Theo đó, tính đến ngày 20/9/2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (tăng 15,36% so cùng kỳ 2016), hỗ trợ kiểm soát lạm theo mục tiêu trong bối cảnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý được điều chỉnh.
Tăng trưởng tín dụng cao nhất trong 3 năm
Thanh khoản của tổ chức tín dụng được đảm bảo, dư thừa ở mức hợp lý để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm.
Tín dụng đối với nền kinh tế liên tục tăng ngay từ những tháng đầu năm 2017 và tăng đều qua các tháng.
Đến ngày 20/9/2017, tín dụng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với nhiều năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%).
Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống.
Cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên được NHNN cho biết đều tăng so với cuối năm 2016.
Cụ thể, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn đến tháng 8/2017 đạt 1.222.267 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 20,2% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu đạt 207.001 tỷ đồng, tăng 8,14%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 35.012 tỷ đồng, tăng 25,12%; tín dụng công nghiệp ưu tiên phát triển đạt 153.837 tỷ đồng, tăng 18,9%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49%.
Xử lý nợ xấu đạt chỉ tiêu sớm
Đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 được ban hành, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện các nội dung của Nghị quyết về xử lý nợ xấu.
Từ 1/1/2017 đến hết 15/9/2017, VAMC đã mua nợ của 14 tổ chức tín dụng với tổng dư nợ gốc nội bảng là 20.995 tỷ đồng, giá mua nợ là 20.619 tỷ đồng, đã đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2017 được Ngân hàng Nhà nước giao.
Như vậy, tính từ 2013 đến thời điểm 15/9/2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.108 khoản nợ của 16.197 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng là 296.550 tỷ đồng, giá mua nợ là 266.543 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý, tỷ trọng tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế có xu hướng giảm dần, từ 19,02% năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và đến thời điểm 31/12/2016 là 11,49%. Nhận thức và thói quen về sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã có chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng nhiều người chọn hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thay cho thanh toán bằng dùng tiền mặt.