Luật sư Hồ Hữu Hoành

Luật sư Hồ Hữu Hoành

Xuất hiện trong hồ sơ Panama có bình thường?

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, Luật sư Hồ Hữu Hoành nhấn mạnh, ngay khi dự định thành lập doanh nghiệp tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có chính sách thu thuế phí thấp hoặc bằng không, về bản chất người ta đã có ý niệm rất rõ ràng về việc thu lợi lớn do không phải nộp thuế nhiều hoặc không nộp thuế. Tình trạng này phổ biến, mà ngay cả cái tên rất nổi gần đây là TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cũng có công ty mẹ thành lập tại quần đảo Cayman.

Thưa luật sư, từ ngày 9/5, khi hồ sơ Panama được công khai thì một số cá nhân có tên trên danh sách đã lên tiếng khẳng định việc xuất hiện trong hồ sơ Panama là bình thường. Ông nghĩ sao về điều này?

Trên thế giới, có khoảng hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ, chẳng hạn như quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Cayman, Bermuda, Bahamas, Samoa...có các điều kiện dễ dãi về việc đầu tư kinh doanh và chính sách thuế đặc biệt cực kỳ ưu đãi. Người ta có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp tại đó mà không cần phải chứng minh nguồn tiền hợp pháp, không cần phải đăng ký vốn pháp định, tài khoản đầu tư.

Về chính sách thuế, tại các quốc gia, vùng lãnh thổ này, họ có thể quy định mức thuế suất của các thuế thấp nhất thế giới hoặc có khi bằng không. Thậm chí có nơi, khi lập doanh nghiệp thì chỉ đóng một mức lệ phí cố định một lần hoặc hằng năm, và không cần phải nộp thêm bất kỳ khoản thuế nào trong suốt quá trình hoạt động.

Chính vì vậy, các Tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân thường hay đến những quốc gia, vùng lãnh thổ đó để lập công ty đầu tư tài chính, rồi đầu tư ngược trở về hoặc đến một quốc gia thứ ba.

Việc này ở góc độ nào đó đúng là bình thường, người ta có xu hướng tìm kiếm môi trường đầu tư dễ dàng và có thể đem lại lợi ích lớn nhất, và nếu như quy trình đầu tư, đăng ký vốn thực hiện đúng quy định pháp luật tại quốc gia mà tổ chức có trụ sở chính, mà cá nhân đó có quốc tịch để thành lập doanh nghiệp tại quốc gia, vùng lãnh thổ có ưu đãi đặc biệt về chính sách thuế.

Sẽ không bình thường, nếu tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng thủ tục khai báo đầu tư, khai thuế tại quốc gia mà mình có trụ sở chính, hoặc có quốc tịch đối với doanh nghiệp do mình sở hữu, đồng sở hữu được thành lập tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có ưu đãi đặc biệt về chính sách thuế.

Vậy theo ông, làm sao để xác định thành lập doanh nghiệp tại đó có trốn thuế hay không?

Cách đơn giản nhất là xem xét tính hợp pháp của việc đăng ký vốn đầu tư ra nước ngoài.

Ở đây, tôi chỉ muốn đề cập đến Việt Nam, theo Luật Đầu tư Việt Nam, nếu một cá nhân, tổ chức muốn thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký đầu tư, cá nhân, tổ chức sẽ lập tài khoản đầu tư dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để chuyển vốn vào tài khoản công ty thành lập ở nước ngoài.

Qua việc đăng ký đầu tư, lập tài khoản đầu tư, Nhà nước có thể kiểm soát dòng vốn chuyển ra nước ngoài và cơ quan thuế có thể thu thuế đối với lợi nhuận chuyển về từ công ty mà cá nhân, tổ chức đó lập ở nước ngoài.

Như vậy, dù là lập doanh nghiệp ở các quốc gia, vùng lãnh thổ có ưu đãi đặc biệt về chính sách thuế, hay tại các nước khác, nếu không thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư thì đều có thể xem là đầu tư bất hợp pháp, và việc chuyển vốn cho doanh nghiệp được thành lập đương nhiên cũng bất hợp pháp. 

Nếu doanh nghiệp đó có lợi nhuận, khi chia lợi tức, cổ tức cho thành viên góp vốn, cổ đông thì Nhà nước Việt Nam không thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân do đầu tư vốn của tổ chức, cá nhân. Như vậy, rõ ràng là có dấu hiệu, hành vi trốn thuế.

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), hiện nay có chủ sở hữu đa số vốn là Công ty Formosa Ha Tinh (Cayman) Limited - được thành lập tại quần đảo Cayman.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét có hiện tượng chuyển giá hay không? Giả sử một tập đoàn nước ngoài, lập một công ty con  A tại bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ có ưu đãi đặc biệt về chính sách thuế, sau đó công ty A sẽ ký hợp đồng với một công ty con B khác cùng thuộc tập đoàn nhưng có trụ sở tại Việt Nam, để cung cấp dịch vụ tư vấn hoặc bán nguyên phụ liệu đặc thù với giá cao hơn rất nhiều so với bình quân thị trường. Đó là một trong các cách chuyển giá, nhằm làm chi phí của công ty con B tại Việt Nam tăng cao, thậm chí gây lỗ.

Thưa ông, vài năm gần đây chuyển giá đã không còn là vấn đề mới ở Việt Nam nhưng vẫn rất khó xử lý. Còn trốn thuế nhờ việc thành lập công ty đầu tư tài chính tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có ưu đãi đặc biệt về chính sách thuế, phải chăng là thách thức mới đối với công tác quản lý thuế?

Đây không phải chuyện mới ở Việt Nam. Các luật sư chuyên về tư vấn đầu tư, các cơ quan đăng ký đầu tư, quản lý thuế đều biết vấn đề này. Có rất nhiều tập đoàn có nguồn gốc Đài Loan, Hàn Quốc khi đăng ký đầu tư vào Việt Nam đều lấy công ty mẹ có trụ sở ở các quốc gia, vùng lãnh thổ có ưu đãi đặc biệt về chính sách thuế, như British Virgin Islands, Panama, Cayman, Bermuda, Bahamas...

Chẳng hạn như, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), hiện nay có chủ sở hữu đa số vốn là Công ty Formosa Ha Tinh (Cayman) Limited - được thành lập tại quần đảo Cayman.

Còn về chuyển giá, để xác định được có đúng là chuyển giá và việc chuyển giá có vi phạm pháp luật, đòi hỏi cần phải có một hệ thống pháp luật tinh vi và đội ngũ cán bộ kiểm tra thuế tinh thông mới có thể điều tra và quy kết được.

Trên thực tế, một số trường hợp tôi biết, các hợp đồng giữa các công ty con cùng một tập đoàn (trong đó có một công ty con đặt trụ sở tại các quốc gia, vùng lãnh thổ có ưu đãi đặc biệt về chính sách thuế) thường cung cấp các dịch vụ tư vấn, cung cấp nguyên phụ liệu đặc thù, thì cơ quan thuế sẽ khó khăn trong việc điều nghiên mức giá hàng hoá, dịch vụ tương tự để so sánh giá bình quân. Đây cũng là khó khăn trong việc chống chuyển giá.

Ông Hồ Hữu Hoành, là luật sư tại Sài Gòn. Năm 2005, ông thành lập VietFranchise, chuyên tư vấn trong lĩnh vực nhượng quyền (franchise), bản quyền (copyright), nhãn hiệu-thương hiệu (trademark-brandname) và đầu tư, doanh nghiệp.

Tin bài liên quan