Đợt IPO của Vinatex đã thu hút hai tập đoàn kinh tế tư nhân là Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam

Đợt IPO của Vinatex đã thu hút hai tập đoàn kinh tế tư nhân là Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam

Xuất hiện làn sóng tư nhân tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Theo Bộ Tài chính, sau hơn 20 năm thực hiện chương trình cổ phần hóa, lần đầu tiên đang diễn ra làn sóng tư nhân tham gia mạnh mẽ vào cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Xu hướng mới này đang được thúc đẩy, nhưng cách nào để quá trình bán tài sản Nhà nước diễn ra minh bạch, công bằng, không bị thất thoát vẫn được đặt ra nóng hổi.

Tư nhân dồn dập rót tiền vào DNNN

Sau nhiều năm rơi vào trầm lắng, tiến trình cổ phần hóa các DNNN được Chính phủ “hâm nóng” trở lại từ đầu năm ngoái, với kế hoạch đầy tham vọng: hoàn thành cổ phần hóa 432 DN đề ra cho giai đoạn 2014 - 2015.

3/4 thời gian của kế hoạch này đã trôi qua, đến nay tuy số lượng DN phải cổ phần hóa còn lớn (gần 260 DN), nhưng theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, một xu hướng tích cực được ghi nhận là lần đầu tiên trong hơn 20 năm thực hiện tiến trình cổ phần hóa, đã hình thành làn sóng đầu tư từ khu vực tư nhân vào các DNNN được cổ phần hóa. Nhân tố này đang góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Làn sóng trên được thể hiện qua việc một loạt DN tư nhân mạnh tay mở hầu bao để mua cổ phần của các DNNN cổ phần hóa trong thời gian gần đây. Trong số đó, phải kể đến hai DN tư nhân lớn là Tập đoàn Vingroup và CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam, đã trở thành cổ đông chiến lược của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), với tỷ lệ sở hữu 10% và 14%. Đây là toàn bộ lượng cổ phần mà Vinatex được bán cho NĐT chiến lược theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt. Vinatex có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính về xử lý vướng mắc khi thực hiện chuyển giao Cảng Nha Trang từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về UBND tỉnh Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn cho phép Vinalines chuyển nhượng 8,5 triệu cổ phần theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với CTCP Vinpearl Nha Trang…

Nhiều tổng công ty của Bộ Giao thông Vận tải cổ phần hóa thành công trong thời gian gần đây là nhờ thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các DN tư nhân có ngành nghề hoạt động tương đồng. Điển hình như CTCP Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm Fecon, một DN tư nhân trong lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp, giao thông… đã trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) khi lần lượt sở hữu 10% và 25,76% cổ phần tại hai tổng công ty này.

Ngoài Fecon, khi hai tổng công ty này cổ phần hóa, IPO trong năm ngoái, còn thu hút một số DN tư nhân trong và ngoài nước tham gia mua cổ phần. 

Sẽ còn rộng cửa hơn cho vốn tư nhân

Theo giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa các DNNN sắp tới, mà Chính phủ vừa báo cáo trước Quốc hội, ngoài nỗ lực hoàn thành cổ phần hóa 289 DN vào cuối năm nay, sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung DN cần cổ phần hóa. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào các DNNN sẽ còn rộng mở hơn trong thời gian tới.

Điểm khác biệt của nỗ lực thúc đẩy cổ phần hóa ở giai đoạn này so với các giai đoạn trước, theo ông Tiến, là trên cơ sở đẩy mạnh rà soát các DNNN theo Quyết định 37/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, với những danh mục ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm, hoặc nắm cổ phần nhưng không chi phối thì sẽ tăng mạnh tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài khi IPO, để vừa gia tăng sức hấp dẫn cho phương án IPO, Nhà nước bán được cổ phần với giá tốt hơn, vừa mở ra nhiều cơ hội cho khu vực tư nhân nắm quyền điều hành DN hậu cổ phần hóa.

Câu hỏi đặt ra là cùng với quá trình khuyến khích mạnh mẽ khu vực tư nhân tham gia quá trình cổ phần hóa, thì cách nào để ngăn ngừa nguy cơ bán tài sản Nhà nước không minh bạch, không công bằng, dẫn đến làm thất thoát tài sản Nhà nước? Ông Tiến cho biết, đây là vấn đề được cơ quan quản lý đặc biệt lưu ý không chỉ trong xây dựng khung chính sách, mà cả trong quá trình kiểm tra, giám sát thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

Cụ thể, với cơ chế mang tính đột phá là bán đấu giá cổ phần theo lô, mà Bộ Tài chính sắp hoàn thiện và ban hành, để đảm bảo nguyên tắc minh bạch, cạnh tranh lành mạnh trong tham gia mua cổ phần tại các DN mà Nhà nước thoái vốn, việc bán cổ phần lô lớn sẽ được thực hiện thông qua đấu giá công khai trên Sở GDCK. Cùng với đó, các DN, NĐT sẽ phải minh bạch thông tin trong quá trình mua - bán cổ phần.

Tin bài liên quan