MBB, BID, VCB là 3 ngân hàng trong hệ thống thực hiện phân loại nợ theo phương pháp định tính

MBB, BID, VCB là 3 ngân hàng trong hệ thống thực hiện phân loại nợ theo phương pháp định tính

An toàn vốn của các ngân hàng thương mại và lộ trình thực hiện Basel II

(ĐTCK) Hiệp ước Basel ban đầu được xây dựng để giải quyết yêu cầu cấp bách về việc tạo dựng một thị trường tài chính an toàn, ổn định hơn; tạo một mặt bằng chung cho các ngân hàng cạnh tranh trên quy mô quốc tế.

Sự tiến triển của các Hiệp ước tiêu chuẩn vốn Basel

Phiên bản đầu tiên của Basel, Basel I ra đời năm 1988, do Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) soạn thảo. Hiệp ước này ban đầu chỉ nhằm áp dụng đối với các ngân hàng hoạt động trên quy mô quốc tế, nhưng đã được rất nhiều quốc gia chào đón và áp dụng rộng rãi ở các ngân hàng hoạt động ở cấp quốc gia.

Qua 3 phiên bản Hiệp ước Basel, các tiêu chuẩn cao hơn và chặt chẽ hơn đã dần được áp dụng (xem bảng 1).

Từ Basel I ban đầu chỉ chú trọng đến rủi ro tín dụng, đến Basel II, với ba cột trụ đưa ra các quy định không chỉ về quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, mà còn tập trung cả về hệ thống kiểm soát nội bộ và giám sát của ngân hàng, các nguyên tắc thị trường và công bố thông tin.

Cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra cho thấy, Basel II, mặc dù đã cải tiến rất nhiều so với Basel I, song vẫn còn hạn chế. Do đó, ở phiên bản mới nhất, Basel III, hàng loạt quy định về rủi ro thanh khoản, mức vốn tối thiểu và các quy định khác đều đã được nâng cấp so với Basel II.

Thực trạng áp dụng Basel tại Việt Nam

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa phải là một thành viên của BCBS, do đó không bị ràng buộc bởi thời hạn phải tuân thủ Basel II. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã dần tiếp cận với Basel II bằng cách ban hành nhiều văn bản luật và quy định theo định hướng Basel II.

So với các tiêu chuẩn của Basel II, các quy định trong Thông tư 13 vẫn còn khá hạn chế và để tiến đến hoàn toàn tuân thủ, các NHTM Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài.

                                         Vốn cấp 1 + Vốn cấp 2

      CAR =  ---------------------------------------------------------------------

                  Tài sản có rủi ro + Rủi ro thị trường + Rủi ro tác nghiệp

Cụ thể, theo quy định của Thông tư 13, cách tính tổng vốn, bao gồm vốn cấp 1 và vốn cấp 2 đã khá tương đồng với Basel II, nhưng phần mẫu số mới chỉ xác định rủi ro tín dụng, chưa tính đến rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp.

Lý do là bởi phần lớn các ngân hàng Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở dữ liệu để xây dựng mô hình lượng hóa các loại rủi ro này. Do đó, theo Thông tư 13, mẫu số sẽ nhỏ hơn và tỷ lệ CAR sẽ cao hơn và không tương đồng khi so sánh với tỷ lệ CAR được tính toán tại các nước tuân thủ Basel II.

Cũng cần lưu ý về mối quan hệ nhân quả của việc nợ xấu tăng cao và tỷ lệ CAR suy giảm. Khi chất lượng tài sản giảm sút, chi phí dự phòng tăng cao sẽ “ăn” vào lợi nhuận của ngân hàng, làm suy giảm mức vốn và sức khỏe tài chính, được đo bằng chính tỷ lệ CAR.

Do đó, chừng nào các ngân hàng còn giấu giếm con số nợ xấu và không tuân thủ các quy định về trích lập dự phòng, chừng đó tỷ lệ CAR còn bị thổi phồng và không phản ánh chính xác mức độ an toàn vốn của các ngân hàng Việt Nam.

Tình hình 10 ngân hàng thí điểm thực hiện Basel II

Mặc dù NHNN đã lên kế hoạch áp dụng Basel II đối với tất cả các ngân hàng trên toàn hệ thống, nhưng do tỷ lệ nợ xấu tăng cao và khả năng sinh lời giảm sút trong những năm gần đây, có vẻ như không phải tất cả các ngân hàng đều sẵn sàng “uống” liều thuốc đắng Basel II.

Gần đây, NHNN đã công bố danh sách 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II theo lộ trình thực hiện từ năm 2015 - 2018. Sau giai đoạn này, Basel II sẽ được áp dụng rộng rãi tại các NHTM còn lại.

Với những quan ngại về tình hình nợ xấu và mức độ minh bạch trong việc báo cáo thực trạng nợ xấu của các ngân hàng đang làm sai lệch tỷ lệ CAR, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi so sánh tổng nợ xấu, nợ nhóm 2, tổng dự phòng rủi ro tín dụng hiện tại của các ngân hàng và thực hiện bài “kiểm tra sức chịu đựng” của tỷ lệ CAR với các giả định về mức độ nợ xấu khác nhau:

(1) Tình huống khả quan: các ngân hàng đã phân loại nợ xấu minh bạch và chính xác;

(2) Tình huống cơ bản: 50% nợ nhóm 2 thực tế là nợ xấu;

(3) Tình huống bi quan: 100% nợ nhóm 2 thực tế là nợ xấu. Chúng tôi dùng tổng số vốn chủ sở hữu và giấy tờ có giá dài hạn để ước tính tổng vốn (cấp 1 và cấp 2) của ngân hàng và ước tính mức vốn của các ngân hàng và tỷ lệ an toàn vốn CAR sẽ bị giảm đi như thế nào trong từng tình huống giả định (xem bảng 2).

Kết quả bài “kiểm tra sức chịu đựng” của 10 ngân hàng cho thấy, ở tình huống bi quan, có tới một nửa số ngân hàng đang thiếu vốn với tỷ lệ CAR dưới mức tối thiểu quy định 9%.

Đáng lưu ý, BID, VCB và MBB là ba ngân hàng duy nhất trong trong hệ thống thực hiện phân loại nợ theo phương pháp định tính (Điều 7 Quyết định 493) - phương pháp được đánh giá là cẩn trọng hơn so với phương pháp định lượng (Điều 6 Quyết định 493).

Tuy nhiên, lưu ý rằng, bài kiểm tra đơn giản của chúng tôi mới chỉ xem xét đến rủi ro tín dụng. Do đó, tỷ lệ CAR mà chúng tôi ước tính chắc chắn vẫn cao hơn tỷ lệ CAR tính toán theo chuẩn mực Basel II khi bao gồm cả rủi ro tác nghiệp và rủi ro thị trường vào công thức.

Giải pháp trước mắt

Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia châu Á cho thấy, thường phải mất 5 - 7 năm để hoàn toàn tuân thủ Basel II. Nếu lấy mốc 2012 là khởi điểm, có thể kỳ vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ hoàn thành tuân thủ Basel II vào năm 2018.

Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do phải ưu tiên giải quyết vấn đề nợ xấu tăng cao, lộ trình thực hiện Basel II tại Việt Nam vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Tình trạng thiếu vốn của hầu hết các ngân hàng khi tiến đến tuân thủ Basel II là một điều chắc chắn, do đó các ngân hàng sẽ cần huy động một lượng vốn lớn, cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2 để nâng tỷ lệ CAR đạt chuẩn.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khi nào các NĐT còn nghi ngại về chất lượng tài sản của các ngân hàng, khi đó chi phí vốn sẽ còn cao. Vì thế, bên cạnh việc cần phải ban hành quy định mới thay thế cho Thông tư 13, với các điều luật chặt chẽ, toàn diện hơn và hoàn toàn tuân thủ Basel II, trước mắt các nhà quản lý và bản thân các ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc quy định về phân loại tài sản và trích lập dự phòng; xây dựng hệ thống quản trị rủi ro toàn diện theo chuẩn mực quốc tế.

Làm được điều này, nâng cao lòng tin của các NĐT, khi đó, các ngân hàng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tăng vốn và đảm bảo an toàn vốn trong tương lai.

Tin bài liên quan