Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2016 chưa hết màu xám

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng 2016 chưa hết màu xám

(ĐTCK) Năm 2015 kết thúc đã đánh dấu một chặng đường tái cơ cấu ngành ngân hàng đầy "sóng gió" với những kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, đi kèm với những nhìn nhận lạc quan, thì thách thức vẫn hiện diện trong năm 2016.

Kết quả lợi nhuận năm 2015 khởi sắc

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS), tín dụng trung và dài hạn năm 2015 tăng 31,4%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng ngắn hạn (7%).

Trong bối cảnh khu vực DN tái cấu trúc mạnh mẽ sau giai đoạn khủng hoảng, nhu cầu đối với nguồn vốn trung và dài hạn cũng tăng cao nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư dài hạn và đổi mới công nghệ. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống ở mức 80,9% (mức an toàn cao về thanh khoản).

Cả năm 2015, tín dụng tăng 18% (nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp thì tăng trưởng tín dụng ở mức 19,3%), cao hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm (13%-15%).

Kết thúc năm 2015, lợi nhuận của nhiều ngân hàng có dấu hiệu khởi sắc và một số ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 0 đồng đã có tín hiệu tích cực, kinh doanh bắt đầu có lãi. Tính đến ngày 16/4/2016, phần lớn các NHTM đã công bố kết quả kinh doanh năm 2015.

Như mọi năm, bức tranh lợi nhuận ngân hàng vẫn có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngân hàng cổ phần. Với thế mạnh về thị phần và quy mô hoạt động cũng như năng lực tài chính, nhóm ngân hàng “Big 4” vẫn đang dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận và bỏ xa lợi nhuận nhóm ngân hàng cổ phần nhỏ.

Năm 2015, VietinBank có lãi hợp nhất trước thuế 7.360 tỷ đồng, kế đến là Vietcombank (VCB) có lãi 6.655 tỷ đồng trước thuế của riêng ngân hàng mẹ và lãi hợp nhất 6.829 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2014 và lợi nhuận sau thuế đạt 5.333 tỷ đồng, tăng 16,3%.

BIDV, sau khi nhận sáp nhập MHB hồi tháng 5/2015, cũng có lãi trước thuế đạt 7.036 tỷ đồng, tăng tới 16% so với năm 2014. Trong khi đó, Agribank có lợi nhuận trước thuế đạt 3.700 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.

Trong nhóm ngân hàng cổ phần không có vốn Nhà nước, MB có lãi trước thuế là 3.220 tỷ đồng, trong khi đó, Techcombank cũng công bố lãi 2.037 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 của VPBank đạt 3.096 tỷ đồng.

Các ngân hàng vẫn đang phải trích lập dự phòng lớn cho những khoản nợ xấu trước đây và chính điều này đã “bào mòn” phần lớn lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2015. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, đến thời điểm này, những khoản vay tốt cũng mang lại nguồn lợi nhuận dồi dào cho các ngân hàng.

Ngoài mức lợi nhuận trên, hiệu quả kinh doanh của các NHTM còn được đo lường bằng chỉ tiêu tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM: Net Interest Margin).

Sau nhiều năm theo chiều hướng giảm, NIM của các ngân hàng đã bắt đầu đảo chiều. Theo công bố của UBGS, tỷ lệ NIM của toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2015 đạt 2,74%, tăng nhẹ so với mức 2,7% của năm 2014 (năm 2013 là 2,8%).

Điều đáng mừng là mặc dù NIM của ngành ngân hàng trong năm 2015 vẫn thua kém chút ít so với năm 2013, song tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) đã phục hồi đáng kể. Theo đó, ROE đã quay trở về ngang với năm 2013, ở mức 6,4%.

Ở khía cạnh khác, nhu cầu tín dụng bắt đầu tăng mạnh hơn, cả ở khối cá nhân lẫn DN. NIM của ngân hàng trong khoản vay cá nhân cao hơn DN, nghĩa là cho vay cá nhân thường có lãi suất cao hơn và ngân hàng cũng được lợi hơn.

Dường như chiến lược tập trung nhiều vào cho vay cá nhân của các ngân hàng trong thời gian qua đang mang về kết quả khả quan. Bên cạnh đó, yếu tố khác giúp cho tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng được cải thiện là nhu cầu kinh tế và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế đã tốt lên.

Có thể nói, thu nhập lãi thuần là một nguồn thu quan trọng đối với các ngân hàng khi đóng góp bình quân đến 80% cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng. Và nếu chỉ nhìn vào con số lợi nhuận gốc, khó mà thấy được xu hướng tăng trưởng “hữu cơ” của ngân hàng. 

Triển vọng kinh doanh năm 2016

Các NHTM lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế trong năm 2016, các chính sách điều hành của NHNN và Chính phủ trong năm 2016 tiếp tục sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng.

Theo Vụ Dự báo -Thống kê tiền tệ (NHNN), kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các NHTM quý II/2016 cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở tình trạng "tốt" đối với cả VND và ngoại tệ, xu hướng này sẽ duy trì tích cực trong quý III và cả năm 2016. Các ngân hàng có mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng trong năm 2016 giảm rõ rệt so với năm 2015.

Dự báo về tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2016, các NHTM nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng từ 18 - 20%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng thực tế trong 5 năm gần đây.

Về khả năng huy động vốn, hệ thống ngân hàng sẽ tăng trưởng bình quân khoảng 17%, trong đó tốc độ tăng trưởng huy động vốn VND tăng nhanh hơn so với huy động vốn ngoại tệ. 

Bức tranh lợi nhuận chưa hết màu xám

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng, huy động và các dịch vụ ngân hàng tương đối tốt trong thời gian qua, ngành ngân hàng có lý do để lạc quan với triển vọng kinh doanh của mình. Tuy nhiên, đi kèm với những nhìn nhận lạc quan như vậy thì thách thức vẫn hiện diện trong năm 2016.

Có một rủi ro rất dễ nhìn thấy trong cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2016, đó là tình trạng các ngân hàng phụ thuộc quá nhiều vào lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, tỷ lệ lợi nhuận phi tín dụng rất thấp. Trong hệ thống ngân hàng, ngoài VCB có tỷ lệ lợi nhuận hoạt động phi tín dụng luôn duy trì ở mức cao, lên đến 30% tổng lợi nhuận thì các ngân hàng khác chỉ ở mức khoảng 15%. Thực tế này làm cho hệ thống ngân hàng trở nên rủi ro hơn. Bởi lẽ, lợi nhuận hoạt động tín dụng cao thường đi kèm với rủi ro lớn, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế bước vào chu kỳ suy giảm.

Theo số liệu của UBGS, đến cuối năm 2015, hệ thống ngân hàng còn khoảng 179.501 tỷ đồng nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 4,4%) và 200.000 tỷ đồng nợ xấu (tỷ lệ 2,9%), đều giảm đáng kể so với năm 2014. Nợ xấu giảm nhanh chủ yếu là nhờ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) tổng số hơn 243.000 tỷ đồng nợ xấu.

Nếu tuân thủ đúng quy định trích lập dự phòng rủi ro, hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu sẽ “bào mòn” lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2016. Sự mập mờ chi phí dự phòng có lẽ đang giúp các ngân hàng “co kéo” lợi nhuận đẹp hơn trên sổ sách?

Nguyên nhân khiến việc trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng lên là do từ khi tiến hành đề án tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu theo báo cáo không thay đổi nhiều. BIDV là một điển hình. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,62% nhưng tổng nợ xấu lại tăng lên. Tính đến cuối năm 2015, tổng số nợ xấu của Ngân hàng là 9.697 tỷ đồng, tăng mạnh so với tổng nợ xấu năm 2014 là 8.563 tỷ đồng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tiếp tục tăng cao, tăng từ 3.266 tỷ đồng hồi cuối năm 2014 lên 5.193 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng số nợ xấu.

Tại Sacombank, tính đến cuối năm 2015, nợ xấu của Sacombank tăng từ 1,19% hồi đầu năm lên 1,87% vào cuối năm. Tổng nợ xấu cũng tăng từ 1.521 tỷ đồng hồi cuối năm 2014 lên 3.448 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 1.005 tỷ đồng từ cuối năm ngoái lên 3.029 tỷ đồng vào cuối năm 2015.

Chi phí trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu và trái phiếu VAMC sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận chung toàn ngành năm 2016. Đặc biệt, do nắm giữ lượng trái phiếu VAMC lớn, nhóm các ngân hàng chưa niêm yết sẽ còn chịu nhiều áp lực đối với lợi nhuận trong những năm nay. Áp lực này thấp hơn ở nhóm các ngân hàng niêm yết. Nợ xấu của các ngân hàng niêm yết trong những năm gần đây chiếm khoảng 25% nợ xấu của toàn hệ thống, nhóm ngân hàng chưa niêm yết chiếm 75%.

Theo tính toán của tác giả, trích lập dự phòng năm 2016 được dự báo tăng mạnh lên khoảng 91.374 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với con số 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014. Trong đó, dự phòng nợ xấu trong năm 2016 là 53.098 tỷ đồng, trái phiếu VAMC khoảng 38.276 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc chính thức áp dụng Basel II từ tháng 2/2016 sẽ khiến 10 ngân hàng được NHNN chọn lựa sẽ gặp khó trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, điều này sẽ tác động tới lợi nhuận ngân hàng. Cùng với đó, những tiêu chuẩn khắt khe hơn sẽ khiến các ngân hàng cẩn trọng hơn trong việc cho vay. Một số ngân hàng nhỏ, yếu, chưa niêm yết cũng được dự báo sẽ mong manh về lợi nhuận năm 2016, do mức trích lập dự phòng rủi ro lớn so với lợi nhuận thu về. Câu hỏi đặt ra là: các ngân hàng sẽ mất bao nhiêu lợi nhuận nếu thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo đúng tỷ lệ 5%, 20%, 50%, 100% cho từng nhóm nợ xấu, nợ quá hạn từ nhóm 2-5 theo đúng quy định của NHNN?

Bên cạnh đó, nhiều khó khăn khác đang “đe doạ” đến lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh của các NHTM. Kênh bán lẻ, cho vay tiêu dùng vốn được các ngân hàng tập trung làm mạnh trong thời gian qua chưa đóng góp được bao nhiêu, nay bắt đầu lộ ra những nhược điểm. Nợ xấu của các khoản vay tiêu dùng tăng lên chóng mặt. Thanh tra NHNN đã phải nhắc nhở các ngân hàng kiểm soát chặt hơn các khoản cho vay tiêu dùng, bán lẻ. Tới đây, NHNN sẽ có những quy định chặt hơn với nghiệp vụ này.

Tóm lại, tuy lợi nhuận năm 2015 của các NHTM được ghi nhận ở mức cao và khá ấn tượng so với các năm trước, nhưng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu năm 2015 khá cao đã làm cho lợi nhuận của các ngân hàng bị giảm đi đáng kể. Chính vì điều đó, dù có những điểm sáng cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2016 nhưng vẫn sẽ rất khó tạo ra điểm nhấn đáng kể cho lợi nhuận của ngân hàng.

Tin bài liên quan