Bảo lãnh là nghiệp vụ khá cơ bản của các ngân hàng 
Ảnh: Hoài Nam

Bảo lãnh là nghiệp vụ khá cơ bản của các ngân hàng Ảnh: Hoài Nam

Bảo lãnh nhà ở tương lai, băn khoăn câu chuyện cấp giấy phép

(ĐTCK) Sau khi bổ sung nghiệp vụ vào giấy phép hoạt động, nhiều ngân hàng tên tuổi như Sacombank, Eximbank… đã có tên trong danh sách được bảo lãnh bất động sản. Tuy nhiên, điều khó hiểu là đây chỉ là một trong những nghiệp vụ bình thường của ngân hàng, sao lại phải có thêm giấy phép?

Sacombank các cái tên gây nhiều sự ngạc nhiên nhất khi vắng mặt trong danh sách lần đầu các ngân hàng đủ điều kiện thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bởi vì, đây là một tên tuổi lớn trong số các ngân hàng thương mại và đã có kinh nghiệm nhiều năm hoạt động bảo lãnh, nhưng bị loại với lý do Giấy phép hoạt động không quy định hoạt động bảo lãnh thanh toán.

Ngày 18/8 vừa qua, NHNN đã có quyết định sửa đổi nội dung giấy phép hoạt động của Sacombank, với việc bổ sung nội dung hoạt động “cấp tín dụng dưới hình thức bảo lãnh ngân hàng”.

Tương tự, Nam Á Bank sau khi được bổ sung nội dung hoạt động “cấp tín dụng dưới hình thức bảo lãnh ngân hàng” vào giấy phép hoạt động cũng đã cùng Sacombank lọt vào danh sách đợt 2 được thực hiện bảo lãnh bất động sản.

Tuy nhiên, dù giấy phép hoạt động trước sửa đổi của các ngân hàng này đều không có nội dụng này, nhưng trong điều lệ của cả Sacombank (công bố năm 2014) và của NamA Bank (được ĐHCĐ thông qua ngày 17/4/2015) đều ghi rõ, các ngân hàng này có hoạt động cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức bảo lãnh ngân hàng.

Một trường hợp cũng không có tên trong danh sách được bảo lãnh bất động sản do trong giấy phép hoạt động không có nội dung cấp tín dụng dưới hình thức bảo lãnh ngân hàng là Eximbank. Tuy nhiên, khác với Sacombank và NamA Bank, Eximbank vẫn chưa thấy thông báo thay đổi giấy phép hoạt động có bổ sung nội dung này. Dù vậy, cũng tương tự 2 ngân hàng trên, trong điều lệ của Eximbank cũng có nội dung về cấp tín dụng dưới hình thức bảo lãnh.

Không bàn nhiều tới việc, tại sao chưa được cấp phép, nhưng điều lệ các ngân hàng lại có nội dung hoạt động cấp tín dụng dưới hình thức bảo lãnh ngân hàng, việc Thông tư 07 yêu cầu giấy phép hoạt động của các ngân hàng thương mại phải có nội dung nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng mới được thực hiện đã gây băn khoăn, bởi khi nhắc đến bảo lãnh, chúng ta vẫn ngầm định là đây là một hoạt động bình thường của các ngân hàng và cũng đã được các nhà băng tại Việt Nam thực hiện từ khá lâu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, bảo lãnh chính là một hình thức cấp tín dụng, ngân hàng thương mại đứng ra đảm bảo thay chủ đầu tư để hoàn trả tiền cho khách hàng trong trường hợp cam kết về dự án không thực hiện được, sau đó ngân hàng sẽ xử lý dự án để thu hồi khoản tín dụng đã cấp.

Việc một số ngân hàng như GPBank, Oceanbank và DongA Bank bị loại do đã rơi vào kiểm soát đặc biệt vì có sai phạm quản lý tín dụng, còn với các ngân hàng như Sacombank, Eximbank hay NamA Bank, thì việc bị loại là do các ngân hàng này không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong giấy phép hoạt động được NHNN cấp theo Điều 90, Luật các Tổ chức Tín dụng 2010.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, việc Thông tư 07 vận dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010, nhưng vận dụng khá máy móc.

Thực chất, bảo lãnh là nghiệp vụ đơn giản nhất, bình thường nhất và tối thiểu nhất của một ngân hàng và bất kỳ ngân hàng nào cũng khẳng định là được làm. Tuy nhiên, trong giấy phép hoạt động của các ngân hàng “cũ”, gần như không có nội dung “bảo lãnh ngân hàng”. Vì vậy, trong danh sách những ngân hàng được phép bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, gần như đều phải sửa đổi lại giấy phép có bổ sung nội dung này.

Cắt giảm thủ tục hành chính nhằm từng bước phù hợp thông lệ quốc tế là chủ trương mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Dù sự cẩn trọng là điều cần thiết với các tổ chức tín dụng, nhưng cũng cần có sự thông thoáng hơn về mặt thủ tục, đặc biệt khi trong bối cảnh hội nhập, nhiều nghiệp vụ, sản phẩm mới phát sinh, đòi hỏi các ngân hàng phải nhạy bén và nó cũng đòi hỏi cả sự linh hoạt của cả cơ quan quản lý.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan