4 điểm nóng đại hội cổ đông ngân hàng

4 điểm nóng đại hội cổ đông ngân hàng

(ĐTCK) Thời điểm này các ngân hàng đang lên lịch để tiến hành ĐHCĐ. Có nhiều nội dung sẽ được các nhà băng đưa ra, nhưng trong đó, nóng nhất vẫn là nợ xấu, lợi nhuận thấp, hết cổ tức và áp lực M&A để giảm sở hữu chéo cũng như nợ xấu.
 

Nợ xấu tăng

Theo kết quả kinh doanh vừa được VPBank công bố, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đến cuối năm 2014 ở mức 2,54% tổng dư nợ, nhưng tổng chi phí dự phòng tới 979 tỷ đồng. BCTC hợp nhất của Vietcombank cho thấy, năm 2014, Ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khá tích cực và tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống còn 2,3% trên tổng dư nợ, từ mức 2,7% hồi đầu năm. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng mạnh, trong đó riêng quý IV tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ với 1.059 tỷ đồng và cả năm tăng xấp xỉ 30%, lên 4.572 tỷ đồng.

Nợ xấu thời điểm cuối năm 2014 của MB tăng lên 2,87% so với tỷ lệ 2,45% đầu năm khiến nhà băng này mạnh tay trích lập hơn 2.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro. Còn với Eximbank, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2014 là 1,54%, tăng so với 1,29% hồi đầu năm. Trong tổng nợ xấu, nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 60% với 1.344 tỷ đồng. Chính vì thế, dự phòng rủi ro của Eximbank tăng lên đáng kể, gấp gần 3 lần so với năm 2013, lên 869 tỷ đồng. Hay VIB cũng phải hy sinh gần 1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, kéo nợ xấu xuống còn 2,51%. 

Lợi nhuận giảm

Do phải trích dự phòng lớn nên lợi nhuận của các ngân hàng sau dự phòng sụt giảm mạnh. Eximbank lỗ trước thuế quý IV/2014 tới 878 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần mức lỗ cùng kỳ 2013. Cả năm, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 69 tỷ đồng, giảm hơn 90% so với năm 2013. 

Mặc dù tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank quý IV/2014 đạt 2.755 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước và cả năm đạt 10.447 tỷ đồng, tăng 12,8%, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh khiến lợi nhuận của Ngân hàng giảm đáng kể. Theo đó, cả năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 5.875 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 4.610 tỷ đồng, chỉ tăng 5,3% so với 2013.

Lợi nhuận 2014 của Kienlongbank đạt trên 250 tỷ đồng trước thuế, song vẫn thấp hơn 100 tỷ đồng so với chỉ tiêu đưa ra ban đầu. Theo lý giải của ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank, sở dĩ lợi nhuận không đạt kế hoạch là do Ngân hàng phải giảm lãi vay, chia sẻ với khách hàng để thu hồi nợ cũ. Vì thế, nợ xấu Kienlongbank cuối năm 2014 được kiểm soát ở mức an toàn dưới 3%.

Lợi nhuận trước thuế còn lại sau dự phòng rủi ro năm qua của VIB là 648 tỷ đồng. DongA Bank cho biết, cũng khó hoàn thành 50% chỉ tiêu đề ra năm nay ở mức 500 tỷ đồng trước thuế, do nợ xấu tăng, trích dự phòng rủi ro cao.

Hiện còn nhiều ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh 2014 như: HDBank, Maritime Bank, SouthernBank, VietcapitalBank..., nhưng trước tình hình thị trường còn khó khăn, nợ xấu chưa giảm áp lực lên kết quả kinh doanh, thì việc kỳ vọng đạt chỉ tiêu lợi nhuận là rất khó.

“Với biên lãi ngày càng thu hẹp, hoạt động tín dụng của ngân hàng khó đạt kỳ vọng lợi nhuận cao. Trong khi, lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu từ tín dụng”, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM nói. 

Không cổ tức

Chính nợ xấu tăng, kéo theo dự phòng khiến lợi nhuận thu hẹp nên nhiều nhà băng không có chủ trương chia cổ tức. Eximbank là một điển hình “không” cổ tức cho năm 2014 so với kế hoạch đưa ra ban đầu 8,5%. Hay DongA Bank đã hủy tạm ứng cổ tức đợt 1/2014 và kế hoạch cổ tức 7% cũng khó kỳ vọng, do nợ xấu tăng mạnh.

OCB cho biết, chưa có kế hoạch chi trả cổ tức 2014 cho cổ đông và cả năm 2015 mà sẽ chờ ý kiến cổ đông trong kỳ ĐHCĐ thường niên dự kiến diễn ra cuối tháng 4 tới. Trường hợp có chia cổ tức, lãnh đạo OCB cho biết, cũng chỉ ở mức tương đối thấp.

Lãnh đạo Kienlongbank cũng cho hay, đang chờ kết quả kiểm soát để dự chi cổ tức cho năm 2014, song cũng chỉ ở mức vài phần trăm.

Không chỉ cổ tức 2014, mà ngay cổ tức 2013 đến nay nhiều nhà băng vẫn chưa thể chi trả cho cổ đông, với nhiều lý do khác nhau. Trên thực tế, trong 3 năm qua không ít ngân hàng đã nói “không” với cổ tức, vì lý do nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm và đang trong quá trình tái cơ cấu. Vì thế, các nhà băng kiến nghị, dự phòng 20% nợ xấu đã bán cho VAMC nên điều chỉnh giảm xuống 10% để giảm áp lực. 

Áp lực M&A

Mở màn M&A ngân hàng năm nay là thương vụ MDB sáp nhập vào Maritime Bank vừa được NHNN chính thức chấp thuận. Với việc được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc, Maritime Bank và MDB sẽ sớm về chung một nhà. Tuy nhiên, điều thị trường, nhà đầu tư quan tâm hiện nay vẫn là tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu giữa 2 ngân hàng này khi sáp nhập.

Thương vụ sáp nhập Southern Bank - Sacombank cũng đang được thị trường trông đợi. Đặc biệt là cặp đôi Eximbank - Nam A Bank khi trên thị trường đang xuất hiện thông tin, khả năng Nam A Bank sẽ nắm quyền chi phối khi các ứng cử thành viên HĐQT Eximbank năm nay có 2 người đến từ Nam A Bank, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ trên 20%.

Ngoài các thương vụ trên, còn có VietinBank - PGBank, Vietcombank - Saigonbank. Hay một số thương vụ được đồn đoán như DongABank - ABBank, BIDV - MHB...

Thị trường đang chờ đợi mùa ĐHCĐ 2015. Tuy nhiên, thông tin từ các nhà băng cho biết, lịch tổ chức đại hội dự kiến vào giữa và cuối tháng 4/2015, gần với dịp nghĩ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 9 ngày, để có thể “pha loãng” sự chú ý.

Lịch tổ chức ĐHCĐ 2015 của một số ngân hàng

- Nam A Bank tổ chức ngày 17/4;

- SCB ngày 24/4;

- LienVietPostBank 28/3;

- Eximbank ngày 22/4,

- Vietcombank ngày 24/4,

- BIDV ngày 17/4,

- VietinBank ngày 14/4,

- Sacombank ngày 21/4,

- Kienlongbank ngày 24/4,

- VietCapital Bank 22/4...

Tin bài liên quan