Xuất khẩu xi măng khó về đích

Sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu trong năm 2015 được dự báo chỉ đạt khoảng 15-16 triệu tấn, tụt xa so với mức 20,5 triệu tấn của năm 2014.

Năm 2015, xuất khẩu xi măng, clinker dự báo chỉ có thể đạt 15-16 triệu tấn

Năm 2015, xuất khẩu xi măng, clinker dự báo chỉ có thể đạt 15-16 triệu tấn

Mục tiêu xuất khẩu hơn 20 triệu tấn xi măng, clinker của ngành xi măng có nhiều khả năng bị lỗi hẹn khi nhìn vào kết quả xuất khẩu 9 tháng của năm 2015 chưa bằng mức thực hiện của 6 tháng đầu năm 2014.

Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, 9 tháng của năm 2015, ngành xi măng mới xuất khẩu được gần 12 triệu tấn sản phẩm, giảm gần 26% về lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị thu về từ xuất khẩu xi măng, clinker 9 tháng qua ước đạt 520 triệu USD.

Sự đi xuống về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu là tình trạng chung của các doanh nghiệp sản xuất xi măng, kể cả các doanh nghiệp lớn.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), doanh nghiệp chiếm 35% thị phần xi măng cả nước cho biết, tính đến hết tháng 9/2015, VICEM tiêu thụ hơn 18 triệu tấn sản phẩm, trong đó xuất khẩu chỉ khoảng 1 triệu tấn, gồm cả xi măng lẫn clinker, trong khi mục tiêu năm 2015 của Vicem là xuất khẩu hơn 3 triệu tấn.

Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Thị trường của Vicem cho hay, do thị trường xi măng thế giới có nhiều biến động, nguồn cung tăng, trong khi nhu cầu xây dựng tại một số quốc gia giảm, khiến cho tình hình xuất khẩu xi măng khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2014, do các đối tác ép giá xuất khẩu.

Là doanh nghiệp có quy mô sản lượng lớn, thâm niên xuất khẩu nhiều năm, sản phẩm có thương hiệu và được đối tác đánh giá cao như Vicem còn khó, các doanh nghiệp nhỏ hơn thì khó khăn gấp bội.

Xuất khẩu xi măng giảm sút khiến cho các doanh nghiệp ngành này hết sức lo ngại, trong 3 tháng còn lại của năm 2015, tình hình dẫu có được cải thiện so với các tháng trước, nhưng vẫn sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Tập đoàn Xi măng The Vissai, một trong những đơn vị xuất khẩu xi măng lớn trong ngành, với tổng sản lượng 10 triệu tấn/năm, cũng tỏ ra dè dặt khi nói về tình hình tiêu thụ qua kênh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu của The Vissai cho biết, để có được đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp phải rất “cân não” trong đàm phán, bởi đối tác ép phải giảm giá mạnh mới ký hợp đồng.

Theo tiết lộ của một doanh nghiệp xuất khẩu xi măng, giá xuất khẩu đã sụt giảm thê thảm so với năm 2014. Giá xuất khẩu xi măng trong tháng 9/2015 khoảng 53 - 54 USD/tấn, clinker khoảng 32 - 33,5 USD/tấn. Tuy nhiên, đây là tính giá xuất khẩu bình quân, còn tại thời điểm này, giá xuất khẩu clinker của doanh nghiệp này đã rơi xuống còn 29 - 30 USD/tấn, trong khi năm trước là 38 - 39 USD/tấn. Tương tự như vậy với xi măng, giá xuất khẩu trong đàm phán với khách hàng cũng giảm khoảng 10%.

Doanh nghiệp này dự báo, năm 2015, xuất khẩu xi măng, clinker chỉ có thể về đích với 15-16 triệu tấn, tụt xa so với kết quả của năm 2014 là 20,5 triệu tấn.

Một số đối thủ cạnh tranh của ngành xi măng Việt Nam là Thái Lan và Trung Quốc đã tăng đáng kể nguồn cung trong năm 2015. Với lợi thế về sản lượng, chi phí sản xuất thấp hơn, nên giá xuất khẩu thấp đang làm khó các doanh nghiệp Việt Nam.

Đơn cử, Trung Quốc với tổng sản lượng lên tới 2,5 tỷ tấn xi măng, chiếm 60% sản lượng xi măng toàn cầu, lại ở ngay sát Việt Nam, hiện đang hút một lượng lớn khách hàng từ các thị trường trọng điểm như Bangladesh, Indonesia… Điều này rất khó cho doanh nghiệp xi măng của Việt Nam trong việc cạnh tranh để giữ khách hàng cũ, chứ chưa nói đến việc có thêm khách hàng mới.

Nhưng khó khăn của doanh nghiệp xi măng trong nước chưa dừng ở việc cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu láng giềng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp xi măng tại Hà Nam cho rằng, các doanh nghiệp trong nước đang cạnh tranh lẫn nhau bằng phương thức hạ giá, thậm chí là phá giá. “Chúng tôi xuất khẩu với đơn giá 29 USD/tấn clinker, thì ngay lập tức có doanh nghiệp chào giá 28 USD/tấn clinker”.

Điều này gây nguy hại rất lớn cho sự phát triển của ngành. Nếu không biết cùng nhau hợp tác, nâng cao công nghệ, giảm giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh, mà cứ phá giá như vậy thì tất cả cùng thua thiệt.

Tin bài liên quan