranh quyết liệt trong việc cung ứng vốn với giá cạnh tranh cho các khách hàng có chất lượng tín dụng tốt. Do đó, lợi nhuận biên của các khoản vay này sẽ giảm. Để tăng lợi nhuận, các ngân hàng có thể xem xét tăng thêm dư nợ tín dụng với nhóm khách hàng có chất lượng tín dụng tốt, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, tăng thu nhập từ phí, tập trung vào các mảng thị trường chưa có nhiều ngân hàng khai thác (ví dụ cho vay các dự án nông nghiệp có đảm bảo đầu ra, cho vay cho nhà cung cấp hoặc nhà phân phối của các DN lớn…).

VAMC được cho là đang bế tắc trong hoạt động. Ông có khuyến nghị giải pháp nào tháo gỡ?

VAMC đã được thành lập gần 1 năm và mua được một lượng lớn nợ xấu từ các NHTM. Tuy nhiên, VAMC hầu như vẫn chưa bán được nợ xấu ra thị trường, đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài do vướng một số quy định về người nước ngoài không được sở hữu bất động sản, trong khi tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu đa phần là bất động sản. Ngoài ra, giá bán nợ xấu ra thị trường cũng là vấn đề vướng mắc, do đa phần các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng vào giá được chiết khấu nhiều, trong khi VAMC chưa muốn bán ở mức giá đó.

Cách xử lý nợ xấu thông qua VAMC cũng rất đặc biệt. Theo kinh nghiệm các nước, chính phủ các nước này chi từ 10 - 30% GDP để xử lý nợ xấu. Trong khi đó, VAMC có ít vốn và mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt. Cách làm này sẽ không xử lý dứt điểm được nợ xấu, trừ phi VAMC bán được nợ xấu ra thị trường.

Ðể đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, không nên chỉ trông chờ vào VAMC. Việc áp dụng đầy đủ các yêu cầu của Thông tư 02/2013/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 09/2014) sẽ tạo áp lực phải đẩy mạnh giải quyết nợ xấu. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, cách giải quyết nợ xấu tốt nhất là đối diện với thực tế nợ xấu và giải quyết nó.

Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong tình thế "khó", khi vừa phải tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn phải quyết liệt thực hiện các biện pháp quản trị rủi ro. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Các ngân hàng sẽ không có nhiều lựa chọn trong hoàn cảnh hiện nay, khi vẫn phải tăng trưởng tín dụng cho nhóm khách hàng để tạo lợi nhuận, mặt khác phải nâng cao quản trị rủi ro và làm “sạch” sổ sách. Thực ra, hai chiến lược này hoàn toàn không trái ngược nhau, mà mang tính tương hỗ rất nhiều. Về xu hướng, các ngân hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nhóm khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh. Chính điều này sẽ giúp cho ngân hàng từng bước nâng cao chất lượng tín dụng và quản trị rủi ro tốt hơn.

NHNN có thể xem xét các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ngân hàng lành mạnh hóa tình hình tài chính, có các biện pháp kiểm soát rủi ro tốt. Điều này sẽ khuyến khích các ngân hàng ngày càng nâng cao năng lực quản trị rủi ro và chuẩn mực kinh doanh.

Tin bài liên quan