Lĩnh vực chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu của tăng trưởng

Lĩnh vực chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu của tăng trưởng

Vượt khó khăn, kinh tế vĩ mô tiếp tục tích cực

(ĐTCK) “Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Điều này cho phép phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế năm nay, cũng như giai đoạn tới…”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 diễn ra chiều muộn 29/10.

Thêm tín hiệu tích cực

Ông Nên cho biết thêm, các thành viên Chính phủ cho rằng, đến thời điểm này, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Đáng chú ý, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu của tăng trưởng. Xuất khẩu và vốn FDI tiếp tục tăng dù kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp…

Đề cập cụ thể hơn các diễn biến tích cực của kinh tế vĩ mô, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ít biến động và được kiểm soát ở mức thấp, ước cả năm tăng khoảng 2%.

Tăng trưởng tín dụng đạt khá và cao hơn tốc độ huy động vốn; chất lượng tín dụng được cải thiện; nợ xấu giảm nhanh và đến nay đã hoàn thành mục tiêu của cả năm là xuống dưới 3%; tổng cầu và sức mua tăng; thu nội địa đạt khá; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt… Vốn FDI đăng ký và thực hiện tăng cao so với cùng kỳ. Trong 10 tháng qua, vốn FDI thực hiện ước đạt 11,8 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, 2 tháng cuối năm, chúng ta cần nỗ lực cao nhất, việc đã làm tốt cần làm tốt hơn nữa, còn hạn chế, yếu kém thì phải ra sức khắc phục, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá. Điều hành tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng, cơ cấu tín dụng hợp lý và khả năng huy động vốn…

Bên cạnh các chuyển biến tích cực, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế đang đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế như: sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và về giá trị như gạo, cà phê, chè... Thu - chi ngân sách nhà nước còn khó khăn. Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm, nhập khẩu tăng mạnh.

Đề cập cụ thể khó khăn về thu ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong năm 2015, ước tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương hụt thu khoảng 31.000 tỷ đồng do giá dầu giảm...

“Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, các cơ quan chức năng phải nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015…”, bà Mai nói. 

Doanh nghiệp “khỏe” dần

Hoạt động phát triển DN chuyển biến tích cực, số DN thành lập mới và số vốn đăng ký tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng, cả nước có 77.542 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 486,1 nghìn tỷ đồng, tăng 29,2% về số DN; tăng 37,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Tổng số vốn bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 10 tháng năm nay là 1.223,9 nghìn tỷ đồng. Số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm nay là 16.198 DN, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước.

Những chuyển biến tích cực của nền kinh tế cùng với các giải pháp và quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh đã hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, bước đầu đạt mức tăng khá so với năm 2014. Tuy nhiên, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 10 tháng là 60.164 DN, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước...

Liên quan đến tín hiệu DN “khỏe” dần, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, điều này phần nào thể hiện qua mức thuế thu nhập DN đóng góp vào thu ngân sách tăng cao trong 10 tháng qua, chiếm khoảng 39 - 40% trong tổng thu ngân sách, trong khi trung bình nhiều năm gần đây chỉ là hơn 30%.

Tin bài liên quan