Tỷ giá đến cuối năm được HSBC dự báo sẽ là 21.750 đồng/VND

Tỷ giá đến cuối năm được HSBC dự báo sẽ là 21.750 đồng/VND

30.000 tỷ đồng, tỷ giá và sự “chông chênh”

(ĐTCK) Theo luật về ngân sách nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể chi tạm ứng cho ngân sách nhà nước (với lãi suất bằng 0) và khoản tạm ứng này sau đó sẽ được hoàn trả trong cùng năm ngân sách. Tuy nhiên, thị trường khá chông chênh với thông tin này…

Tốt và không tốt

Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, tuần qua, tỷ giá chịu áp lực khá nhiều khiến NHNN phải bán ra gần 500 triệu USD, bên cạnh đó, lãi suất VND qua đêm đã lên tới 4,5%/năm. Cũng trong thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giao Vụ Tài chính ngân hàng phối hợp với các đơn vị chức năng của NHNN để đề nghị tạm ứng hoặc cho ngân sách Nhà nước vay khoảng 30.000 tỷ đồng.

Hai câu chuyện “rơi” cùng thời điểm khiến thị trường có không ít quan ngại về việc có “liên quan” và tác động như thế nào lẫn nhau?

“Đối với giới tài chính nước ngoài, thông tin này không tốt khi ngân sách nhà nước thâm hụt thường xuyên, phát hành trái phiếu không được và việc Bộ Tài chính mượn tiền NHNN không khác gì với việc in tiền”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nhận định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, trên nguyên tắc, giữa việc cho vay bằng đồng nội tệ với áp lực tỷ giá không liên quan đến nhau nhưng thực tế, có thể có tương quan. Cụ thể, nếu Bộ Tài chính vay 30.000 tỷ đồng rồi khoản tiền này đổ vào nền kinh tế sẽ làm tăng cung tiền tác động lên tỷ giá vì lượng tiền trên thị trường lớn. Lượng tiền đồng nhiều có thể ảnh hưởng đến lạm phát khiến người dân có khuynh hướng “trú ẩn” vào ngoại tệ cứng bởi kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng.

“Điều quan trọng là trong 30.000 tỷ đồng này, chúng ta không rõ Bộ Tài chính chỉ vay nội tệ hay trong đó có ngoại tệ. Nhưng trong bất kỳ trường hợp nào, nếu vay ngoại tệ, đương nhiên thị trường ngoại hối sẽ chịu áp lực thay đổi tỷ giá; còn nếu vay nội tệ, có thể sẽ khiến cầu về ngoại tệ tăng, tạo áp lực lên tỷ giá theo một chu kỳ, nhưng tất nhiên không phải luôn luôn, bắt buộc sự việc sẽ xảy ra trường hợp như vậy”, TS. Hiếu nói.

Về vấn đề “nóng” này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, đại diện NHNN Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trấn an, các quy định của pháp luật hiện hành, quản lý nợ công không cấm việc NHNN hỗ trợ cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt trong điều kiện ngân sách nhà nước có thời điểm cần hỗ trợ, trên cơ sở đề xuất này ngân hàng xem xét đánh giá trên cơ sở mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, nếu hỗ trợ thì thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

“Nếu đề nghị của Bộ Tài chính được chấp thuận thì NHNN sẽ thực hiện giải pháp đồng bộ điều tiết lượng tiền hợp lý, phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế, đảm bảo mục tiêu chung”, bà Nguyễn Thị Hồng nói. 

Và chuyện không liên quan…

Sự quan ngại do lượng tiền nội tệ bơm ra tăng, tạo áp lực tỷ giá, có thể là quá sớm khi NHNN cam kết điều tiết lượng cung tiền để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn đang chịu sức ép tự nhiên từ bên ngoài mà cụ thể là Hoa Kỳ, nước in ra đồng USD.

Alastair Pinder, chiến lược gia về ngoại hối tại châu Á của HSBC nhận định, khả năng Fed tăng lãi suất vào cuối năm nay và điều này có nghĩa đồng USD sẽ tăng giá với các đồng tiền khác, trong đó có đồng Việt Nam.

Vấn đề còn lại là khả năng ứng xử trước động thái này của NHNN. Vị chuyên gia đến từ HSBC cũng chia sẻ nhận định “không tin rằng cần phải giảm giá VND hơn nữa chỉ để phục vụ cho tăng trưởng xuất khẩu”, bởi giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam gần đây giảm là do do giá cả hàng hóa thế giới giảm, chứ không phải do Việt Nam kìm tỷ giá trong tương quan với đồng USD.

Ông Alastair Pinder cho rằng, thâm hụt thương mại Việt Nam tăng trong những tháng gần đây tạo áp lực lên tỷ giá, nhưng thị trường này vẫn khá ổn định với thanh khoản tốt nhờ vào sự hỗ trợ thanh khoản của NHNN, bên cạnh các chính sách và công cụ quản lý ngoại hối và tiền tệ. Với những diễn biến tích cực của nền kinh tế, thâm hụt thương mại có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng cuối năm và tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên thanh khoản thị trường sẽ được hỗ trợ bởi nguồn vốn FDI, FII, ODA, và kiều hối cùng với chính sách điều hành chủ động, tích cực và linh hoạt của NHNN sẽ giúp tỷ giá ổn định.

“Đối với các nước có dòng vốn nóng hoặc FII khá lớn, tỷ giá sẽ chịu nhiều áp lực khi Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, khi các đồng tiền trong khu vực điều chỉnh, sẽ có những tác động và tạo áp lực lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, do đó sẽ tạo áp lực lên tỷ giá”, ông Alastair Pinder nói.

“Dự báo về tỷ giá USD/VND của chúng tôi tới cuối năm là 21.750 đồng/VND. NHNN nên cố gắng giữ cam kết không phá giá VND hơn 2% trong năm nay, khi điều họ cần là duy trì lòng tin của thị trường vào NHNN và VND”,

Liên quan đến mục tiêu điều hành tỷ giá, Báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, trong nước, do yếu tố mùa vụ nên cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô.

Việc Fed dự kiến tăng lãi suất vào cuối năm sẽ làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn), cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND. Mặt khác, đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước.

Tin bài liên quan