Các ngân hàng đã sẵn sàng phương án cung ứng tiền Tết

Các ngân hàng đã sẵn sàng phương án cung ứng tiền Tết

(ĐTCK) Nhu cầu sử dụng tiền mặt tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới đang đòi hỏi các ngân hàng cần có sự chuẩn bị tích cực cả về hệ thống công nghệ lẫn nguồn nhân lực. Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank, Ngân hàng đã có sự chuẩn bị tốt nhất. 

Việc chuẩn bị cung ứng tiền của Agribank trong dịp Tết Nguyên đán 2017 đã được tiến hành như thế nào, thưa bà?

Agribank là ngân hàng bán lẻ lớn nhất hệ thống với lưu lượng thanh toán và thu chi tiền mặt chiếm tới 30% toàn thị trường. Đặc biệt, khách hàng cá nhân của Agribank rất lớn, do đó, việc chuẩn bị cung ứng tiền hàng ngày, nhất là vào dịp lễ, tết, Ngân hàng luôn có sự chuẩn bị tốt nhất.

Agribank hiện có mạng lưới rộng nhất với 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc; hệ thống ATM lớn nhất với gần 2.500 ATM. Việc đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, đáp ứng được nhu cầu chi tiêu và sử dụng tiền mặt của tất cả các tổ chức và người dân là nhiệm vụ thường xuyên, thường trực và được đặt lên hàng đầu.

Các ngân hàng đã sẵn sàng phương án cung ứng tiền Tết ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank 

Năm nay cũng như mọi năm, Agribank thực thi các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có vấn đề đảm bảo hệ thống đáp ứng trực thường xuyên 24/24, khắc phục xử lý sự cố, đảm bảo hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin dự phòng và đáp ứng nhu cầu tiền mặt. Trước đây một tháng, Ngân hàng đã chủ động kế hoạch dự trữ và điều hòa tiền mặt đến tại tất cả các chi nhánh và hệ thống ATM.

Agribank cũng rất quan tâm tới các khu công nghiệp, nơi có nhu cầu tiền  mặt tăng cao vào cuối năm nên vào những lúc cao điểm, Agribank đã phối hợp với các công ty, nhà máy ở khu công nghiệp để tăng cường tiền mặt, đảm bảo nhu cầu sử dụng tiền mặt của công nhân, nhất là những người ở xa nhà về quê ăn Tết. 

Để đảm bảo vận hành cung ứng tiền hàng ngày và đặc biệt vào dịp lễ, tết thông suốt, chi phí của Ngân hàng là rất lớn?

Đúng vậy, với Agribank thì chi phí dự trữ tiền mặt, đảm bảo hệ thống được ổn định và chi trả tiền mặt hàng ngày, đặc biệt trong khoảng thời gian từ Tết dương lịch tới Tết âm lịch là rất lớn.

Tất cả các chi phí này, Agribank đều gánh vác để người dân được sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí không đáng kể, thậm chí có những dịch vụ được sử dụng miễn phí. Agribank xác định, là ngân hàng thương mại nhà nước nên nhiệm vụ phục vụ nền kinh tế và người dân được đặt ra hàng đầu.

Hy vọng, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ dần dần được người dân tăng cường sử dụng, giúp giảm thiểu chi phí cho Agribank và các tổ chức tín dụng nói riêng, xã hội nói chung. Bởi lẽ, đây không chỉ là vấn đề chi phí dự trữ, mà còn là các chi phí liên quan đến vận chuyển tiền, bảo hiểm tiền trong lưu thông, kiểm đếm cũng như rất nhiều chi phí phát sinh khác. 

Đâu đó có thông tin về hệ thống cung ứng tiền của Agribank bị lỗi, gây khó khăn cho người dân, bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

Sự cố lỗi ATM, lỗi đường truyền dễ xảy ra vào những lúc cao điểm, Agribank và nhiều ngân hàng khác đã gặp phải lỗi này. Ngoài ra, có lỗi do sơ suất của người rút tiền sau 30 giây không nhận, hệ thống sẽ tự thu hồi tiền.

Trong những trường hợp này, tôi khẳng định, khách hàng có thể yên tâm là không mất tiền, vì ngoài camera giám sát, hệ thống công nghệ thông tin của Ngân hàng sẽ ghi nhận dữ liệu của từng cây ATM, Ngân hàng sẽ kiểm tra nguyên nhân và có phương án xử lý cho khách hàng. Agribank đã phối hợp với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) khắc phục xử lý lỗi.

Với một hệ thống rất lớn như Agribank, nhiệm vụ hàng đầu của Ngân hàng là đảm bảo hoạt động của hệ thống, thiết bị được ổn định, nhưng khách hàng cũng nên chủ động đề phòng các sự cố liên quan đến mất an toàn cá nhân, khi giao dịch vào các đợt cao điểm, khi có quá nhiều khách hàng giao dịch, rút tiền mặt tại ATM. 

Một vấn đề hiện nay được xã hội rất quan tâm đó là an toàn mạng. Việc đảm bảo an toàn mạng tại Agribank đã được triển khai như thế nào?

Từ nhiều năm nay, Agribank đã triển khai hệ thống công nghệ được đánh giá là một trong những dự án hiện đại nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện nay, cùng với lực lượng cán bộ công nghệ được tuyển dụng và đào tạo bài bản, chế độ túc trực nghiêm túc trên toàn hệ thống.

Theo đó, an toàn mạng được đảm bảo không xảy ra sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, không chủ quan, Ban lãnh đạo Ngân hàng thường xuyên rút kinh nghiệm về các sự cố xảy ra; chỉ đạo, giám sát thường xuyên nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống cho chính bản thân Ngân hàng, cũng như khách hàng giao dịch. 

Với hệ thống khách hàng lớn, Ngân hàng đã tính đến phương án người dân đến giao dịch yêu cầu cung cấp tiền lẻ mới, mệnh giá nhỏ?

Agribank nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong lưu thông. Ngân hàng sẵn sàng các mệnh giá tiền để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân, đặc biệt là chi tiền mặt cho các đối tượng trả trợ cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp.

Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải hoãn chi

 

Ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước

Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 17/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn có kế hoạch tiền mặt để chủ động đáp ứng nhu cầu cho các đơn vị, tổ chức và cá nhân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt phải hoãn chi, đặc biệt là chi tiền mặt cho các đối tượng trả trợ cấp xã hội, trả lương, thưởng cho cán bộ, công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp.

Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi đủ cơ cấu các loại mệnh giá tiền cho khách hàng; kiểm tra, xử lý các vi phạm trong đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn hoạt động ATM theo thẩm quyền. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng dịch vụ ATM. Thống nhất kế hoạch thu, chi tiền mặt trong những ngày nghỉ Tết với các tổ chức tín dụng để đảm bảo đủ tiền mặt cho ATM và nhu cầu thu, chi tiền mặt đột xuất của tổ chức tín dụng. Đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống kho quỹ và bố trí cán bộ trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

VietinBank đã có các biện pháp ứng phó kịp thời

 

Bà Lê Như Hoa, Phó tổng giám đốc VietinBank

Là ngân hàng thương mại lớn, bội thu tiền mặt, VietinBank luôn sẵn sàng, chủ động đầy đủ tiền mặt cung ứng ra thị trường trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán. Ban lãnh đạo VietinBank đã có văn bản chỉ đạo công tác tiền mặt, kho quỹ, trong đó yêu cầu các chi nhánh, trung tâm quản lý tiền mặt tăng cường điều hòa tiền mặt, tăng lượng tồn quỹ tiền mặt cuối ngày toàn hệ thống để đáp ứng nhu cầu giao dịch tăng cao.

Việc đảm bảo hoạt động tại máy ATM không bị gián đoạn, đủ lượng tiền cần thiết để phục vụ nhu cầu tiền mặt của khách hàng luôn được VietinBank chú trọng. Đặc biệt, trong các dịp cuối tuần, các dịp nghỉ lễ kéo dài và dịp Tết Nguyên đán, VietinBank đều có sự chuẩn bị kỹ càng.

Ngân hàng đã triển khai các biện pháp như: cảnh báo tình hình tồn quỹ qua điện thoại cho các cán bộ phụ trách tại từng chi nhánh để kịp thời tiếp quỹ; tăng cường chất lượng dịch vụ ATM, thường xuyên giám sát tồn quỹ máy ATM để bổ sung kịp thời; đảm bảo công tác an ninh, an toàn bảo vệ các máy ATM tại các tỉnh, thành phố lớn có các khu công nghiệp, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn.

Bên cạnh đó, VietinBank có các biện pháp ứng phó kịp thời khi các ATM bị quá tải như: sử dụng ATM lưu động; hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt; thống nhất với các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp... tránh tình trạng tập trung quá đông người cần rút tiền cùng một lúc tại các điểm máy ATM dẫn đến tình trạng quá tải.     

Tin bài liên quan