Với người làm nghề ngân hàng, kiến thức pháp lý nghiệp vụ là cần nhất

Với người làm nghề ngân hàng, kiến thức pháp lý nghiệp vụ là cần nhất

Ba nhân tố nền tảng trong chất lượng nhân sự ngân hàng

(ĐTCK) Sau mỗi chu kỳ khủng hoảng, bế tắc trong kinh doanh, “tái cấu trúc hoạt động” lại trở thành cụm từ phổ biến, thể hiện mong ước đổi mới đi cùng niềm hy vọng của giới lãnh đạo ngân hàng. 

Nhưng tái cấu trúc thành hay bại cuối cùng vẫn đặt trên nền tảng định đoạt là nhân tố con người. Điều tạo nên sự khác biệt trong nhân tố con người của các ngân hàng chính là: kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Kiến thức nào cần?

Mọi kiến thức đều hay, nhưng với người làm nghề ngân hàng, kiến thức pháp lý nghiệp vụ là cần nhất.

Đặc thù của nghề ngân hàng, mỗi thao tác nghiệp vụ là mỗi quy tắc, mỗi giao dịch đều có giới hạn và mỗi hành động đều có những ràng buộc. Người ta thường nói rằng, “ngân hàng chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Am hiểu nghiệp vụ chính là am hiểu các quy định pháp luật liên quan đến thực thi công việc. Như vậy, kiến thức cần nhất đối với nhân sự trong lĩnh vực ngân hàng chính là kiến thức pháp lý nghiệp vụ.

Nếu như giới chủ ngân hàng chú trọng vào kiến thức pháp lý nghiệp vụ, thì nền tảng kinh doanh của ngân hàng sẽ chắc chắn và an toàn. Nếu như một tổng giám đốc ngân hàng không có kiến thức pháp lý nghiệp vụ, thì chắc chắn việc chỉ đạo điều hành không thể rõ nét, thấu đáo, hợp tình hợp lý.

Nhân sự các bộ phận trong ngân hàng nắm được tốt kiến thức pháp lý nghiệp vụ không chỉ khiến cho hoạt động ngân hàng tuân thủ pháp luật mà còn có thể tạo ra những đột phá trong kinh doanh. Ví như, nếu hiểu rõ và khai thác được quy định về giao dịch một cửa từ Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng hoàn toàn có thể triển khai một quy trình giao dịch gửi, rút tiền cho khách hàng mà không cần đến bất kỳ nhân viên giao dịch nào ngồi tại quầy. Các sản phẩm kinh doanh tốt của ngân hàng thực chất luôn là những điều kiện biến đổi trong khuôn khổ pháp luật để tạo nên những lợi thế hấp dẫn với khách hàng. 

Do vậy, xét từ nhân sự cấp cao cho đến cấp thấp, từ người quản trị điều hành cho đến người làm công việc đơn thuần chuyên môn, kiến thức pháp lý nghiệp vụ chính là nền tảng tạo nên khác biệt về chất lượng của mỗi ngân hàng. 

Kỹ năng nào thiếu?

Nhìn lại hàng loạt vụ thất thoát vài chục, vài trăm, vài nghìn tỷ đồng đã qua mới thấy rằng, có rất nhiều hậu quả rủi ro có thể sẽ không đến với ngân hàng nếu như nhân sự ngân hàng có kỹ năng nhận thức và phòng chống rủi ro nghiệp vụ. Đó chính là kỹ năng còn thiếu với nhân sự ngành ngân hàng.

Biết rủi ro thì mới biết cách phòng tránh, nhưng điều này cũng khiến nhân sự ngân hàng rụt rè trong kinh doanh. Trong khi đó, giới chủ ngân hàng luôn có tâm lý thúc đẩy hoạt động kinh doanh và hạn chế những điều gây ảnh hưởng đến việc này. Do vậy, nhiều ngân hàng chỉ chú trọng trang bị cho nhân sự các kỹ năng bán hàng.

Kỹ năng chào hàng, bán hàng có thể giúp dễ dàng gia tăng dư nợ. Tuy nhiên, kỹ năng nhận biết khách hàng với những yếu tố về thẩm quyền đại diện, ủy quyền, quyết định, những vấn đề về sở hữu tài sản, những rủi ro pháp lý, những thủ đoạn phạm tội… lại giúp nhân sự ngân hàng loại bỏ nhiều giao dịch tiềm ẩn rủi ro.

Biết rủi ro thì mới biết cách phòng tránh, nhưng điều này cũng khiến nhân sự ngân hàng rụt rè trong kinh doanh. Trong khi đó, giới chủ ngân hàng luôn có tâm lý thúc đẩy hoạt động kinh doanh và hạn chế những điều gây ảnh hưởng đến việc này. Do vậy, nhiều ngân hàng chỉ chú trọng trang bị cho nhân sự các kỹ năng bán hàng. Thực tế đã chứng minh, cách làm một chiều này giúp cho ngân hàng tăng trưởng doanh thu, đạt được lợi nhuận. Nhưng cũng cho thấy, ngân hàng từng nhận lại nhiều hậu quả mà so với nó, doanh thu đạt được chỉ là con số khiêm tốn.

Ngân hàng luôn tìm kiếm lợi nhuận từ việc phát hiện, khai thác và quản lý các cơ hội, rủi ro. Vậy nên không thể nhất bên trọng khai thác cơ hội mà nhất bên khinh việc quản trị rủi ro. Nhiều ngân hàng dường như nhận thức được điều này và đã tạo nên đẳng cấp khác biệt về chất lượng nhân sự với việc gia tăng hỗ trợ phát triển những kỹ năng nhận thức, phòng chống rủi ro nghiệp vụ cho cán bộ của mình. 

Thái độ quan trọng như trình độ

Với lĩnh vực ngân hàng, thái độ tuân thủ là điều tạo nên tinh thần làm việc chuyên nghiệp. Không thể có một môi trường ngân hàng lành mạnh, khi mà lãnh đạo ngân hàng xem thường pháp luật, còn cán bộ ngân hàng thì coi nhẹ quy trình. Hậu quả trong kinh doanh ngân hàng thường đến từ sự vượt rào không giới hạn các khuôn khổ pháp luật, các nguyên tắc quy trình.

Do vậy, bên cạnh việc đánh giá chất lượng nhân sự bằng kiến thức, kỹ năng, thì thái độ tuân thủ cũng quan trọng không kém.

Ba nhân tố kiến thức, kỹ năng và thái độ có một mối liên hệ chặt chẽ. Khi nhân sự ngân hàng có kiến thức, kỹ năng tốt, thì tất yếu sẽ có thái độ tuân thủ cần thiết.

Tái cấu trúc ngân hàng phải dựa trên vấn đề nhân sự. Việc chú trọng ba nhân tố kiến thức, kỹ năng, thái độ là cơ sở bảo đảm cho ngân hàng xây dựng một tháp tái cấu trúc vươn cao.

Tin bài liên quan