Thủ tướng chỉ rõ, thứ nhất, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Duy trì được sự ổn định của thị trường tiền tệ, tiếp tục kiểm soát lạm phát ở mức 3,5% thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác phát huy tác dụng. Theo đó, tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức thấp trong trung và dài hạn.
“Đây là thành công quan trọng nhất của điều hành chính sách tiền tệ và đã nhận được sự thống nhất đánh giá cao của lãnh đạo đảng, nhà nước và các định chế tài chính quốc tế lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị
Thứ hai, theo Thủ tướng đó là vấn đề tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng được điều hành ổn định, diễn biến tích cực, tạo điều kiện cho xuất khẩu, thực hiện tốt mục tiêu chống đô la hóa, vàng hóa.
Dự trữ ngoại hối năm 2017 ở mức 53 tỷ USD. Đây là yếu tố quan trọng củng cố vị thế của Việt Nam, đặc biệt, khi các nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam
- Thống đốc Lê Minh Hưng
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chính sách tỷ giá hợp lý đã giúp tăng nhanh dự trữ ngoại hối trong thời gian gần đây, một mức mà mơ ước có trước năm 2020 đã đạt được, từ đó góp phần huy động được nguồn lực ngoại tệ. Với nguồn dự trữ ngoại hối này đã củng cố vị trí, tiềm lực quốc gia tạo lòng tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, người dân đã không thiết tha mua vàng cho thấy niềm tin thị trường rất quan trọng đối với hệ thống”, Thủ tướng nói.
Thứ ba, Thủ tướng cho rằng, hệ thống ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế với tổng dư nợ cuối năm 2017 ở mức 17,55% (năm 2017 tín dụng tăng 18,17% nhưng loại trừ số dư nợ cấp tín dụng bằng nguồn vốn ủy thác của Tập đoàn Samsung thì tín dụng tăng khoảng 17,55%).
Mặc dù tín dụng thấp hơn kế hoạch đặt ra nhưng GDP đạt chỉ tiêu cho thấy chất lượng tăng trưởng, đầu tư của Chính phủ đúng hướng nên đã phát huy tác dụng. Cơ cấu tín dụng đã có chuyển biến tích cực, vốn tín dụng đã tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho công nghiệp cao, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, nông nghiệp…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo NHNN tại Hội nghị
Thủ tướng nhấn mạnh thêm: “Chính sách lãi suất được điều chỉnh hợp lý trong năm qua giúp DN giảm bớt chi phí vốn. Đây là điều rất khuyến khích”.
Thứ tư, theo Thủ tướng là quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD, xử lý nợ xấu giai đoạn 2 được ngành ngân hàng quan tâm triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ, sớm xây dựng và trình chính phủ ban hành Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, chủ động đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý đẩy nhanh tiến trình này.
Phát biểu về vấn đề tái cơ cấu, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, tháng 11/2017 ước tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống TCTD là 2,3%; tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay đầu tư với nền kinh tế ước tính cuối năm 2017 giảm còn 7,91% từ 10,08% của cuối năm 2016. Tổng các khoản nợ xấu được xử lý tháng 11/2017 ước tính đạt 93,7 nghìn tỷ đồng, phần lớn do khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro. Tính từ năm 2012 đến hết tháng 11/2017, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 705,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 407,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 57,81%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác), chiếm 42,19%. Ước tính đến 31/12/2017 xử lý được khoảng trên 50 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42…
“Chính phủ đánh giá cao việc NHNN tập trung sức lực trình Chính phủ để trình Quốc hội Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Nợ xấu tháng 6/2017 là trên 10,5% mà nay chỉ còn trên 7% là bước đi chặt chẽ, rất tốt”, Thủ tướng nói.
Thứ năm, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh trong hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng đã được Thủ tướng ghi nhận. Nhờ đó chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN, sau Brunei (xếp hạng 2/190), Malaysia và Campuchia (xếp hạng 20/190). Theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index) công bố trong năm 2017, NHNN tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số các Bộ, ngành năm 2016.
Thủ tướng còn cho biết thêm: “Thời gian, số lần giao dịch giấy tờ cần cung cấp của khách đã giảm 24%, một số quy trình sản phẩm dịch vụ đã giảm 42%, số lượng bản gốc mẫu biểu giảm 45%, số lượng chữ ký khách hàng giảm 48%, số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ giảm tới 75%... những tỷ lệ giảm mạnh trên cần phát huy, làm gương để văn minh của ngân hàng, tiếp cận với người dân thuận lợi hơn”.
Một điểm nhấn được Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: “NHNN, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính đã phối hợp rất chặt chẽ thường xuyên giữa các Bộ trưởng trong việc trao đổi thông tin, định hướng điều hành để thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ, chỉ đạo của Chính phủ”.