Lãi suất tiết kiệm có khả năng tiếp tục nhích nhẹ trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thanh

Lãi suất tiết kiệm có khả năng tiếp tục nhích nhẹ trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thanh

Bỏ trần lãi suất, khả thi đến đâu

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng, trên cơ sở kiến nghị của các thành viên Hội đồng.      

Chỉ đạo này được Phó thủ tướng đưa ra tại phiên họp thường kỳ quý III/2016 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại phiên họp trên, đến hết tháng 9/2016, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 11%, bằng mức tăng cùng kỳ năm 2015; tín dụng cho vay tiêu dùng tới hết tháng 8 tăng 29%. Cơ quan này đánh giá, chất lượng tín dụng đã được kiểm soát chặt và mở rộng tín dụng với bất động sản, cho vay trung và dài hạn.

Trước xu hướng tăng mạnh dư nợ vay trung và dài hạn, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, cơ quan này đã lưu ý các ngân hàng thương mại chủ động cân đối vốn để tránh rủi ro trong hoạt động. NHNN cũng đã cung ứng lượng tiền lớn qua kênh thu mua ngoại tệ và không hút mạnh tiền về, để tạo nguồn thanh khoản hệ thống dồi dào, giúp giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp.

Theo bà Hồng, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn thanh khoản có thể vay trên thị trường liên ngân hàng, mà không cần phải vay tại thị trường 1 - huy động từ dân cư. Điều này đã giải tỏa tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ và ổn định được mặt bằng lãi suất huy động, giảm áp lực tăng lãi vay.

Tuy nhiên, từ một số kiến nghị của các thành viên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng hiện đang áp mức 5,5%. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu NHNN, các bộ, ngành liên quan rà soát lại các gói tín dụng ưu tiên trên cơ sở phân định được chính sách tài khóa và các công cụ của hệ thống ngân hàng; nghiên cứu tăng huy động trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại.

Từ năm 2002, NHNN đã tự do hóa lãi suất với VND. Tuy nhiên, trước hiện tượng các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng yếu, chạy đua lãi suất trong giai đoạn 2008 - 2011, NHNN đã quay trở lại áp trần lãi suất. Đồng thời, thông qua trần lãi suất, NHNN cũng muốn kìm hãm mức lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp đang chìm trong khủng hoảng giai đoạn 2011 - 2013.

Mặc dù NHNN từng cam kết sẽ bãi bỏ việc áp dụng trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngay khi đủ điều kiện, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn áp dụng quy định về trần lãi suất huy động. Cụ thể, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Với thực tế trên 80% lượng tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế có kỳ hạn dưới 1 năm, việc quy định trần lãi suất huy động, dù chỉ với các kỳ hạn dưới 6 tháng, vẫn có tác động lớn đến thị trường tiền gửi.

Đại diện NHNN cũng cho biết, việc giữ mức trần này nhằm định hướng kỳ vọng lạm phát và xem như một cột mốc để các ngân hàng có lợi thế quy mô, cạnh tranh huy động thấp hơn, còn ngân hàng nhỏ hơn có thể huy động gần trần cho phép mà vẫn đảm bảo sự linh hoạt và phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường.

Thực tế thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2015, khi lạm phát ở mức thấp, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức dưới trần quy định. Tuy nhiên, trong 3 quý đầu năm 2016, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng dần, trong bối cảnh lãi suất VND chịu khá nhiều áp lực.

Mặc dù mức trần lãi suất huy động 5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống vẫn được duy trì; lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4 - 5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,4 - 6,8%/năm, song theo các chuyên gia tài chính, nếu không sớm bỏ trần thì sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng ngân hàng lách trần lãi suất, có thể tác động tiêu cực đến hoạt động ngân hàng.

Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay nhiều khả năng sẽ chịu áp lực lớn nếu lạm phát tăng lên trong năm 2016. Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) khuyến cáo, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung - cầu vốn.

Cùng chung quan điểm trên, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, NHNN cần tự do hóa lãi suất. Việc áp trần lãi suất thực ra là một công cụ áp chế tài chính và nên bỏ càng sớm càng tốt.

Tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng đưa ra quan điểm, khi tất cả các ngân hàng đã ở trạng thái tương đối lành mạnh, họ sẽ tính toán làm sao để giá vốn vừa theo thị trường, vừa đạt hiệu quả cao nhất, chứ không dại gì nâng lãi suất lên, trừ những ngân hàng quá thiếu tiền.

Tuy không rầm rộ, song cuộc cạnh tranh về lãi suất huy động vốn vẫn tiếp tục nóng dần giữa các nhà băng, nhất là với những ngân hàng nhỏ. Ngoài việc tăng khuyến mãi, các ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất 0,1 - 0,3%, nhưng tập trung phần lớn ở kỳ hạn 13 - 15 tháng.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định, lãi suất tiết kiệm có khả năng tiếp tục nhích nhẹ trong thời gian tới, nhất là khi tín dụng toàn ngành ngân hàng dần được cải thiện trong những tháng cuối năm.

Tin bài liên quan