Dư nợ cho vay trung dài hạn của DongA Bank hiện chiếm 47% tổng dư nợ

Dư nợ cho vay trung dài hạn của DongA Bank hiện chiếm 47% tổng dư nợ

“Bóc ngắn cắn dài”: áp lực kiểm soát rủi ro thanh khoản ngân hàng

(ĐTCK) Nhiều chuyên gia ngân hàng đang lo ngại, việc nới tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên gấp đôi so với trước kia, từ 30% lên 60%, trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, nếu không được kiểm soát tốt.

Đáp ứng kỳ vọng của các NHTM…

Huy động của các ngân hàng tăng mạnh thời gian qua, song vốn ngắn hạn chiếm đến 85 - 90% tổng huy động của ngân hàng nên rất khó có thể đẩy mạnh vốn cho vay trung, dài hạn.

Phó tổng giám đốc DongA Bank Nguyễn Thị Kim Xuyến cho biết, dư nợ cho vay trung, dài hạn hiện chiếm khoảng 47% tổng dư nợ của Ngân hàng. Tuy nhiên, vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, nên nếu không có sự điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, Ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh cho vay.

Lãnh đạo Sacombank cho rằng, vốn trung, dài hạn chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân vay mua nhà có thời hạn lên đến 10-15 năm, thậm chí là 20 năm. Trước tình hình thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên, lãnh đạo Sacombank cho rằng, việc điều chỉnh tăng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên 60% là điều cần thiết.

Hiện thanh khoản của các ngân hàng dôi dư, nguồn tiết kiệm tiếp tục chảy vào ngân hàng, cho dù trần lãi suất tiền gửi đã được điều chỉnh giảm liên tục trong thời gian qua. Tuy nhiên, người gửi tiền vẫn chọn kỳ hạn tiết kiệm ngắn để gửi, kể cả khi lãi suất tiền gửi dài cao hơn ngắn hạn. Điều này đã khiến các ngân hàng mất cân đối trong việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Vì vậy, việc NHNN ban hành Thông tư 36, với việc tăng gấp đôi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được lãnh đạo các nhà băng kỳ vọng mở rộng cho vay.

Ông Đỗ Tuấn Anh, Thành viên HĐQT, quyền Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, sẽ là cơ hội cho ngân hàng trong việc đẩy vốn vào khu vực khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà và các dự án bất động sản. Theo ông Tuấn, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng cải thiện trong 2 quý cuối năm, phần lớn đến từ khối khách hàng cá nhân, trong đó, tập trung đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân vay mua nhà với kỳ hạn 10 – 15 năm.

Đánh giá được đưa ra từ TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc nới tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lên 60% không những thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, mà còn kéo giảm lãi suất cho vay trung dài hạn. Bởi lẽ, lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh sau khi trần lãi suất đi xuống, song chủ yếu giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, còn trung, dài hạn bình quân vẫn 11%/năm do lãi suất huy động kỳ hạn trên 13 tháng vẫn khá cao.

“Điều này sẽ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi có nhu cầu vốn trung, dài hạn sẽ được ngân hàng đáp ứng, thay vì hạn chế như trước mà lãi suất cũng mềm hơn. Qua đó, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp vốn dĩ trong giai đoạn tái cơ cấu rất cần nguồn vốn trung, dài hạn để có thể đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh”, TS Lịch nói. 

… nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Mặc dù được đánh giá là một trong những điểm sáng trong các quy định của Thông tư 36, song theo nhận định của một số chuyên gia tài chính – kinh tế, việc “bóc ngắn cắn dài” này nếu không được tiến hành một cách thận trọng thì sẽ khó tránh được rủi ro thanh khoản.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng, việc tăng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 30% lên 60% là quá cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai. Cách đây gần 5 năm, khi các NHTM được phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tín dụng tăng trưởng ở mức nóng lên đến 25 - 30%; đồng thời, các NHTM mạnh tay cho vay bất động sản với thời hạn dài lên đến 15-20 năm, bởi thị trường bất động sản đang tăng trưởng nóng, NHNN đã phải điều chỉnh giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% xuống còn 30% (Thông tư 15/2009/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/1/2010) để tạo một chốt chặn rủi ro thanh khoản cho hệ thống. Thế nhưng, với tỷ lệ 30%, nhiều thời điểm như năm 2011, một số ngân hàng vẫn gặp khó khăn về thanh khoản khi nguồn vốn và sử dụng vốn mất cân đối, tỷ lệ sử dụng vốn/huy động vốn thường xuyên vượt 100%.

Đến nay, thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản được đánh giá là khá dồi dào, thậm chí dư thừa, nhưng theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, bài học rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng những năm trước đây chưa hề cũ. Hệ thống ngân hàng vẫn phải gánh chức năng là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nên kinh tế, lẽ ra thuộc về thị trường chứng khoán.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc nới tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, trước mắt, có thể đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, nhưng về dài hạn, sẽ có những rủi ro nhất định nếu không có sự giám sát chặt chẽ, mà quan ngại nhất vẫn là rủi ro thanh khoản do sự mất cân đối lớn giữa nguồn vốn huy động và cho vay.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, có thể xem xét nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở một số ngân hàng có nhu cầu, thay vì mở room cho tất cả. Theo TS. Hiếu, ngân hàng trung ương các nước không giới hạn tỷ lệ này đối với các NHTM như tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là ở các quốc gia đó, thị trường vốn của họ đã phát triển. Các NHTM có thể phát hành các loại trái phiếu ra thị trường quốc tế giúp họ chủ động cân đối nguồn vốn chênh lệch kỳ hạn. Còn tại Việt Nam thị trường vốn chưa phát triển, các ngân hàng cũng không dễ dàng trong việc phát hành trái phiếu huy động vốn trung, dài hạn.

Trong khi đó, nhận định được đưa ra từ TS. Trần Du lịch cho rằng, nếu NHNN thực hiện tốt vai trò của ngân hàng mẹ, tức là thực hiện tốt chức năng người cho vay cuối cùng, thì việc nới tỷ lệ trên trong điều kiện hiện nay là hoàn toàn bình thường, nhất là về thanh khoản.

Tin bài liên quan