Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước khó khăn

(ĐTCK) Kinh tế vĩ mô phục hồi ổn định với sự tăng trưởng tích cực của hoạt động công nghiệp và thương mại, nhưng dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian từ nay tới cuối năm trước biến động của tỷ giá và diễn biến giá cả khó lường trên thị trường thế giới.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Đó là nhận định được Bộ Công thương đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2015 vừa diễn ra.

Đánh giá chung tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, về cơ bản nền kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi ổn định và được kiểm soát tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới diễn biến phức tạp với nhiều tác động khó lường, đặc biệt là sự tăng giảm thất thường của giá dầu và sự biến động của tỷ giá trong thời gian gần đây do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Điều này thể hiện ở sự tăng trưởng khá tích cực của lĩnh vực công nghiệp với công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức tăng cao, thị trường trong nước duy trì ổn định, tổng cầu được cải thiện, chỉ số giá cả và lạm phát tăng thấp, nhập siêu tăng trong mức kiểm soát và thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội đề ra.

Cụ thể, về hoạt động sản xuất công nghiệp, theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tháng 8/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung 8 tháng, IIP tăng 9,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây. Theo ông Hải, với sự chủ động của các doanh nghiệp cùng sự triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ ngành, đã có những tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Về hoạt động thương mại, theo số liệu công bố, tháng 8/2015, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 106,3 tỷ USD, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 31,7 tỷ USD, giảm 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 74,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Về nhập khẩu, 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 109,9 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 44,7 tỷ USD, tăng 7,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,2 tỷ USD, tăng 23,2%. Như vậy, tính chung 8 tháng, cả nước nhập siêu 3,6 tỷ USD, bằng khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tình hình xuất khẩu trong nhiều tháng đầu năm rất khó khăn do hầu hết xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản - lĩnh vực chủ lực của Việt Nam, đều giảm mạnh cả về kim ngạch và giá trị. Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu thô và khoáng sản đều giảm do giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh và theo chủ trường không khuyến khích xuất khẩu khoáng sản của Chính phủ.

Trong khi đó, nhập khẩu tăng chủ yếu vẫn là các nhóm hàng nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất cho thấy, sản xuất - kinh doanh tiếp tục phục hồi nên không đáng lo ngại. Tuy nhiên, ông Hải đặc biệt lưu ý, tình trạng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước liên tục giảm trong 8 tháng đầu năm và giảm so với cùng kỳ, trong khi doanh nghiệp FDI thường xuyên xuất siêu, thể hiện sự mất cân đối trong xuất khẩu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

“Đây là điều rất đáng lưu tâm và cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này”, ông Hải nói.

Theo dự báo của Bộ Công thương, trong những tháng cuối năm, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có việc giá và lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm sẽ ảnh hưởng đến gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước dự kiến vẫn tăng trưởng ở mức thấp, do các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này là nông sản, thủy sản và khoáng sản đang bị suy giảm; xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm hàng do khối doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Liên quan đến tác động của biến động tỷ giá, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ cũng có điểm lợi là sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và da giày, bởi doanh nghiệp sẽ nhập được nguồn nguyên liệu với giá rẻ hơn, từ đó tăng sức cạnh tranh.

Đối với hàng nông sản, hiện nay chủ yếu nông sản của Việt Nam xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nên chưa chịu nhiều ảnh hưởng, song theo ông Hải, về lâu dài sẽ tác động tới các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sắn, cao su.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cần có sự cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp mới có thể hoàn thành được các mục tiêu xuất nhập khẩu đề ra.   

Tin bài liên quan