Bất cập: Lãi suất thấp chỉ dành cho doanh nghiệp thừa vốn

Bất cập: Lãi suất thấp chỉ dành cho doanh nghiệp thừa vốn

(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất đã giảm dần và ổn định, đồng thời, trước những khó khăn của tình hình cho vay, các ngân hàng cũng từng bước đưa ra nhiều chương trình ưu đãi.

Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Trong khi, nhiều doanh nghiệp có sức khỏe tốt lại không mặn mà với việc sử dụng vốn vay để đầu tư, kinh doanh.

Hiện nay, lãi suất huy động vốn được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 4,7 - 5,02%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 5,3 - 5,99%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và xoay quanh 6,03 - 6,94%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. 

Với việc các ngân hàng giảm mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, người dân đang chuyển hướng gửi tiết kiệm dài ngày để hưởng lãi suất cao hơn trước tình hình các kênh đầu tư khác chưa tăng. Đây chính là điều kiện tốt để các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn, từ đó giảm thêm lãi suất cho vay trung, dài hạn. Tuy nhiên, thực tế lãi suất vẫn chưa thể giảm như mục tiêu kỳ vọng.

Theo các dự báo đưa ra, lạm phát năm 2015 sẽ ở mức 3%, trong khi các doanh nghiệp phải trả lãi vay vốn trung - dài hạn ở mức 10 - 11%/năm. Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, mức lãi suất trên còn cao, cần phải giảm xuống 9 - 10%/năm doanh nghiệp mới có thể chấp nhận được.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội khóa VIII cũng cho rằng, cần xem xét giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là ngành sản xuất, kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cũng theo đánh giá của ông Nghĩa, hiện nay nhiều doanh nghiệp chấp nhập việc vay vốn lãi suất cao, nhưng ngân hàng lại ngại “mở cửa” vì vướng nợ xấu. Trong khi đó, các doanh nghiệp tốt lại chưa mặn mà sử dụng vốn vay, ngay cả khi các nhà băng chạy đua cạnh tranh hạ lãi suất xuống thấp 6 - 7%/năm, kể cả vốn cho vay trung, dài hạn…

Trước thắc mắc về lãi suất vốn cho vay trung, dài hạn còn cao, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM lý giải, mức lãi suất cho vay trung, dài hạn 10 - 11%/năm được các ngân hàng áp dụng chủ yếu rơi vào các khoản cho vay phi sản xuất. Còn lãi suất cho vay trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chỉ xoay quanh mức 9%/năm. Riêng lãi suất cho vay tại các NHTM có vốn nhà nước là 8 - 9%/năm.

Thế nhưng, TS Lịch cho rằng, các ngân hàng chỉ dành mức lãi suất ưu đãi trên cho các doanh nghiệp lớn. Trong khi, các công ty này lại đang có nguồn vốn khả dụng dư thừa. Thậm chí, trong bối cảnh đầu ra chưa được cải thiện, các doanh nghiệp này còn đi gửi tiền tiết kiệm.

TS. Lê Thành Lân, nguyên Phó giám đốc Vietinbank, Chi nhánh 7 cho rằng, trong khi doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các NHTM thì các ngân hàng đang thừa vốn nhưng khó cho vay. Rất nhiều người tự hỏi vì đâu dẫn tới nghịch lý này?

Theo TS Lân, hợp đồng tín dụng là một hợp đồng dân sự được ký giữa bên đi vay là doanh nghiệp đang cần vốn để kinh doanh và bên ngân hàng cho vay. Hợp đồng này phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản nhất là sự tự do đồng thuận giữa hai ý chí về các vấn đề sau: số vốn bằng tiền được sử dụng; thời hạn sử dụng số vốn ấy; lãi suất hay chi phí sử dụng vốn; các điều kiện khác về đảm bảo tiền vay, mục đích sử dụng tiền vay, cách thức hoàn trả gốc và lãi, kiểm tra và theo dõi vốn vay…Vì vậy, phía ngân hàng cần phải rất thận trọng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thường có tâm lý muốn vay thật nhiều tiền, với thời hạn tối đa có thể để sử dụng thoải mái trong kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp còn muốn được hưởng lãi suất thật thấp để đỡ gánh nặng tài chính, từ đó thu lợi nhuận cao. “Một số khách hàng muốn được nhiều “ưu đãi” hơn trong vay vốn như được vay tín chấp, không cần công khai phương án dùng vốn vay trong kinh doanh, không muốn bị kiểm tra quá kỹ để giữ bí mật làm ăn hay khoa trương thanh thế, để thu hút thêm các dự án khủng, trong khi bản thân rất hạn chế về năng lực tài chính, tầm quản trị, chuyên môn”, TS Lân cho biết.

Do vậy, theo TS Lân, cần có sự đồng thuận của cả bên đi vay lẫn bên cho vay làm cơ sở cho việc ký kết và thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng tín dụng. Mỗi bên phải tự biết cách thu xếp để thống nhất với nhau, bởi Nhà nước trong cương vị quản lý toàn xã hội, cũng khó ép buộc ngân hàng bằng mệnh lệnh hành chính phải cho đối tượng cụ thể nào đó vay tiền. Ví dụ minh họa điển hình nhất là gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ bất động sản đã không đạt kết quả như mong muốn sau mấy năm liền triển khai cho vay.

Còn theo ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế cho rằng, do một thời gian dài doanh nghiệp Việt Nam phải chịu lãi suất ngân hàng rất cao so với khu vực và thế giới (từ năm 2008 đến năm 2012, lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp vay từ 13 - 15%), đến năm 2014, lãi suất ngân hàng giảm còn khoảng 10%. Tuy nhiên, theo ông Thành, mức lãi suất này vẫn còn cao so với các nước Asean, khi lãi suất chỉ xoay quanh 6%. Chính lãi suất cao làm hao mòn vốn tự có của doanh nghiệp, trong khi, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, lợi nhuận kém lại kéo dài thời gian qua.   

Tin bài liên quan