Kết thúc tháng 11/2017, chỉ số VN-Index vượt mốc 900 điểm, tăng 41% so với thời điểm đầu năm nay và xếp thứ 3 về mức tăng trưởng so với các chỉ số chứng khoán trên thế giới. Điều hành công ty chứng khoán ngoại có văn phòng hoạt động khá lâu tại Việt Nam, ông nhìn nhận gì về bước phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại? Diễn biến này có thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản?
Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay khá tích cực, nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước cũng như tình hình kinh tế thế giới và khu vực vận động theo chiều hướng tốt.
Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản. Điều này thể hiện qua nhiều động thái như họ tăng cường nắm bắt các thông tin cập nhật về diễn biến thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết...
Điều nhà đầu tư Nhật Bản còn quan tâm hơn nữa là triển vọng, tương lai phát triển của nền kinh tế nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung.
Một khi những yếu tố nền tảng này ngày càng đi lên theo chiều hướng bền vững và tích cực thì sự khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ dừng lại ở mức độ như hiện tại. Và khi ấy, sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật sẽ thể hiện qua các quyết định đầu tư cụ thể.
Việt Nam đang trong quá trình quyết liệt thúc đẩy thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, đầu ngành đang niêm yết. Ông có nhận thấy nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các đợt nhà nước thoái vốn này?
Chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư Nhật Bản đang dành sự quan tâm lớn tới các doanh nghiệp mà Chính phủ Việt Nam đang tiến hành thoái vốn. Họ đặc biệt quan tâm đến các doanh nghiệp đầu ngành, có hiệu quả kinh doanh và chất lượng quản trị doanh nghiệp tốt, minh bạch thông tin, Nhà nước thoái vốn mạnh về dưới mức chi phối, dưới 50% vốn điều lệ, triển vọng thị trường của doanh nghiệp đó còn nhiều tiềm năng mở rộng và phát triển...
Chính những yếu tố này giúp cho nhà đầu tư Nhật Bản có cơ hội tham gia quản trị doanh nghiệp sau khi Nhà nước hoàn tất thoái vốn, qua đó không chỉ đảm bảo tính an toàn, mà còn mở ra triển vọng sinh lời tốt hơn cho đồng vốn đầu tư của họ.
Ông Toyoharu Tsutsui
Chẳng hạn, nhà đầu tư Nhật đang quan tâm đến đợt thoái vốn tại Sabeco vì nhìn thấy triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp này khả quan trong thời gian tới.
Ngoài việc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp mà nhà nước đang thoái vốn, các nhà đầu tư Nhật có quan tâm đến các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của nhiều doanh nghiệp lớn đang rục rịch triển khai như: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí… hay không, thưa ông?
Có một số trường hợp nhà đầu tư Nhật Bản đã thất bại sau khi mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cổ phần hóa. Do đó, việc tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các đợt IPO của nhà đầu tư Nhật Bản đang cẩn trọng và chặt chẽ hơn.
Điều họ quan tâm nhất chính là năng lực nội tại của từng doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp nhà nước được đưa ra cổ phần hóa có thực lực phát triển tốt, ban lãnh đạo doanh nghiệp có tính cầu tiến, quản trị và minh bạch thông tin tốt, thì sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản.