Ông Nguyễn Văn Phúc

Ông Nguyễn Văn Phúc

Xử lý mô hình quản trị “chẳng giống ai”

Quản trị doanh nghiệp của Việt Nam “chẳng giống ai”. Liệu “sự khác người” có được Luật Doanh nghiệp sửa đổi xử lý triệt để là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Cái sự “chẳng giống ai” đó là việc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ngoài HĐQT, còn thành lập hội đồng sáng lập có quyền lực “vô biên”. Ông bình luận gì về việc này?

Nếu doanh nghiệp nào đó thành lập một tổ chức thực hiện chức năng tư vấn, cố vấn hay thực hiện công việc gì đó hỗ trợ HĐQT, bảo vệ cổ đông… thì không sao, nhưng lập ra một tổ chức có quyền hạn quyết định các vấn đề về hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhân sự, xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn… mà không được quy định trong Luật Doanh nghiệp, là vi phạm pháp luật.

Nhưng ngân hàng là lĩnh vực đặc thù hoạt động theo luật chuyên ngành. Nếu Luật Các tổ chức tín dụng (luật chuyên ngành của lĩnh vực ngân hàng) cho phép thành lập hội đồng sáng lập hay tổ chức tương tự và điều lệ của ngân hàng cũng cho phép thì sao?

Luật Doanh nghiệp quy định chung về mô hình tổ chức, quản trị của doanh nghiệp, các luật chuyên ngành có thể quy định riêng, nhưng chỉ quy định những đặc thù trong hoạt động của lĩnh vực nào đó, còn mô hình tổ chức, quản trị vẫn phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp tôn trọng điều lệ doanh nghiệp đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, nhưng điều lệ không được quy định cho phép doanh nghiệp thành lập tổ chức nào đó có quyền hạn bao trùm cả HĐQT, ban lãnh đạo, ban kiểm soát, thậm chí còn chi phối cả đại hội đồng cổ đông.

Lấy lý do là đặc thù của lĩnh vực quốc phòng, mô hình quản trị của Viettel không có HĐQT hay hội đồng thành viên. Trong khi đó, cũng thuộc Bộ Quốc phòng, Ngân hàng TMCP Quân đội lại có mô hình HĐQT. Chắc ông biết việc này?

Tôi đã từng trao đổi với lãnh đạo Viettel về vấn đề này và được giải thích rằng, do đặc thù trong việc bảo mật công nghệ - thông tin của lĩnh vực quốc phòng, nên Viettel không nhất thiết phải thành lập HĐQT hay hội đồng thành viên. Nhưng theo tôi, đã tham gia lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thì phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, bất kể thuộc bộ ngành nào, thì doanh nghiệp chỉ có đặc thù về nhiệm vụ, chứ không thể có đặc thù về mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp.

Ngoài công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, tổng công ty, tập đoàn kinh tế…, Việt Nam còn có công ty cổ phần tập đoàn, tổng công ty cổ phần. Ông có nghĩ rằng, doanh nghiệp Việt Nam quả là vô cùng sáng tạo trong xây dựng mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp?

Đúng là sáng tạo! Sáng tạo tới mức có thể nói là khác người, chẳng giống ai. Vấn đề này sẽ được Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) thảo luận kỹ trong quá trình hoàn thiện Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Theo tôi, dù gọi là tổng công ty cổ phần hay công ty cổ phần tập đoàn hay gọi là gì đi nữa, thì doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động theo một trong các loại hình, gồm công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp cá thể (doanh nghiệp tư nhân), hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước, hoặc nhóm công ty. Đăng ký theo mô hình nào, thì doanh nghiệp phải hoạt động theo các quy định về tổ chức, quản trị của mô hình đó đã được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp.

Thưa ông, mô hình tổ chức, quản trị doanh nghiệp nhà nước, theo nhiều đại biểu Quốc hội, cũng là “sự sáng tạo”, nên cần phải bỏ quy định về doanh nghiệp nhà nước khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp?

Nội dung này gây nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước, mà đưa toàn bộ nội dung này vào Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đang được Quốc hội cho ý kiến. Ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ quy định về vấn đề đầu tư vốn, quản lý vốn nhà nước đưa vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, nếu không luật hóa mô hình tổ chức, quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, thì sẽ tạo ra lỗ hổng.

Quan điểm của ông ra sao?

Tôi thiên về quan điểm thứ hai, vì nếu không quy định mô hình tổ chức, quản trị kinh doanh thì sẽ tạo ra lỗ hổng do Luật Doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/7/2010. Về quản trị, mô hình tổ chức, doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, còn đầu tư vào lĩnh vực nào, đầu tư ra sao, quản lý vốn đầu tư thế nào, ai là người có thẩm quyền thành lập doanh nghiệp nhà nước…, thì doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo Luật Đầu tư và Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Việc quy định về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp là để xử lý vấn đề đặc thù của khu vực kinh tế này. Đơn cử, chủ tịch HĐQT hay hội đồng thành viên, ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước là công chức nhà nước, nên theo quy định, phải có nhiệm kỳ và không được làm đến quá 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, nhưng quy định này không thể áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp khác. Nếu không quy định chương riêng về doanh nghiệp nhà nước, thì vấn đề này không biết xử lý thế nào.

Tin bài liên quan