Cảnh xếp hàng từ sáng sớm chờ giao dịch vàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội tái diễn trong đợt sốt vàng vừa qua

Cảnh xếp hàng từ sáng sớm chờ giao dịch vàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội tái diễn trong đợt sốt vàng vừa qua

Brexit tiếp tục “hậu thuẫn” cho giá vàng

(ĐTCK) Giá vàng được tiên liệu có “sóng” từ trước khi Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), nhưng đà tăng mạnh của kim loại quý này trong những ngày qua vẫn gây bất ngờ. 

Tại thị trường nội địa, do lực cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung bị hạn chế đã đẩy giá vàng vượt mức 40 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra trong ngày 6/7. 

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch CTCP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam

Brexit sẽ còn tác động lên vàng

Đồng bảng Anh mất giá kỷ lục trong vòng 31 năm qua vào phiên giao dịch ngày 6/7, khi tỷ giá bảng Anh/USD lần đầu tiên kể từ năm 1985 giảm xuống dưới ngưỡng 1,28 lần, trước khi hồi phục nhẹ trở lại. Sau giai đoạn tạm thời ổn định, đồng bảng Anh quay trở lại đà lao dốc mạnh mẽ khi lo lắng về những tác động tiêu cực của Brexit được gợi lại cũng như tín hiệu về việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).

Trong báo cáo ổn định tài chính định kỳ một năm hai lần công bố hôm 5/7/2016, BOE cảnh báo về những nguy cơ hiển hiện đối với sự ổn định tài chính của nước Anh sau khi người dân nước này bỏ phiếu rời khỏi EU tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 vừa qua. Thống đốc BOE Mark Carney đã phát tín hiệu rằng, chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng hơn nữa trong những tháng tới. Các nhà phân tích dự báo, BOE sẽ giảm lãi suất thêm 0,25%/năm tại cuộc họp vào giữa tháng 7 này, đồng thời cơ quan này có thể khởi động lại chương trình mua tài sản đã tạm dừng từ năm 2012. Tâm lý né tránh rủi ro bao trùm thị trường toàn cầu sau cảnh báo của BOE khiến giới đầu tư đổ tiền vào các tài sản đóng vai trò là hầm trú ẩn, qua đó, đẩy vàng và đồng Yên tiếp tục đà tăng giá mạnh.

Thị trường vàng những ngày qua đã chứng kiến cơn sóng lớn. Giá vàng trên thị trường thế giới ngày 6/7 vượt ngưỡng 1.370 USD/ounce, mức cao nhất kể từ tháng 3/2014. Trong khi đó, tỷ giá USD/JPY giảm xuống sát ngưỡng 100. Tuy có điều chỉnh nhẹ, nhưng giá vàng thế giới trong ngày 7/7 vẫn giữ mức 1.367 USD/ounce.

Tình hình bất ổn ở Anh được cho là chưa thể sớm chấm dứt cho đến khi Anh hoàn tất các thủ tục rời EU. Brexit sẽ còn tác động tích cực lên giá vàng khi các quỹ đầu tư, nhà đầu tư và ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn xem đây là hầm trú ẩn an toàn. Mặc dù các tác động mạnh đến giá vàng thế giới lâu nay vẫn đến từ động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và giá dầu, nhưng hiện nay, tâm điểm vẫn là Brexit, đồng bảng Anh giảm giá mạnh so với USD. Sức khỏe USD tăng và Fed trì hoãn tăng lãi suất chính là các yếu tố hỗ trợ tích cực cho mặt hàng kim loại quý này…

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bán tháo Euro, mua USD, đồng thời tăng dự trữ vàng. Một khi các quỹ đầu tư và ngân hàng trung ương tăng mạnh dự trữ vàng sẽ là lực đẩy cho giá vàng. Mức cản của vàng hiện nay được cho là 1.400 USD/ounce. Tuy nhiên, trước mắt, vàng chưa thể bật mạnh để chạm ngưỡng trên, song cũng khó có thể giảm xuống mốc 1.200 USD/ounce khi diễn biến thị trường thế giới còn nhiều bất ổn.

Trong ngắn hạn, vàng sẽ còn sóng, nhưng các nhà đầu tư cũng nên thận trọng. Bởi sàn giao dịch hàng hóa tương lai lớn của thế giới COMEX (Mỹ) đã tăng tỷ lệ ký quỹ của vàng lên 22% trong ngày 4/7 vừa qua. Điều này cho thấy, tổ chức tạo lập sàn đánh giá vàng đang chứa đựng rủi ro. Mặt khác, đà tăng của vàng thường có những bước “sóng” và một khi đã tăng ở mức cao sẽ khó tránh được điều chỉnh giảm.

Xu hướng tăng chỉ có tính chất ngắn hạn

Giá vàng thế giới tăng sẽ kéo giá vàng trong nước đi lên. Kể từ sau khi Brexit xảy ra ngày 23/6, giá vàng trong nước đã tăng 10%. Trước biến động của thị trường vàng và sức nóng của mặt kim loại này lan tỏa, nhiều người đã tranh thủ mua vàng trong 2 ngày giữa tuần, bất chấp giá vàng trong nước tăng cao hơn so với giá thế giới và mức chênh lệch ngày một giãn ra, khoảng 3 triệu đồng/lượng. Không ít người muốn mua được vàng, do đã đứng ngoài thị trường trước đó, nhưng chủ yếu ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý. Đồng thời, nguồn cung vàng miếng trên thị trường khan hiếm kể từ khi các cơ quan quản lý can thiệp bình ổn thị trường vàng được thực hiện nhất quán với chủ trương quản lý thị trường vàng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Chính những yếu tố này đã đẩy giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá thế giới trong những ngày vừa qua, nhất là  trong hai ngày 5 - 6/7/2016. Tuy nhiên, sau đó, giá vàng đã nhanh chóng đảo chiều giảm về dưới ngưỡng 38 triệu đồng/lượng, dù giá thế giới vẫn tăng. Điều đó chứng tỏ tâm lý của nhà đầu tư và người dân đã bị tác động bởi hiện tượng giá vàng tăng tức thời và nếu không thận trọng, những người mua vàng quanh vùng giá 40 triệu đồng/lượng, nếu vội bán ra trong ngày hôm sau đã bị lỗ tới hơn 2 triệu đồng/lượng.

Trong những ngày vàng cao giá của tuần đầu tháng 7/2016, tuy chưa xuất hiện rõ nét, nhưng hiện tượng nguồn tiền từ các kênh đầu tư khác có xu hướng chuyển sang vàng bắt đầu xuất hiện. Trước mắt, có thể chưa nhiều, bởi vàng chỉ mới tăng mạnh trong 2 ngày trước và đã nhanh chóng giảm lại giữa phiên giao dịch sáng ngày 7/7. Để xoa dịu sức nóng của thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã có thông điệp về việc cam kết bình ổn thị trường vàng khi cần thiết. Mua vàng trong thời điểm này rủi ro là điều khó có thể lường trước.

Mặt khác, xu hướng tăng giá vàng hiện tại chỉ có tính chất ngắn hạn. Nhìn lại giai đoạn 2008-2011, khi nước Mỹ chìm trong khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn, Chính phủ Mỹ đã tung ra 3 gói kích cầu trị giá gần 4.000 tỷ USD, đẩy giá vàng tăng lên trên 1.900 USD/ounce vào tháng 9/2011, nhưng sau đó mặt hàng kim loại quý này đã giảm trở lại. Xét về tác động trực tiếp của dòng ngoại tệ, đồng bảng Anh chỉ được xếp thứ ba trong rổ ngoại tệ trên thế giới và chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với đồng USD.

Chính vì vậy, ảnh hưởng của đồng bảng Anh đến tình hình tài chính toàn cầu yếu hơn rất nhiều so với đồng USD. Do đó, hậu Brexit trong chừng mực nào đó làm cho người ta bán tháo đồng bảng Anh, bán tháo đồng Euro và tăng nắm giữ vàng làm cho giá vàng tăng cao, vì vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn cho người đang cầm giữ USD, Euro và đồng bảng Anh. Nhưng, điều đó không có nghĩa là vàng sẽ tăng đột biến trong thời gian ngắn hậu Brexit.

Tuy nhiên, nếu mua vàng để kỳ vọng trong trung, dài hạn tỷ suất sinh lời vẫn có thể chấp nhận được. Bởi bất ổn ở Anh chưa thể sớm chấm dứt tác động tích cực lên giá vàng. Ở thị trường nội địa, sau một thời gian dài cấm các ngân hàng thương mại huy động vàng trong dân thì mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu việc tái huy động vàng trong dân. Việc huy động vàng trong dân nếu diễn ra sẽ có tác động tích cực lên giá vàng trong tương lai.

Trần Thanh Hải
Chủ tịch CTCP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam

Lực bán tăng khi giá vàng quay đầu giảm

Brexit tiếp tục “hậu thuẫn” cho giá vàng ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Cúc,Phó tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận 


Trong sáng ngày 7/7, khi giá vàng trong nước quay đầu giảm vào giữa phiên, nhiều người đã tranh thủ bán ra. 100 khách hàng giao dịch thì có 60 người bán và 40 người mua. Xu hướng này trái ngược với những ngày trước đó.

Trong phiên giao dịch chiều cùng ngày, thông tin từ bộ phận kinh doanh vàng miếng của PNJ cũng cho hay, lượng bán tăng cao hơn mua, với tỷ lệ 65% - 35%. Khối lượng giao dịch vàng miếng của khách hàng cũng giảm hẳn, nếu như 2 ngày trước một giao dịch có thể lên đến 50 - 70 lượng thì trong ngày hôm nay chỉ có 2-3 lượng/giao dịch. Tuy nhiên, tâm lý của khách hàng tỏ ra thận trọng hơn, chủ yếu là thăm dò giá. Bên cạnh đó, một số người tuy đã mua vàng cao giá trong ngày 6/7, nhưng trước xu hướng giảm mạnh của vàng trong nước vẫn bán ra trong ngày 7/7 do lo ngại vàng còn tụt dốc trong những ngày tới.

Thị trường vàng trong ngày 7/7 không còn sôi động như 2 ngày trước đó. Điều này cho thấy, tâm lý người tiêu dùng vẫn bị tác động bởi xu hướng đám đông khi vàng tăng mạnh thời gian qua. Một trong những lý do khiến vàng giảm là do tác động bởi Brexit. Tuy nhiên, giá vàng trong nước tăng cao hơn so với thế giới khiến mức chênh lệch giãn ra một phần do nguồn cung vàng miếng ở thị trường nội địa bó hẹp, trong khi lực cầu tăng mạnh khiến giá cao. Vì thế, thị trường tự điều chỉnh giá mua và bán.

Các dự báo đưa ra cho thấy, nhiều khả năng vàng thế giới sẽ còn tăng. Tuy nhiên, người mua cũng nên thận trọng trước sức nóng của vàng. Đặc biệt, ở thị trường nội địa khi lực cầu thời gian qua tăng nóng, song cung có phần hạn chế đẩy giá vàng tăng.

Tin bài liên quan