Bán nợ, ngân hàng kỳ vọng “tiền tươi, thóc thật”

Bán nợ, ngân hàng kỳ vọng “tiền tươi, thóc thật”

Vài tháng gần đây, việc xử lý nợ xấu đã chuyển động nhanh hơn, song điều ngân hàng mong chờ nhất là “chợ” nợ xấu phải sớm được hình thành, khi đó nợ xấu mới chuyển hóa từ tài sản đảm bảo, trái phiếu đặc biệt sang tiền thực đổ vào tài khoản các nhà băng.

VAMC mua gần 300.000 tỷ đồng, xử lý hơn 60.000 tỷ đồng nợ xấu

Vài tháng gần đây, thông tin Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, bán đấu giá nợ xấu được đưa ra dồn dập. Điều này cho thấy, xử lý nợ xấu đã có bước tiến triển sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đi vào cuộc sống.

TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc BIDV khẳng định, việc xử lý nợ xấu của VAMC và các ngân hàng có nhiều thuận lợi hơn trước. Cụ thể, các bộ, ngành bắt đầu vào cuộc tích cực hơn, đặc biệt là phía tòa án, chính quyền địa phương, lực lượng công an.

Một trong những ngân hàng bán nợ tích cực nhất cho VAMC sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực là Sacombank. Theo đề án tái cơ cấu của ngân hàng này, Sacombank sẽ bán khoảng 17.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank kỳ vọng, số nợ bán cho VAMC sẽ giúp Sacombank thu về tiền tươi, thay vì trái phiếu đặc biệt như trước. Lãnh đạo Sacombank cũng thừa nhận, “tiền tươi, thóc thật” chỉ có thể thu về nếu tài sản đảm bảo được xử lý thành công.

Trong 9 tháng đầu năm nay, VAMC đã mua nợ của 14 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 20.995 tỷ đồng, giá mua nợ là 20.619 tỷ đồng. 
Tính từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được 26.108 khoản nợ của 16.197 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 296.550 tỷ đồng, giá mua nợ là 266.543 tỷ đồng. 
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Nhiều ngân hàng khác cũng đang phối hợp với VAMC xử lý tài sản đảm bảo nhằm thu hồi nợ. Lo lắng lớn nhất của các ngân hàng là tìm đầu ra cho các khoản tài sản đảm bảo này. Lý do là, dù việc thu giữ tài sản đảm bảo đã thuận lợi hơn, song việc biến nợ xấu này thành tiền thực tùy thuộc rất nhiều vào việc thị trường mua bán nợ có được kích hoạt hay không.

Thực tế, trong khối nợ xấu khổng lồ mua về, số nợ xấu đã được VAMC xử lý mới vỏn vẹn trên 60.000 tỷ đồng. Đặc biệt, số nợ xấu mà VAMC mua bằng tiền thực mới chỉ 185 tỷ đồng. Như vậy, các ngân hàng bán nợ cho VAMC vẫn chủ yếu nhận về trái phiếu đặc biệt.

Lập sàn, bán nợ cho nhà đầu tư ngoại

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, sự sôi động của thị trường mua bán nợ phụ thuộc vào việc các bên có tham gia hào hứng hay không, việc định giá các khoản nợ có minh bạch và đúng giá thị trường hay không… 

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC thừa nhận, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn liên quan đến định giá khoản nợ. Trong khi đó, thị trường nợ tuy đã hình thành, nhưng có rất ít đối tượng tham gia. Vì vậy, để mua bán nợ có một thị trường thực sự, cần thành lập sàn giao dịch nợ xấu, nghĩa là các khoản nợ xấu phải được chứng khoán hóa, đưa lên sàn.  

Ngoài ra, một yếu tố mấu chốt nữa để thị trường nợ thoát khỏi cảnh người bán ê hề, người mua khan hiếm như hiện nay, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần có cơ chế “mở” cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, rất quan tâm đến thị trường mua bán nợ Việt Nam, nhất là các khoản nợ xấu liên quan đến bất động sản. Để tận dụng cơ hội này và để thúc đẩy quá trình xử lý nợ, chúng ta phải tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến vấn đề sở hữu nhà của người nước ngoài, có thể cho họ quyền ủy thác cho cá nhân, tổ chức trong nước quản lý như cách Hàn Quốc đã làm trước đây”, TS. Lực đề nghị.

Đương nhiên, để nhà đầu tư trong và ngoài nước dám bỏ tiền mua nợ xấu, thủ tục pháp lý phải là khâu được “gỡ” đầu tiên. Được biết, tại một số ngân hàng, số tài sản đảm bảo chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý chiếm tới gần 50%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài sau khi được tiếp cận hồ sơ nợ xấu của các ngân hàng đã âm thầm tháo chạy thời gian qua.

Tin bài liên quan