Biến động tỷ giá có tạo áp lực cho nợ công?

Biến động tỷ giá có tạo áp lực cho nợ công?

(ĐTCK) Việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ khiến chính sách tỷ giá của Việt Nam sẽ phải có những thay đổi để thích ứng. Bên cạnh tác động tới hoạt động DN, vấn đề nợ công và trả nợ nước ngoài cũng được công chúng quan tâm.

Rủi ro tỷ giá đến nợ nước ngoài sẽ không đáng ngại

TS. Trần Đình Thiên,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
 

Trong nợ công, áp lực trả nợ nước ngoài giảm nhẹ một phần nhờ việc Chính phủ phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với lãi suất ở mức 4,8%/năm (ngày 6/11/2014). Việc này giúp giải quyết một số nghĩa vụ nợ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo (2016 - 2020), hai lô trái phiếu quốc tế phát hành trước đó sẽ đáo hạn (1 lô trị giá 750 triệu USD năm 2005 và 1 lô 1 tỷ USD năm 2010), áp lực trả nợ nước ngoài dưới hình thức trả nợ trái phiếu quốc tế sẽ rất lớn.

Sự điều chỉnh tỷ giá VND/USD tác động trực tiếp đến nợ công và quản lý nợ công, mà cụ thể ở phần nợ nước ngoài, nhưng quyết định tăng tỷ giá và rủi ro tỷ giá đến nợ nước ngoài sẽ không đáng ngại. Nguyên nhân là: dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay cơ bản gắn liền với USD và đạt 36 tỷ USD thời điểm cuối năm 2014.

Khoản dự trữ này sẽ đảm bảo sự can thiệp và điều chỉnh thị trường ngoại hối ngắn hạn, trong đó có việc trả nợ vay nước ngoài. Vì khả năng trả nợ phụ thuộc vào số ngoại tệ tích lũy kiếm đủ (hoặc dư) tính theo năm, chứ không phụ thuộc nhiều vào thời điểm tỷ giá tăng giảm trong năm đó.

Hiện các khoản vay ODA đối với Việt Nam ngày càng bị thu hẹp. Việt Nam sẽ dần phải tiếp cận với các khoản vay ít ưu đãi và các khoản vay với điều kiện vay thương mại hoặc các khoản vay có lãi suất thả nổi. Do đó, rủi ro lãi suất, bên cạnh rủi ro tỷ giá, cũng là yếu tố quan trọng cần được tính đến.

Nợ công của Việt Nam mặc dù vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng lại tiềm ẩn những rủi ro về bội chi ngân sách và khả năng thanh toán nợ trong trung và dài hạn xuất phát từ cách nhìn về quản lý và hoạch định chính sách về nợ công hiện nay. Bởi vậy, rất cần xây dựng một hệ thống phân tích và quản trị nợ công một cách minh bạch, chính xác và có hiệu quả.

Cần áp dụng cơ chế thị trường trong phân bổ vốn đầu tư nhà nước

Ông Nguyễn Đình Cung,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
 

Luật Đầu tư công là một bước tiến đáng kể trong thiết lập thể chế phân bổ vốn đầu tư của ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ theo nguyên tắc thị trường.

Cụ thể, đã xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cấp có thẩm quyền trong quyết định, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước, xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Những thay đổi này sẽ hạn chế cầu của dự án và số vốn đầu tư; từ đó vốn sẽ được phân bổ tập trung hơn, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, giảm số dự án dở dang, tăng số dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, để vốn đầu tư nhà nước hiệu quả hơn còn cần thêm nhiều giải pháp khác. Trong đó, phải xác định và thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách ở tất cả các cấp, đối với tất cả các khoản chi; đồng thời giảm và thắt chặt chi tiêu thường xuyên của các cơ quan nhà nước; giảm bội chi ngân sách xuống không quá 4% GDP.

Cần sự hỗ trợ của nhiều chính sách để xử lý vấn đề nợ công

Ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính
 

Để xử lý vấn đề nợ công cần dựa vào các chính sách khác để phát triển bền vững như chính sách tiền tệ, tín dụng; chính sách điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu để phát triển nền sản xuất có khả năng cạnh tranh cao; bên cạnh đó cần huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân và nguồn tiết kiệm trong dân cư để phát triển kinh tế.

Về chính sách tài khóa, cần tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu, cơ cấu lại các khoản chi bao gồm cả chi đầu tư thường xuyên; không ban hành các chính sách mới làm tăng chi hoặc giảm thu ngân sách. Việc tiếp tục hỗ trợ DN thông qua cắt giảm thuế là khó thực hiện, bởi vậy chính sách hỗ trợ nên chuyển sang hướng tạo thuận lợi cho DN thông qua cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, cần thực hiện khuôn khổ chi tiêu trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn, nâng cao chất lượng công tác dự toán thu, khắc phục tình trạng chi vượt dự toán. Đồng thời cần đẩy mạnh hợp tác công tư, nhằm thu hút các nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng để hỗ trợ đầu tư công.

Đặc biệt, cần tận dụng xu hướng giảm lãi suất huy động trên thị trường vốn trong nước và nâng cao tín nhiệm quốc gia trên thị trường vốn quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng tăng kỳ hạn và giảm lãi suất, góp phần tăng tính an toàn và bền vững nợ công.

Tin bài liên quan