Xuất khẩu mủ cao su tại Thanh Hóa đình trệ vì giá thấp

Giá mủ cao su giảm mạnh đang đẩy việc thu mua của Thanh Hóa vào tình trạng khó khăn. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu mủ cao su của địa phương này gần như ngưng trệ.
Xuất khẩu mủ cao su tại Thanh Hóa đình trệ vì giá thấp

Ông Nguyễn Thành Du, Giám đốc Nông trường Vân Du, đơn vị có diện tích trồng cây cao su lớn nhất huyện Thạch Thành cho biết, với hơn một nửa diện tích cây cao su trong thời kỳ thu hoạch, sản lượng bình quân khoảng 500 tấn mủ khô/năm. Vào thời điểm năm 2011 - 2012, với giá mủ khô đạt 80.000 đồng/kg, cây cao su được ví như “vàng trắng”, mỗi héc-ta cây cao su cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng. “Thực tế cho thấy, không ít hộ nông dân trồng cây cao su ở huyện Thạch Thành đã trở nên giàu có, sung túc”, ông Du nói.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá mủ cao su giảm nhanh. Năm 2013, giá mủ cao su khô chỉ còn 33.000 - 35.000 đồng/kg; năm 2014, tiếp tục giảm chỉ còn 23.000 đồng/kg. Mức giá này không bù đắp được chi phí thuê nhân công và làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì, mở rộng diện tích, cũng như đời sống của những người trồng cây cao su tại các địa phương nói chung.

Sở Công thương Thanh Hóa cho biết, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu mủ cao su tại Thanh Hóa là con số 0. Trước đó, năm 2012, Thanh Hóa xuất khẩu khoảng 1.197 tấn mủ khô, trị giá đạt 3,229  triệu USD; năm 2013, con số này là 1.137 tấn mủ khô, trị giá 2,693 triệu USD.

Ông Trịnh Duy Duân, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thanh Hóa (thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam), đơn vị chủ lực thu gom mủ cao su thừa nhận, tính đến ngày 17/7/2014, Công ty mới thu gom được 28,7 tấn mủ, trong khi cùng thời điểm những năm trước, con số này là 1.600 - 2.100 tấn.

Ông Duân cho biết, trong tổng lượng mủ mà Công ty thu gom tại địa bàn, có tới 40% được xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Việc giá mủ cao su xuống thấp là do diễn biến theo chu trình chung của quy luật thị trường và một phần do tác động từ việc Trung Quốc điều chỉnh chính sách mậu biên, đẩy nhu cầu xuống thấp.

“Nguyên nhân khiến việc thu gom năm nay giảm là do giá không đủ bù công cạo mủ và một phần do một số hộ khai thác được, nhưng không muốn bán để tránh trả nợ phần Công ty đã đầu tư cho người trồng trước đó”, ông Duân nói và kiến nghị, cần một chế tài để quản lý về chất lượng mủ nguyên liệu (vì lợi ích, nhiều hộ nông dân đã bỏ cả tạp chất vào mủ cao su để bán). Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý đối với các hộ trồng cao su tiểu điền khi đã nhận tiền hỗ trợ để đầu tư trồng, chăm sóc cây cao su, nhưng không bán lại sản phẩm cho doanh nghiệp. Điều này làm ảnh hưởng tới việc đầu tư phát triển của đơn vị, dẫn đến những khó khăn trong việc xử lý nợ xấu.

Trong buổi làm việc mới đây với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa tái khẳng định: “Cây cao su là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài và phù hợp với đặc điểm nhiều vùng trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ diện tích cao su hiện có, đồng thời tiếp tục trồng mới ở những vùng có điều kiện phát triển. Đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ các đơn vị, địa phương trồng và sản xuất cao su trên địa bàn, giữ vững diện tích vùng nguyên liệu cao su, đồng thời chuyển giao tiến bộ trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng giống để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người trồng cao su”.

Để cây cao su phát triển hiệu quả và ổn định, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đề nghị, Thanh Hóa cần quy hoạch lại diện tích trồng cao su, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và sản xuất mủ cao su. Đồng thời, tạo điều kiện cho Công ty TNHH Một thành viên Cao su Thanh Hóa thu mua toàn bộ sản phẩm mủ cao su tiểu điền trên diện tích Công ty đầu tư; cho phép Công ty xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến phù hợp với nhu cầu thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn đang xây dựng thương hiệu...

Tin bài liên quan