Vốn đầu tư gián tiếp sẽ gia tăng thông qua M&A

Bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc điều hành, kiêm Trưởng danh mục đầu tư cổ phần tư nhân (Tập đoàn VinaCapital) cho rằng, các chính sách mới, nhất là việc nới room sẽ tạo điều kiện tốt cho nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội kinh doanh thông qua con đường mua bán, sáp nhập (M&A). Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam thu hút dòng vốn gián tiếp.

Bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc điều hành, kiêm Trưởng danh mục đầu tư cổ phần tư nhân (Tập đoàn VinaCapital)

Bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc điều hành, kiêm Trưởng danh mục đầu tư cổ phần tư nhân (Tập đoàn VinaCapital)

Bà nhận định thế nào về xu hướng M&A giữa nhà đầu tư nước ngoài vàdoanh nghiệp Việt Nam thời gian tới?

Hoạt động M&A giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam sẽ sôi động hơn. Các thủ tục đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi, nhất là quy định nới room mới đây sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài thông qua con đường M&A. Mặt khác, thời gian tới, thị trường sẽ mở rộng, sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, nên các doanh nghiệp trong nước cũng phải nỗ lực để tạo lợi thế cạnh tranh cho mình, từ đó việc thu hút vốn ngoại cũng gia tăng.

Theo bà, dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam sẽ đến mạnh từ thị trường nào?

Có thể nói, dòng vốn sẽ đến Việt Nam từ Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Singapore. Hiện các quốc gia trong khu vực đang tăng cường các hoạt động M&A với doanh nghiệp Việt Nam, bởi Việt Nam được xem là thị trường mới nổi hấp dẫn ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Họ có thể mua lại hoặc tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp Việt Nam, hay mua lại cổ phần từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tài chính của nước ngoài.

Làn sóng M&A sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế cũng như thị trường Việt Nam?

M&A sẽ tác động tích cực lên tình hình kinh tế và thị trường Việt Nam, từ đó làm tăng thêm cả số lượng lẫn chất lượng nguồn vốn ngoại vào Việt Nam. Mặt khác, khi tham gia HĐQT và ban điều hành của doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp đỡ về quản trị, chiến lược kinh doanh để đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Tôi kỳ vọng, điều này sẽ góp phần tạo ra những doanh nghiệp Việt có sức cạnh tranh toàn cầu, có thể vươn ra thế giới, chứ không chỉ là những doanh nghiệp địa phương như trước đây.

Có nghĩa M&A tăng sức mạnh và tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước?

Hoạt động M&A giữa các công ty Việt Nam sẽ giúp các công ty có nguồn vốn để tăng trưởng và doanh nghiệp lớn có cơ hội để mở rộng quy mô. Có thể nói, những doanh nghiệp có chiến lược M&A bài bản sẽ tạo được tính cạnh tranh tốt hơn những doanh nghiệp tự nỗ lực để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh.

Theo bà, M&A sẽ sôi động nhất trong lĩnh vực nào?

Tôi cho rằng, tiêu dùng là lĩnh vực sẽ diễn ra M&A sôi động nhất trong thời gian tới, bởi Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ. Lĩnh vực tài chính cũng được xem là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu đầu tư, M&A.

Tin bài liên quan