Bất động sản ấm lên được kỳ vọng sẽ hỗ trợ xử lý nhanh nợ xấu

Bất động sản ấm lên được kỳ vọng sẽ hỗ trợ xử lý nhanh nợ xấu

Băn khoăn mục tiêu kiểm soát nợ xấu

(ĐTCK) Nợ xấu mới của ngân hàng vẫn phát sinh, trong khi khâu phát mãi tài sản quá nhiêu khê nên mục tiêu kiểm soát nợ xấu về 3% trong năm nay vẫn được xem là thách thức rất lớn.

Nợ xấu mới vẫn phát sinh

Chiều hôm qua (12/5), Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM đã có cuộc họp với các NHTM trên địa bàn Thành phố xoay quanh vấn đề xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hoạt động ngân hàng và giảm lãi suất trung, dài hạn để khơi thông dòng chảy vốn.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, tính đến cuối tháng 4/2015, dư nợ cho vay của Ngân hàng tăng 5,6%. Nhưng nợ xấu của Sacombank đến cuối tháng 4 cũng tăng lên 1,19% so với mức 1,18% cuối năm 2014. Theo ông Tâm, Sacombank đang từng bước tích cực xử lý nợ xấu cũng như bán nợ cho VAMC. Từ đầu năm đến nay, Sacombank thu được 200 tỷ đồng vốn gốc thu nợ từ các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC.

Còn với ACB, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc cho hay, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng 4,6%. Trong đó, dư nợ tín dụng khối khách hàng cá nhân chiếm 40% và 60% là khách hàng doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nợ xấu của ACB, tính đến cuối tháng 4/2015, cũng tăng lên 2,3% so với mức 2,09% cuối tháng 3 và 2,18% cuối năm 2014. ACB cũng có kế hoạch bán khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm nay.

Theo lãnh đạo ACB, hiện nợ xấu được xử lý dưới 3 hình thức là bán nợ xấu cho VAMC, đem ra tố tụng và đàm phán với khách hàng để thu hồi nợ. Trong đó, việc đàm phán với khách hàng để thu hồi nợ được xem là giải pháp tốt để thu hồi nợ.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tính đến cuối tháng 4/2015 tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn tăng 1,91%, dư nợ cho vay tăng 4,14% so với cuối năm 2014. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm đó là nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. HCM đến cuối tháng 4/2015 tăng lên 5,53% so với con số 5,31% cuối năm 2014. Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu.

Nợ xấu mới có phát sinh từ các khoản vay chính là lý do khiến cho nợ xấu ngân hàng tăng. Nhưng nợ xấu tăng mạnh chủ yếu ở các định chế tài chính phi ngân hàng. Còn nếu tính 12 NHTM có trụ sở trên địa bàn TP. HCM, tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,45% tổng dư nợ. Theo kế hoạch trong năm 2015, mục tiêu chung của ngành ngân hàng và tại TP. HCM là xử lý nợ xấu và đưa về dưới mức 3% tổng tài sản có được phân loại. Sự phục hồi của các thị trường, nhất là thị trường bất động sản được kỳ vọng tạo sẽ hỗ trợ ngân hàng hoàn thành mục tiêu này.

Mặc dù điều kiện có những thuận lợi hơn, nhưng theo ý kiến các ngân hàng tại cuộc họp, để xử lý được nợ xấu, đòi hỏi phải gỡ vướng trong khâu phát mãi tài sản đảm bảo nên cần có sự chung tay của các cơ quan ban ngành.

Đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cũng nhấn khá trọng tâm vào giải pháp này. Theo TS. Trần Du Lịch, nếu kỳ vọng vào thị trường bất động sản ấm lên để có thể xử lý nhanh hơn nợ xấu là rất mong manh. Hiện bất động sản chỉ mới bán được các sản phẩm căn hộ nhà giá thấp. Trong khi, các phân khúc bất động sản khác vẫn đóng băng và khó kỳ vọng sớm khôi phục. 

Gỡ khó khâu phát mãi tài sản

Một trong những giải pháp được TS. Trần Du Lịch đề xuất để có thể đẩy mạnh việc xử lý nợ, đó chính là phải “gỡ” khó cho khâu phát mãi tài sản đảm bảo và “đây mới là mấu chốt cho việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu”.

Theo TS. Lịch, việc đốc thúc các NHTM đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC cũng chỉ mới “gom” được nợ xấu về một mối. Còn đầu ra của nợ xấu vẫn là một bài toán cần tìm được lời giải mà trước hết trách nhiệm xử lý nợ xấu thuộc về các ngân hàng, trong khi các nhà băng vẫn phải trích dự phòng 20% mỗi năm cho trái phiếu đặc biệt nhận lại. Nhưng chính việc phát mãi tài sản đảm bảo khó khăn, được ví như tình trạng “kẹt xe” đã khiến cho các “xe” chở nợ xấu của VAMC phải dừng lại bên lề đường làm cho tình trạng “kẹt” xe ngày càng gia tăng, kéo theo khó khăn cho nền kinh tế khi dòng vốn tín dụng khó lưu thông.

Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, mặc dù lượng nợ xấu VAMC mua lại từ các ngân hàng hiện đã lên con số khổng lồ và dự kiến đến cuối năm nay đạt trên 200.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đầu ra của nợ xấu vẫn là một “ẩn số” chưa tìm được lời giải.

“Việc xử lý nợ xấu hiện nay được ví như là lấp được hố này thì chuyển sang hố kia, nên nguy cơ bùng nổ rất lớn. Trong khi đó, mục tiêu của ngành ngân hàng đưa ra là sẽ kiểm soát được nợ xấu về dưới mức 3% cuối năm nay”, luật sư Nghĩa nói và cho rằng, gần đây, bất động sản có dấu hiệu tăng nên nhiều người cho rằng, sẽ là điều kiện tốt để giải quyết khâu phát mãi tài sản đảm bảo trong vay nợ, từ đó giảm được nợ xấu. Nhưng thực tế cho thấy, việc phát mãi tài sản đảm bảo của các ngân hàng trong xử lý nợ vẫn gian nan. Còn bất động sản chỉ bán được dòng sản phẩm có giá thấp, phân khúc nhà ở xã hội, nhưng chưa phải là đột biến. Trong khi đó, bắt đầu có những lo ngại cho rằng, bất động sản lên giá khó tránh tình trạng bong bóng…

Đồng quan điểm, PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính – Marketing cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của các NHTM trên địa bàn TP. HCM có dấu hiệu tăng lên trong 4 tháng đầu năm nay là điều đáng lưu tâm. Vì vậy, theo PGS. TS. Ngân, song song với tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cần có biện pháp để kiểm soát rủi ro nợ xấu, nhất là đối với các khoản nợ xấu mới phát sinh.

Tin bài liên quan