2016 là năm của tín dụng tiêu dùng bùng nổ

2016 là năm của tín dụng tiêu dùng bùng nổ

(ĐTCK) Mặc dù các công ty tài chính (CTTC) rất hạn chế trong việc tiết lộ thông tin về tăng trưởng dư nợ, cũng như lợi nhuận đạt được, song thực tế cho thấy, hoạt động cho vay tiêu dùng tăng trưởng rất mạnh năm 2016, không chỉ với CTTC mà còn cả với hệ thống các ngân hàng thương mại. Đi kèm theo đó là rủi ro nợ xấu luôn tiềm ần, dù các nhà cung ứng vốn có sự kiểm soát chặt chẽ.

Vay tiền mặt tăng mạnh

Năm 2016, tín dụng tiêu dùng tăng đáng kể, nhất là tại các CTTC. Với Home Credit, lượng khách hàng mới trong năm 2016 là 1,9 triệu người, tăng 90% so với năm 2015. Lũy kế đến cuối năm 2016, tổng số khách hàng của Công ty là 4,9 triệu người. Lãnh đạo Home Credit cho biết, tăng trưởng doanh số cho vay của Công ty trong năm 2016 là 94%.

Trong đó, cho vay tiền mặt tiêu dùng (khác với vay tiêu dùng trả góp) leo dốc mạnh mẽ, khi doanh số cho vay tiền mặt năm 2016 tăng 80% so với năm 2015, chiếm tỷ lệ 27% trong tổng doanh số cho vay năm 2016 của Công ty; hơn 20% khách hàng có từ 2 hợp đồng vay tiền mặt trở lên.

Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009, tăng trưởng dư nợ cho vay tiền mặt của Home Credit luôn ở mức hai con số trong giai đoạn 2010 - 2015, với tăng trưởng bình quân là 57%. Công ty tài chính này có hai mảng cho vay tiền mặt đối với khách hàng mới (chưa từng vay tại Home Credit) với mức cho vay tối đa là 20 triệu đồng và với khách hàng cũ (đã từng có hợp đồng vay trả góp đối với mặt hàng xe máy, điện tử, điện gia dụng...) với mức cho vay tối đa là 60 triệu đồng. Lãi suất cho vay tiền mặt tại Home Credit bình quân 40%/năm.

NHNN rất khó xử khi nhiều người phản ánh công ty tài chính cho vay lãi suất vi phạm pháp luật, bởi thực tế theo quy định là không vi phạm, nếu có đã xử lý rồi.

- Ông Nguyễn Hoàng Minh,
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. HCM

Ông Bruce Allan Butler, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam cho rằng, đối tượng vay tại các CTTC thường là lao động phổ thông có thu nhập trung bình và không thỏa mãn các điều kiện để vay tiêu dùng tại ngân hàng. Việc doanh số cho vay tiền mặt của Home Credit luôn tăng trưởng cao qua các năm cho thấy, nhu cầu vay tiền mặt phục vụ mục đích tiêu dùng của đối tượng trên là có thực và không hề nhỏ.

Với FE Credit, Công ty không chỉ cho vay tiền mặt trực tiếp mà còn đẩy mạnh dư nợ cho vay tiền mặt thông qua thẻ tín dụng. FE Credit đang có chương trình “tiền mặt nhanh”, cho phép khách hàng có thể giải ngân tiền mặt trong hạn mức thẻ tín dụng thông qua kênh chi hộ tại hơn 2.000 chi nhánh bưu cục toàn quốc.

Cụ thể, cá nhân đủ điều kiện tham gia sẽ nhận cuộc gọi từ nhân viên tư vấn tài chính, xác nhận tham gia chương trình, nhận tin nhắn về thông tin khoản giải ngân và sau đó đến bưu điện bất kỳ để được nhận tiền.

Ông Nimish Vinaykant Dwivedi, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh sản phẩm thẻ tín dụng của FE Credit cho biết, sản phẩm trên dành cho cá nhân có lịch sử tín dụng tốt, nhằm cung ứng tiền mặt một cách nhanh chóng, thuận tiện với phương thức trả góp linh hoạt cho các chủ thẻ. Hạn mức thẻ có thể lên đến 60 triệu đồng.

Cho vay tiền mặt cũng là mảng hoạt động xương sống của HD Saison khi Công ty đẩy mạnh liên kết với một số trường học để cho học sinh vay tiền mặt đóng học phí và tài trợ cho giáo viên về tín dụng tiêu dùng. HD Saison còn cho khách hàng vay mua hàng trả góp với giá trị hàng hóa từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng.

Bên cạnh cho vay tiền mặt, trong năm 2016, các CTTC đã đẩy mạnh doanh số cho vay tiêu dùng trả góp lãi suất 0% và coi đây là một trong những chiến lược để mở rộng thị phần. 6 tháng đầu năm 2016, 50% khách hàng của Home Credit vay trả góp với lãi suất 0%. Mỗi tháng Home Credit đưa ra ít nhất 30 gói sản phẩm lãi suất 0% áp dụng cho các mẫu sản phẩm. Các CTTC khác như FE Credit và HD Saison cũng luôn đưa ra các chương trình tín dụng tiêu dùng trả góp 0%.

Thị trường cho vay tiêu dùng năm 2016 tăng trưởng mạnh mẽ bởi không chỉ CTTC mà các ngân hàng thương mại cũng “đánh” mạnh vào mảng ngân hàng bán lẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP. HCM cho biết, giai đoạn 2012 - 2015, dư nợ cho vay tiêu dùng tăng trưởng bình quân 20%/năm, trong khi tăng trưởng kinh tế giai đoạn này vào khoảng 8 - 9%. Riêng khoảng thời gian từ 2014 - 2015, cho vay tiêu dùng chiếm 6 - 8% tổng dư nợ của TP. HCM.

Tới năm 2016, cho vay tiêu dùng tiếp tục bứt phá. Đến cuối tháng 10/2016, dư nợ cho vay tiêu dùng của TP. HCM là 201.000 tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng dư nợ toàn thành phố, tức thị phần cho vay tiêu dùng đã tăng gấp đôi so với 2 năm trước đó.

Hiện tại, theo NHNN, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Trong khi số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng. Như vậy có thể thấy rằng, dư địa để phát triển mảng tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân còn rất nhiều, nên trong trung hạn sắp tới, cho vay tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn rất nhiều đất để phát triển.

Kiểm soát rủi ro

Đi kèm với tăng trưởng tín dụng là nỗi lo nợ xấu rình rập, dù các CTTC cho biết họ luôn kiểm soát chặt chẽ rủi ro này.

Ông Ivo Slanina, Giám đốc Kinh doanh Home Credit Việt Nam cho biết, mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao đã phần nào hạn chế rủi ro đối với các khoản nợ. Bên cạnh đó, ngoài những công cụ đánh giá truyền thống dựa trên lịch sử tín dụng của khách hàng, Công ty còn sử dụng những mô hình thống kê để thiết lập hồ sơ hành vi tiềm năng của khách hàng.

Đến nay, 95% đơn xin vay vốn của Home Credit được phê duyệt trong vòng 15 phút, nhưng tỷ lệ nợ xấu của Công ty vẫn được kiểm soát dưới ngưỡng 4%.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế nợ xấu ở các CTTC Việt Nam đang ở mức từ 3 – 4% và đây là mức khá cao. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, việc phát triển tín dụng tiêu dùng cần kiểm soát được rủi ro, bởi rủi ro trong cho vay tiêu dùng của CTTC sẽ cao hơn các tổ chức tín dụng khác, khi đối tượng khách hàng thường là cá nhân, tổ chức nhỏ, chưa đáp ứng được điều kiện tín dụng tại ngân hàng.

Sau 6 năm hoạt động, FE Credit hiện đang cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng cá nhân với các sản phẩm cho vay tiền mặt, vay mua xe máy, thiết bị điện tử gia dụng, giá trị khoản vay lên đến 70 triệu đồng, thời hạn vay từ 6 - 36 tháng. Đến nay, Công ty đã phục vụ gần 3 triệu khách hàng, hợp tác với hơn 4.000 đối tác trên toàn quốc. Tuy nhiên, gánh nặng nợ xấu từ “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit đang tác động đến lợi nhuận của VPBank.

Tính đến ngày 30/9/2016, cho vay khách hàng của VPBank đạt gần 130 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm trước đó, trong số này, cho vay qua FE Credit chiếm 22%.

Nợ xấu riêng ngân hàng VPBank ở mức 2.383 tỷ đồng, chiếm 2,35% tổng dư nợ cho vay. Đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu tại công ty con của VPBank là FE Credit chiếm tới 5,69%, với 1.629 tỷ đồng nợ xấu.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, nợ xấu cho vay tiêu dùng hiện chiếm hơn 2,5% trên tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Do vậy, nhu cầu về quy định có tính pháp lý đối với loại hình cho vay tiêu dùng, mà chủ yếu do CTTC cung cấp là cần thiết. Theo Dự thảo lần hai Thông tư quy định về cho vay tiêu dùng của CTTC, các CTTC phải công bố lãi suất thấp nhất và cao nhất. Đây là cơ sở để NHNN nhìn nhận, đánh giá CTTC, với rủi ro cụ thể thì lãi suất ở mức nào là phù hợp.

Đồng thời, nội dung Dự thảo cũng yêu cầu buộc CTTC niêm yết lãi suất theo năm thay vì theo tháng. Điều này sẽ giảm bớt bức xúc của người dân về lãi vay, giúp người dân dễ dàng so sánh với lãi suất ngân hàng, hạn chế CTTC đưa mức lãi suất quá cao.

“NHNN rất khó xử khi nhiều người phản ánh CTTC cho vay lãi suất vi phạm pháp luật, bởi thực tế theo quy định là không vi phạm, nếu có đã xử lý rồi. Điểm mới trong Dự thảo sẽ giúp NHNN có cơ sở pháp lý để quản lý, kiểm tra, giám sát CTTC trong chiến lược thu hút người vay”, ông Minh nói.        

Tin bài liên quan