ACB đã thu hồi được khoảng 100 tỷ đồng nợ của nhóm G6 trong quý đầu năm nay. Ảnh: Đức Thanh

ACB đã thu hồi được khoảng 100 tỷ đồng nợ của nhóm G6 trong quý đầu năm nay. Ảnh: Đức Thanh

ACB quyết thu cả ngàn tỷ nợ từ 6 công ty của bầu Kiên

Tuy có khó khăn trong xử lý nợ xấu, song ACB cho biết, Ngân hàng sẽ quyết tâm thu hồi khoản nợ vay liên quan đến nhóm 6 công ty (G6) của ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) và gia tăng dự phòng.     

Nợ xấu là chủ đề được các cổ đông Ngân hàng Á Châu (ACB) và thị trường, giới đầu tư quan tâm chất vấn lãnh đạo ACB trong các kỳ đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhất là vấn đề nợ đọng nơi 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên được xử lý tới đâu và trích dự phòng thế nào.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, khoản nợ của nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên hiện còn 5.767 tỷ đồng, nhưng tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp trong nhóm cân đối được nợ vay. ACB đang tiếp tục kế hoạch xử lý các khoản nợ này trong năm 2016, với mục tiêu thu hồi 2.000 tỷ đồng.

Trong quý I/2016, ACB đã thu hồi được ít nhất 100 tỷ đồng nợ của nhóm G6 và 200 tỷ đồng đã được ngân hàng này ghi nhận dự phòng trong quý đầu năm nay. ACB cho biết, đối với nhóm nợ G6 liên quan đến Bầu Kiên, Ngân hàng đã đặt ra mục tiêu thu hồi khoản phải thu hoặc ghi nhận dự phòng trong vòng 3 năm tới, kéo dài từ 2016-2018 và 1.000 tỷ đồng trong năm nay.

Trước đó, năm 2013, ACB đã thu hồi được 1.247 tỷ đồng nợ vay của Bầu Kiên, năm 2014 thu hồi thêm 3.000 tỷ đồng trong số 5.833 tỷ đồng nợ còn lại. Có thể do những khó khăn của thị trường trong năm 2 năm trước, nên tiến độ thu hồi nợ của nhóm G6 không mấy thuận lợi. Song ACB cho biết, sẽ quyết tâm tất toán khoản nợ vay của Bầu Kiên trong vòng 3 năm theo lộ trình NHNN đưa ra trước đây. “Trên cơ sở tư vấn pháp lý của các công ty luật, ACB tin tưởng sẽ thu hồi được các khoản phải thu liên quan đến các vụ án”, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy khẳng định.

Thực tế, năm 2015, các vấn đề cơ bản của ACB đã được xử lý xong. Đối với 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên, tổng nợ còn lại là 5.657 tỷ đồng, nhưng theo ACB, với việc cân đối lại tài sản đảm bảo và cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, phía kiểm toán đã khẳng định, Ngân hàng sẽ cân đối được khoản vay này. Tuy nhiên, ACB còn phải cố gắng thảo luận đưa ra phương án xử lý với người vay bán tài sản đảm bảo để thu hồi, cố gắng thu hồi ở mức 2.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ACB, Ngân hàng có khả năng thu phần lớn khoản nợ trên và có thể hoàn nhập dự phòng. Tuy nhiên, lãnh đạo ACB cũng thẳng thắn thừa nhận, có một số điểm có thể làm tốt hơn trong năm vừa qua. Hệ quả sinh lời tốt hơn nếu ACB không phải xử lý các tồn đọng trong quá khứ và còn gặp nhiều khó khăn do giá trị tài sản lớn, thủ tục hành chính và sự hợp tác không thuận lợi.

Trong năm 2015, ACB đạt lợi nhuận xấp xỉ 3.000 tỷ đồng trước thuế, song nhà băng này đã phải dành hơn 1.600 tỷ đồng xử lý các tồn đọng từ vụ án Bầu Kiên để lại, nên lợi nhuận sau dự phòng rủi ro đạt 1.314 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2014 và đạt 100% kế hoạch. Trong bối cảnh này, ACB còn phải kiên trì và có biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết sớm nhất các vấn đề trong thời gian tới. Ngày 29/12/2015, NHNN đã phê duyệt phương án điều chỉnh tái cơ cấu, trong đó có vấn đề xử lý tiền gửi và xử lý nợ thuộc nhóm 6 công ty của Bầu Kiên. Cụ thể, NHNN cho ACB thời hạn đến năm 2018 để giải quyết khoản nợ G6.

Hết quý I/2016, tín dụng tại ACB tăng 7,6% so với cuối năm 2015, là tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I cao nhất kể từ năm 2009. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) cũng diễn biến tích cực khi so sánh với quý I/2015 và cả năm 2015, tăng lên 3,2% so với 3,1% trong cả hai kỳ so sánh. Xét về tổng thể, chi phí dự phòng quý I/2016 đạt 436 tỷ đồng, so với mức 295 tỷ đồng trong quý I/2015.

Thu nhập lãi ròng (NII) đóng góp phần lớn trong mức tăng lợi nhuận, với lợi nhuận 13,8% hàng năm, trong khi thu nhập ngoài lãi (non-NII) giảm 47,2% trong quý I/2016. Khoản mục thu nhập ngoài lãi bị ảnh hưởng từ ghi nhận dự phòng cho trái phiếu của “nhóm 6 công ty” liên quan đến Bầu Kiên. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), non-NII của ACB sẽ tăng 43,6% nếu không tính đến khoản dự phòng trên.

Được biết, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 của ACB là 18% (Ngân hàng đã đạt được 7,6% sau 3 tháng đầu).

Tin bài liên quan