Xuất khẩu trực tuyến: “Mỏ vàng” khó khai thác

Xuất khẩu trực tuyến: “Mỏ vàng” khó khai thác

(ĐTCK) Xuất khẩu trực tuyến đang là xu hướng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có những “nút thắt” khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong tiếp cận xu hướng xuất khẩu mới.

Xu hướng tất yếu

Nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu đã và đang giúp không ít doanh nghiệp Việt Nam có những đơn hàng xuất khẩu mới, đây thực sự là một “mỏ vàng” nếu doanh nghiệp biết cách tận dụng công nghệ. Đó là nhận xét của ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc thị trường Việt Nam, Tập đoàn Alibaba.

Theo ông Thủy, xuất khẩu theo hình thức truyền thống, doanh nghiệp lớn luôn có lợi thế trong tìm kiếm mở rộng thị trường, vì tiềm lực tài chính mạnh, có ngân sách đi xúc tiến, quảng bá, tham gia hội trợ, triển lãm, còn doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn trong việc này. Với xuất khẩu trực tuyến, cơ hội chia đều cho cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, không phân biệt ranh giới, thị trường. Doanh nghiệp nhỏ cũng không “tự ti” bởi ngân sách hạn hẹp.

Nguyên Chủ tịch Microsoft, ông Bill Gates từng nhấn mạnh, đến năm 2020, doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh online thì tốt nhất không hoạt động kinh doanh. Xu thế thương mại điện tử, xu thế kinh doanh online là tất yếu. Theo đó, nếu chậm ứng dụng công nghệ để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, thì doanh nghiệp Việt sẽ thất bại trong cạnh tranh với các tập đoàn toàn cầu.

Một thống kê cho thấy, khách hàng mua bán online khu vực ASEAN là 158 triệu khách, chiếm 29% tổng dân số và con số này đang không ngừng tăng trưởng. Thương mại điện tử sẽ là cánh cửa đưa doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu, mà không có khoảng cách không gian, thời gian, không phân biệt doanh nghiệp lớn - nhỏ.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Tại Việt Nam, xuất khẩu truyền thống hiện vẫn là kênh chủ lực. Tính đến hết tháng 9/2017, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 154,03 tỷ USD, tăng 19,8%, tương ứng tăng 25,76 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đem về cho Việt Nam 111,13 tỷ USD đều được thực hiện bằng hình thức xuất khẩu truyền thống.

Chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định doanh nghiệp có chốt được đơn hàng hay không. Nhiều doanh nghiệp chú trọng quảng bá, đưa ra những thông tin tốt nhất về sản phẩm, nhưng để có niềm tin của đối tác và giữ uy tín, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều. Hiện có không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đáp ứng các sản phẩm đạt tiểu chuẩn xuất khẩu. Giám đốc thị trường Việt Nam của Alibaba cho biết, có 6% doanh nghiệp Việt đã bị hủy tài khoản trên Alibaba.com, vì sản phẩm không đạt yêu cầu.

Xuất khẩu trực tuyến: “Mỏ vàng” khó khai thác ảnh 1

“Chất lượng sản phẩm là điều khách hàng lo lắng nhất khi mua online, vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp đặc biệt lưu tâm giữ chữ tín để có con đường hợp tác lâu dài với xuất khẩu trực tuyến. Thị trường hiện nay là thị trường mở, không phải cứ ký kết với khách hàng là họ theo mình như xưa. Hôm nay, họ là khách của mình, nhưng ngày mai, họ có thể chuyển sang mua hàng của đối tác khác. Cần giữ chữ tín và liên tục mở rộng thị trường”, ông Thủy nhấn mạnh.

Khó khăn thứ hai đối với nhiều doanh nghiệp Việt trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường thời kinh tế số là chậm thích nghi, thiếu kỹ năng và kiến thức về công nghệ.

Khó khăn thứ ba là chi phí vận chuyển cao. Tại một hội thảo trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017 mới đây, Công ty Snoe Beauty Oroducts Inc chuyên sản xuất - kinh doanh mỹ phẩm và xuất khẩu tại Philippines chia sẻ, họ từng thất bại trong việc xuất đơn hàng sang Mỹ, vì chi phí giao hàng quá cao, cao hơn cả giá trị sản phẩm. Bà Fiorella, Giám đốc công ty này cho rằng, chi phí logistic là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia xuất khẩu trực tuyến, nó gần như quyết định sự thành bại của doanh nghiệp khi thực hiện một đơn hàng.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, xuất khẩu qua thương mại điện tử là một kênh phổ biến đã được các nước trên thế giới triển khai và là một xu hướng tất yếu. Doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, tận dụng công nghệ để phát triển thị trường, phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, mới chỉ có 1% doanh nghiệp tận dụng thương mại điện tử để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Trong tương lai, xuất khẩu qua thương mại điện tử sẽ là kênh chủ lực. Các doanh nghiệp cần chủ động trau dồi kiến thức về công nghệ, tìm kiếm các kênh hỗ trợ thông tin từ các cơ quan, ban ngành, hiệp hội, tổ chức, công ty chuyên ngành công nghệ. Hiện có một số đơn vị tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu ứng dụng các nền tảng kinh doanh trực tuyến toàn cầu.

Tin bài liên quan