Bao thanh toán quốc tế, các ngân hàng Việt đứng ở đâu?

Bao thanh toán quốc tế, các ngân hàng Việt đứng ở đâu?

(ĐTCK) Với kim ngạch thương mại quốc tế hàng năm khoảng 300 tỷ USD, Việt Nam có tiềm năng đáng kể về phát triển các dịch vụ bao thanh toán quốc tế. 
 

Vậy nhưng, theo thống kê của Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế,  giá trị  giao dịch bao thanh toán tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 100 triệu euro, trên tổng số gần 2.373 tỷ euro trên phạm vi toàn cầu năm 2014.

Phát biểu tại Hội thảo “Bao thanh toán quốc tế” do IFC, Hiệp hội Ngân hàng và VIB phối hợp tổ chức trong ngày 10/5 tại TP. HCM, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng, xu hướng toàn cầu hóa và xóa bỏ các rào cản thương mại ngày càng tăng, mang lại rất nhiều cơ hội kinh doanh xuyên biên giới.

Vì thế, các DNVVN của Việt Nam cần được làm quen với những công cụ tài trợ thương mại mới như bao thanh toán để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như thu hút được các đối tác nước ngoài để nâng cao doanh thu và mở rộng hoạt động kinh doanh. 

Ông Lee Kheng Leong, Giám đốc Khu vực châu Á, Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế (FCI) cho rằng, bao thanh toán giúp doanh nghiệp loại bỏ những thiếu hụt về tín dụng. Các ngân hàng bao thanh toán không sử dụng quá mức đòn bẩy, mà phải dựa trên những cơ sở có thực đưa ra bởi người bán.

Các công ty bao thanh toán sử dụng các biện pháp đo lường tín dụng, đảm bảo tính an toàn, tránh khỏi rủi ro cho cả người bán cũng như người mua. Bao thanh toán xuất khẩu có thể giải quyết được những rủi ro từ việc bán hàng trả sau: đảm bảo tín dụng 100%; thời hạn thanh toán đảm bảo là 90 ngày kể từ khi đến hạn thanh toán; ứng tiền mặt ngay; các dịch vụ nhờ thu và quản lý các khoản phải thu đi kèm. Còn bao thanh toán nhập khẩu kiểm tra mức độ tin cậy tín dụng của bên nhập khẩu và thông báo cho bên xuất khẩu về hạn mức tài trợ (thông qua bên bao thanh toán xuất khẩu).

Còn theo ông Peter Mulroy, Tổng thư ký FCI, từ khi có khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu cho thấy, bao thanh toán đã tăng trưởng gấp đôi. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bao thanh toán ghi sổ đã gia tăng mạnh mẽ. Các nước trên thế giới đang chuyển dần sang xu hướng tài trợ cho các giao dịch có phương thức thanh toán trả sau (ghi sổ).

Một giao dịch có phương thức thanh toán ghi sổ nghĩa là hàng hóa được vận chuyển và giao trước khi phải thanh toán, từ đó tạo ra một khoản phải thu và khoản phải trả tương ứng trên bảnG cân đối kế toán của bên bán và bên mua.

Rõ ràng, nếu nhìn từ góc độ dòng tiền và các điều khoản về chi phí thì đây sẽ là lựa chọn thuận lợi nhất cho các nhà nhập khẩu, nhưng lại là lựa chọn có rủi ro cao nhất đối với bên xuất khẩu. Do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu, bên mua nước ngoài thường khuyến khích bên xuất khẩu bán hàng theo hình thức trả sau này.

Ngoài ra, việc bên bán gia hạn thời gian thanh toán cho bên mua cũng phổ biến hơn ở nước ngoài. Do đó, bên xuất khẩu - những người không muốn gia hạn thời gian thanh toán có thể phải đối mặt với khả năng mất doanh thu cho đối thủ cạnh tranh của họ. Vì thế, bao thanh toán quốc tế là một trong những điều kiện cấp hạn mức cho các doanh nghiệp khi Việt Nam ngày càng gia nhập sâu vào thị trường thế giới.

Bà Vương Thị Huyền, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp VIB, bao thanh toán quốc tế tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thăm dò, triển khai và hoàn thiện sản phẩm. Doanh số bao thanh toán tại Việt Nam còn khiêm tốn và không theo xu hướng chung của toàn cầu. Trong khi, nghiệp vụ bao thanh toán giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được các hạn mức tín dụng hiện có, đồng thời được hưởng lợi nhờ những điều khoản thanh toán trả chậm theo phương thức ghi sổ cũng như tránh được rào cản ngôn ngữ khi giao dịch với đối tác nước ngoài, loại bỏ rủi ro thanh toán xuất khẩu và áp lực mở L/C và trách nhiệm phải thực hiện theo L/C; đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu đặt hàng; tăng doanh thu xuất khẩu…

Với kim ngạch thương mại quốc tế hàng năm khoảng 300 tỷ USD, Việt Nam có tiềm năng đáng kể về phát triển các dịch vụ bao thanh toán quốc tế. Theo thống kê của FCI năm 2014, tổng giá trị giao dịch thông qua dịch vụ bao thanh toán của các thành viên FCI trên toàn thế giới đạt gần 2.373 tỷ euro. Trong đó, giá trị giao dịch bao thanh toán tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 100 triệu euro.

Dịch vụ bao thanh toán tại Việt Nam được thực hiện bởi 8 nhà cung cấp chính thức, ba trong số đó là thành viên của IFC cũng thử nghiệm dịch vụ bao thanh toán quốc tế thông qua chương trình tài trợ thương mại toàn cầu cho nhà cung cấp (GTSF) từ năm 2013, tài trợ hơn 4,5 triệu USD cho 11 nhà cung cấp của 4 nhà thu mua quốc tế thuộc ngành may mặc.

Theo Hiệp hội Bao thanh toán quốc tế (FCI), bao thanh toán là một dịch vụ tài chính trọn gói, kết hợp việc tài trợ vốn lưu động, phòng ngừa rủi ro tín dụng, theo dõi công nợ và thu hồi nợ. Đó là sự thỏa thuận giữa đơn vị bao thanh toán và người bán, trong đó đơn vị bao thanh toán sẽ mua lại khoản phải thu của người bán, thường là không truy đòi, đồng thời có trách nhiệm đảm bảo khả năng chi trả của người mua. Nếu người mua phá sản hay mất khả năng chi trả vì những lý do tín dụng thì đơn vị bao thanh toán sẽ thay người mua trả tiền cho người bán. Khi người mua và người bán ở hai nước khác nhau thì dịch vụ này được gọi là bao thanh toán quốc tế.

Còn theo Khoản 17, Điều 4, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Tin bài liên quan